MBA (Master of Business Administration – Thạc sĩ quản trị kinh doanh) là chương trình đào tạo sau đại học (1-2 năm) phổ biến nhất toàn cầu hiện nay và được coi như thẻ thông hành cho những doanh nhân thành đạt trong tương lai.
Các khóa học MBA nước ngoài đưa vào nhiều tình huống (case study) để người học nghiên cứu và áp dụng trong quá trình học tập. Do đó, nhiều khóa đào tạo MBA đòi hỏi người học cần có hai năm kinh nghiệm trước khi theo học là như vậy.
Có rất nhiều chương trình sau đại học mà bạn có thể tham gia, thế nhưng phần lớn chúng ta đều khẳng định chương trình MBA sẽ giúp tăng thu nhập lên ngưỡng cao nhất. Xã hội cũng thường quan niệm rằng nếu có học vấn cao hơn, mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn và nếu bạn đủ thông minh để học hết đại học, bạn sẽ còn giỏi giang hơn nữa nếu học cao lên. Như vậy, học MBA có thật sự thành công trong cuộc sống?
Theo Bộ LĐTBXH cùng Tổng cục Thống kê, quý IV/2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp (tăng 48.000 người so với cùng kỳ 2012) và hơn 1,2 triệu lao động trong độ tuổi thiếu việc làm. Ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng nghề, tỷ lệ thất nghiệp là 7,68%, tăng 1,3 lần so với quý IV/2012 (tương đương 8.300 người); tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng là 6,74%, tăng 1,3 lần (khoảng 19.200 người); tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần. Như vậy, có khoảng 72.000 lao động thuộc nhóm này bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV/2012.
Ảnh minh họa: Pentagon. |
Nhân tiện đọc được các số liệu này, tôi chia sẻ cho các bạn nhiều điều nguy hiểm mà người ta có thể dạy sinh viên trong chương trình MBA nếu sinh viên không có cái nhìn thực tế:
1. Bạn là số 1: Rất nhiều người học MBA nghĩ rằng họ là số một lúc được nhận vào trường kinh doanh. Khi tốt nghiệp, họ nghĩ mình sẽ kiếm ngay được công việc xứng đáng với mức lương cao. Thế nhưng thực tế trở về nước, người có MBA phải làm việc với hàng đống giấy tờ. Ý kiến của bạn cũng sẽ chẳng được tôn trọng bởi bất kỳ ai có chức vụ trong công ty. Đừng nản lòng, hãy cố gắng và bạn sẽ có cơ hội để thể hiện mình.
2. Bạn là người xuất sắc nhất: Tương tự như điều 1, bạn vẫn chẳng là “cái đinh” gì. Ai cũng ghét kẻ tốt nghiệp MBA kiêu ngạo, đặc biệt khi bạn không nắm được nhiều điểm quan trọng trong văn hóa làm việc của công ty. Nếu bạn chẳng là ai, hãy chấp nhận thực tế để cố gắng.
3. Đầu tư cho bản thân là đầu tư khôn ngoan: Họ khẳng định việc đi học MBA có thể coi như khoản đầu tư khôn ngoan nhất mọi thời đại. Tôi lại nghĩ rằng nếu bạn muốn học, bạn sẽ học được rất nhiều từ 2 năm đi làm. Thực tế chứng minh những người không có MBA kiếm được nhiều tiền hơn so với người học MBA. Không ít người vẫn chẳng hiểu thực sự họ muốn làm cái gì trong suốt 2 năm sau khi tốt nghiệp MBA. Thực ra, chẳng có gì khác thường cả, chỉ đơn giản đừng cố nghĩ rằng bạn đang đầu tư cho chính mình khi bạn không hiểu mình nên làm gì với quãng thời gian còn lại trong đời.
4. Bạn thông minh nhất: Sau khi cạnh tranh gay gắt để vào được trường kinh doanh, người học MBA tin họ quá giỏi để được du học. Trong kinh doanh, ai cũng thông minh trong từng khía cạnh của sự việc. Nếu bạn cố gắng thể hiện mình quá nhiều, đồng nghiệp sẽ tìm cơ hội để làm cho bạn mất mặt. Đừng tạo ra kẻ thù không cần thiết.
5. Bạn sẽ trở thành doanh nhân thành đạt: Đừng ảo tưởng. Bạn học MBA để có khả năng tổ chức công việc tốt hơn. Thế nhưng không phải bạn đã nắm được mọi bí quyết để tự khởi nghiệp (Start-up) như một doanh nhân chuyên nghiệp.
6. Bạn đã có đủ “công cụ” để làm việc và kinh doanh: Người học MBA thường thích các công cụ. Họ được biết đến cực kỳ nhiều công cụ, đặc biệt trong năm thứ 2 của chương trình MBA: phân tích SWOT, phân tích ngành. Tất nhiên mọi thứ đều tốt nhưng chẳng có công cụ nào giúp đảm bảo cho mọi thứ và chắc chắn không thể thay thế cho khả năng xét đoán chính xác trong kinh doanh. Chẳng trường lớp nào dạy được khả năng này.
7. Làm việc theo nhóm: Các trường nước ngoài nhấn mạnh rằng làm việc theo nhóm giúp bạn làm việc nhóm tốt hơn và họ nói không muốn sinh viên chỉ “học vẹt”. Vậy việc ép sinh viên phải làm việc theo nhóm thật tốt sau 2 năm liệu có hợp lý? Hoàn toàn sai lầm. Những trải nghiệm trên chỉ giúp bạn khi làm chính trị, thu hẹp đội ngũ…
8. Bạn nên ghi MBA sau tên của bạn trên danh thiếp: Đừng làm vậy.
9. Học xong MBA, bạn có khả năng giao tiếp cực tốt: Khi tham gia chương trình MBA, bạn có rất nhiều cơ hội để thể hiện mình. Nhưng bạn đã bao giờ lắng nghe bài thuyết trình của các chuyên gia trên CNBC hay Bloomberg? Học MBA không đồng nghĩa bạn sẽ có khả năng hùng biện siêu đẳng. Bất kỳ cái gì cũng cần phải luyện tập. Bạn phải luôn cố gắng cải thiện bản thân mình nếu muốn thành công.
Bất kỳ doanh nghiệp nào, người chủ cũng cần ở một nhân viên ngoài kiến thức và kỹ năng còn là kinh nghiệm thực tế. Hơn nữa, doanh nghiệp là một tập thể chứ không phải chỉ có “một ngôi sao” mà mọi người phải phục tùng. MBA chỉ phù hợp với những chuyên viên đã có bề dày kinh nghiệm và sự thăng tiến của cá nhân là do hiệu quả công việc mang lại. MBA sẽ thực sự hữu ích nếu bạn mới bắt đầu một công việc quản lý, từ cấp độ nhỏ.
Về bản chất, học không phải vì bằng cấp mà vì cần trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm để phục vụ cho việc quản trị là tốt. MBA rõ ràng là một tấm áo đẹp, hấp dẫn, nhưng nó chỉ sang trọng và thực sự đẹp nếu người mặc không dùng “áo đẹp” để “đi đêm”.
TS Thái Lâm Toàn