Khởi nghiệp sau 3 lần thất bại, thành công ở phía cuối con đường của “đại gia lò gạch”
Khi 5 lò gạch bị dừng hoạt động, vợ chồng anh Mạnh dồn tất cả vốn liếng để khởi nghiệp lần nữa sau 3 lần thất bại bằng nghề nuôi gà mà không biết khó khăn trùng điệp đang chờ đợi.
“Nghề nuôi gà là lần khởi nghiệp thứ ba của vợ chồng tôi. Trước đó là 15 năm làm chủ lò gạch thủ công và nuôi lợn”, anh Trần Văn Mạnh, 50 tuổi, bắt đầu câu chuyện về những năm tháng “vật lộn” với đàn gà của mình.
Bố mất sớm, mẹ ốm đau nên 20 tuổi anh Mạnh đã bị gia đình giục lấy vợ. Cưới nhau xong, hai vợ chồng anh nuôi mộng làm giàu bằng việc mở lò gạch. Và họ cũng đã sớm gặt hái được những thành công. Khoảng những năm 1990 – 2005, thu nhập từ nghề lò gạch thủ công của anh có thời điểm lên 50 -100 triệu một năm. Con nhà nông nên anh “cẩn thận” chuyển hết số tiền lãi thành vàng, gửi vào ngân hàng.
Lợi nhuận cao nhưng mấy cái lò gạch của anh cũng lắm rủi ro. Khói than đốt lò nhiều lần làm hỏng mùa màng của bà con, anh phải mang tiền đi đền. Chỉ hai năm sau, tất cả những lò gạch bị yêu cầu dừng hoạt động. Anh đập lò, chuyển sang buôn cám, nuôi lợn. Nhưng dịch lợn tai xanh hoành hành, cám bán ít người mua, bị nợ nhiều. Thấy không ổn định, anh dừng nuôi lợn, rút dần vốn để tìm nghề khác.
Nhờ thời gian buôn cám, anh được tiếp xúc nhiều chủ trang trại nên biết đến nghề nuôi gà đẻ trứng. “Cả tiền giống và tiền thức ăn một con gà trung bình tốn 150 nghìn một năm. Nếu thuận lợi, một con cho khoảng 320 quả trứng. Bán 1.000 đồng/quả thì cũng lời được 170.000 đồng. Nuôi 3.000 con, mỗi năm sẽ lãi hơn 500 triệu”, anh nhẩm tính, giải thích lý do chuyển đổi.
Năm 2008, hai vợ chồng chở nhau ra ngân hàng rút tiền, vàng về dựng trang trại để khởi nghiệp lần thứ ba. Đến tham quan ở đâu thấy cách thiết kế chuồng trại, lắp đặt hệ thống thoát nước khoa học, anh ghi nhớ trong đầu để về nhà tự xây. Năm đầu nuôi 3.000 con gà đẻ trứng, thấy lãi nên năm sau anh tăng đàn lên đến 15.000 con.
Một ngày đầu đông sau ba năm khởi nghiệp, khi tỉnh giấc lúc 4 giờ sáng, anh Mạnh không nghe tiếng gà cục tác như thường lệ. Ra ra thăm chuồng, đập vào mắt anh là hàng chục con gà nằm sõng soài. Con còn sống thì ủ rũ, bỏ ăn, đi phân xanh, trắng vì mắc bệnh Niu-cat-xơn (bệnh gà rù). Ông chủ biết năm đó lỗ to.
Những ngày sau đó, hai vợ chồng mở cuộc chiến “giải cứu gà”. Ngày nào cũng thức đến hai giờ sáng cho gà uống thuốc, tiêm, nhưng chẳng được là bao. Nằm nghe tiếng những con gà ốm thở khò khè, vợ chồng anh nông dân trằn trọc vì tiếc của. Sáng ra, hai người chia nhau đi nhặt gà chết. Cao điểm có ngày đến 300 con.
Dịch bệnh năm đó giết hơn 5.000 trong tổng số 15.000 con gà trong trang trại của anh. Những con sống được lại không còn khả năng đẻ trứng. Họ lại tiếp tục mang sổ đỏ đi thế chấp, vay ngân hàng gần một tỷ đồng để gầy đàn gà mới. “Đây là lần đầu tiên nhà tôi phải đến ngân hàng vay tiền. Mất tiền ai không tiếc, nhưng anh ấy động viên tôi làm gì cũng mất học phí”, chị Bảy nhớ lại.
