Để khởi nghiệp thành công, giới startup cần chia sẻ, học tập những kinh nghiệm của những người thành công, từ đó đúc kết cho mình một con đường phù hợp để vượt qua thách thức ban đầu. Ngoài đổi mới sáng tạo, không có một quy chuẩn nào “rập khuôn” cho khởi nghiệp.
Chấp nhận thách thức
Hiện các doanh nghiệp vẫn chưa có thói quen sử dụng tư vấn và trong khi tổ chức quản trị một doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới, thường thiên về hướng chú trọng đầu tư nguồn lực cho quản trị sản xuất và tổ chức kinh doanh mua bán nhiều hơn là đầu tư nguồn lực cho những cái mục tiêu dài hạn. Do vậy, giới khởi nghiệp hiện không chỉ khó khăn về vốn, mà hầu hết đều thiếu kiến thức, kinh nghiệm quản trị…
Đơn cử như Lasatek, nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, với ý tưởng từ việc xây dựng một ứng dụng trên điện thoại di động có thể hướng dẫn, theo dõi quy trình trồng cây thông qua các công nghệ mới. Khi thực hiện dự án, nhóm gặp nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là vốn đầu tư và nguồn lực quản trị, chiến lược.
Ông Phạm Thanh Vi, Trưởng nhóm Dự án Khởi nghiệp Lasatek chia sẻ: “Chúng tôi mới chỉ là những starup thôi nên gặp khó khăn, thách thức về quản trị con người hay chiến lược, như là đưa ra mục tiêu và rất nhiều thứ khác, cả về kinh nghiệm. Do vậy, nhóm muốn nhận được sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm để giúp đẩy nhanh tiến độ và sớm đưa ra sản phẩm”.
Theo ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh), doanh nghiệp khởi nghiệp phải tận dụng sự tư vấn, kinh nghiệm của các chuyên gia để có lộ trình phát triển dài hơi.
“Các dự án khởi nghiệp ban đầu thường thuộc dạng “cho không, xài thử”, nhưng quan trọng nếu có nhiều người dùng là đã thành công với tiềm năng phát triển tốt, đây là cơ sở để định giá doanh nghiệp khởi nghiệp đối với nhà đầu tư”, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Trong vấn đề này, vai trò của nhà nước đối với giới khởi nghiệp khá quan trọng, nhất là định hướng cho các startup đầu tư theo nhu cầu thực tế của xã hội.
Theo ông Lê Thanh Hải, việc có hay không Quỹ đầu tư mạo hiểm không phải vấn đề cốt yếu mà yếu tố lựa chọn con đường khởi nghiệp, kỹ năng quản trị, ứng dụng công nghệ…, nhất là hỗ trợ để kết nối giữa startup với nhà đầu tư để họ vượt qua thách thức, có cơ hội phát triển; trong đó, chú trọng đến những vấn đề xã hội đang cần, những thách thức cần giải quyết trong cuộc sống.
“Công ty tư vấn sẽ giúp kết nối các quỹ đầu tư, Nhà nước không nên hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp, bởi độ rủi ro rất cao phải có trách nhiệm giải trình của người đứng đầu Quỹ đầu tư.
Nhà không cần hỗ trợ về vốn, mà có thể hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cơ bản để có được công nghệ mới, để doanh nghiệp nắm bắt công nghệ này cùng với mong muốn vươn lên, tìm sản phẩm mới cho thị trường”, ông Lê Thanh Hải chia sẻ.
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các chính sách hỗ trợ về khởi nghiệp của thành phố trong thời gian qua (nhất là hai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 – 2020 và Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Trong đó, Thành phố ưu tiên hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo khởi nghiệp mang tính đột phá, sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao cũng như giải quyết các vấn đề xã hội hướng tới phát triển bền vững.
Sáng tạo để khởi nghiệp
Đã có nhiều startup khởi đầu khá thành công, nhưng sau đó bị hụt hơi do thiếu kinh nghiệm, không có định hướng rõ ràng và rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn dẫn đến thất bại. Để phần nào khắc phục hạn chế này, trong hai năm 2016 – 2017, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam phối hợp cùng Chili.vn tổ chức khá nhiều buổi hội thảo (workshop) chia sẻ kinh nghiệm từ những người thành công cho các startup.
Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức các chương trình Roadshow (hội thảo lưu động) chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp về công nghệ thông tin cho sinh viên các trường trên địa bàn Thành phố.
Ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc Marketing Tugo.com.vn, người đã khởi nghiệp thành công từ nghề truyền thống bánh bột lọc với Dự án Ẩm thực nhà Bu, sau đó chuyển sang “khởi nghiệp hiện đại” với dự án trang du lịch online Tugo.com.vn.
Lúc đầu dự án Ẩm thực nhà Bu do ông và mẹ, một người gốc Huế, khá thành công nhưng sau đó không có thời gian và nhân lực để phát triển mở rộng, ông đã chọn “điểm dừng”. Hiện tại Ẩm thực nhà Bu vẫn duy trì, nhưng không mở rộng thêm nữa.
Sau khi “rút lui” khỏi Ẩm thực nhà Bu, ông Nguyễn Duy Vĩ cùng nhóm bạn đã lên kế hoạch cho dự án Tugo và đến nay khá thành công, là tâm huyết của những người đồng hành.
Ông Nguyễn Duy Vĩ cho biết: “Khi bắt đầu gặp rất nhiều thách thức. Nhưng chính định hướng, ý tưởng của chúng tôi được đánh giá cao nên nhà đầu tư đã “rót vốn” vào để phát triển và có được một trang du lịch hàng đầu như hiện nay. Khi khởi nghiệp chúng ta phải biết chấp nhận khó khăn, thách thức, biết điểm dừng và không ngừng đổi mới sáng tạo để phát triển”.
Trong xu hướng hiện nay, phần lớn giới khởi nghiệp cũng như những doanh nghiệp dựa vào công nghệ thông tin để khởi nghiệp, thường sử dụng hệ thống mạng internet để phát triển.
Trường hợp của ông Nguyễn Duy Vĩ là một mình chứng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công khi… đi ngược xu hướng đó, từ “kinh doanh hiện đại” chuyển sang “kinh doanh truyền thống”.
Nguyên Sa Shop hiện là một chuỗi cửa hàng khá hoành tráng và phát triển mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thùy Nguyên Sa, Chủ của chuỗi cửa hàng Nguyên Sa Shop, khởi nguồn là một thợ may “học việc” khi tự tìm tòi, nghiên cứu, thiết kế để cho ra sản phẩm của riêng mình và giới thiệu bán các sản phẩm trên mạng internet.
Từ nền tảng đó, cửa hàng online được hình thành và thu hút người mua qua mạng. Tuy nhiên, nhận thấy xu hướng kinh doanh qua mạng có những hạn chế khó phát triển mạnh, chủ cửa hàng đã dần chuyển sang kinh doanh truyền thống kết hợp kinh doanh qua mạng, mở cửa hàng cho khách đến xem và mua trực tiếp.
Theo bà Nguyễn Thùy Nguyên Sa, hàng thực tế thường khó “long lanh” như hình ảnh trên mạng nên nhiều người không yên tâm. Vì vậy, việc mở cửa hàng truyền thống đã giúp cho khách yên tâm hơn khi họ được trực tiếp xem trên tay món đồ mình chọn lựa.
Những dự án khởi nghiệp trên đã chứng minh, không có một quy chuẩn nào cho khởi nghiệp thành công hay thất bại, mà sự sáng tạo của startup là nền tảng cho thành công.
Theo ông Lê Thanh Hải, nếu một ý tưởng hay, dự án hay thì các nhà đầu tư bên ngoài sẽ nắm bắt được ngay. Điều quan trọng là những người khởi nghiệp có được những kiến thức, kinh nghiệm gì để có thể nắm lấy cơ hội này để thu hút đầu tư.
Ở đây, Nhà nước có thể có các lớp dạy cho những người khởi nghiệp như định giá doanh nghiệp họ, kỹ năng đàm phán thương mại. Về mặt công nghệ, dự án, ý tưởng thì người khởi nghiệp phải lo, nhưng khi họ dồn sức vào đây thì họ sẽ thiếu kỹ năng đám phán với Quỹ đầu tư hoặc định giá quá thấp hoặc quá cao.
Với phong trào khởi nghiệp, nhất là trong giới trẻ đang phát triển, việc trang bị những kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cho đối tượng này cần sớm thực hiện, nhất là khả năng đổi mới sáng tạo. Và một trong những ý tưởng ban đầu xuất phát từ chính trên ghế nhà trường cho sinh viên./.
Vũ Tiến Lực | Theo TTXVN