Vài năm sau, gà lại chết vì bệnh cũ. Ông chủ trại không muốn mất học phí lần ba. Anh thăm dò các công ty bán giống mới biết, họ thuê đơn vị khác chăm sóc. Để cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận, đơn vị này trốn tiêm vaccine khiến gà bị bệnh. Từ đó, cứ gà một ngày tuổi, anh mua về nuôi để tự tiêm phòng. Làm nhiều nên không cần sổ sách, ngồi với khách, người đàn ông vẫn có thể đọc vanh vách tên hơn 10 loại vaccine, lịch tiêm cho gà hàng năm. “Giờ chỉ bệnh nào lạ, phức tạp tôi mới cần hỗ trợ của kỹ thuật”, anh Mạnh nói.
Anh Hà Văn Bắc, giám đốc một công ty thú y cho biết: “Anh Mạnh là một người chăm chỉ và ham học hỏi. Gà có vấn đề gì là anh ấy lập tức nhờ tư vấn, tìm hiểu rõ mới thôi. Gần một năm nay, anh chưa phải nhờ chúng tôi tư vấn”.
Thị trường bán 1.000 đồng/quả, anh bán giá 900. Nhiều đại lý làm ăn thất bát, anh cho nợ 3-4 tháng mới lấy tiền. Về sau, anh mua xe tải 2,5 tấn, chở trứng cho đại lý rồi nhập cám ở các công ty mang về các trang trại bán kiếm lời.
Năm thì dịch bệnh, năm thì giá trứng lao dốc, người nuôi gà bỏ cuộc ngày càng nhiều, các trang trại cũng giảm đàn. Cầu nhiều hơn cung nên giá trứng lên hơn 2.000 đồng/quả, anh Mạnh thắng đậm. Có thời điểm mỗi ngày lợi nhuận từ trứng lên đến 15 triệu đồng.
Năm 2017, anh bàn với vợ đầu tư 6 tỷ mua thêm hơn một héc ta mở rộng trang trại. Lần này, chị Bảy càu nhàu phản đối. “Làm một cái còn mệt bở hơi tai, sức đâu mà làm cái nữa”, chị cáu với chồng.
Một tháng sau đó, anh Mạnh phải chở vợ 4-5 lần đến khu đất định mua, bàn kế hoạch. Anh chỉ cho vợ chỗ nào xây chuồng gà, vị trí nào đào ao thả cá, nuôi ba ba, chỗ nào trồng cây ăn quả. Miệng vanh vách, ông chồng tính cho vợ vốn xây dựng, mua gà giống, thức ăn bao nhiêu, khi nào hoàn vốn. “Trước giờ cứ ông ấy tính toán, tôi chỉ việc làm theo, lần này cũng thế”, chị Bảy nói. Bị “ông chủ kiêm bảo vệ trang trại” thuyết phục, chị xuôi theo. Hai trang trại hiện có 30.000 con gà, 900 con ba ba dưới ao.
Cũng đôi lần doanh thu âm tiền tỷ khi giá trứng lao dốc, nhưng nhờ vốn vững và năm sau thu nhập khởi sắc, vợ chồng anh Mạnh vượt cơn bão giá. Tháng 10 vừa qua, anh trở thành một trong 63 người được nhận bằng khen Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.
Có tiền tỷ trong tay, nhưng anh đại gia nông dân quen áo phông tối màu, quần vương bụi cám. Có lần, đang vội việc ở trang trại nên anh mặc quần ống thấp, ống cao ghé một cửa hàng mũ bảo hiểm nhờ chủ bán cho ba chiếc tốt nhất. Người này nhìn khách từ đầu đến chân rồi bảo: “Nhà chị ở thành phố, thu nhập 15 triệu một tháng cũng chỉ dùng mũ bình dân. Em nông dân cần gì mũ xịn, lấy cái vừa vừa cho tiết kiệm”. Anh Mạnh nghĩ bụng: “bằng một ngày làm ở trang trại”, nhưng chỉ cười rồi sang hàng khác.
Hơn chục năm nay, ngôi nhà hai tầng xây từ năm 1991, cách trang trại chỉ hơn 3km, gia đình anh Mạnh hiếm khi về vì niềm đam mê với đàn gà vẫn chưa “có dấu hiệu hạ nhiệt”. “Gửi ngân hàng số vàng kiếm được từ ngày làm lò gạch lấy lãi ăn vợ chồng tôi cũng nhàn nhã, có khi đủ tiền mua nhà, sắm xe hơi. Nhưng còn sức, còn phải lao động. Con cháu cũng nhìn vào mà cố gắng”, anh nói.
Nguồn vnexpress
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra