Khởi Nghiệp | StartupÝ tưởng Khởi Nghiệp

Người cao tuổi cũng có thể khởi nghiệp như các startup trẻ khác?

Với những lợi thế về kinh nghiệm, uy tín… người cao tuổi được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao và cho rằng, đây là lực lượng lao động giầu tiềm lực, cần được phát huy.

“Khởi nghiệp” là vấn đề đã quen thuộc được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây, nhưng mới chỉ tập trung ở nhóm trẻ và khá mới mẻ với người cao tuổi.

Với những lợi thế về kinh nghiệm, uy tín… người cao tuổi được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao và cho rằng, đây là lực lượng lao động giầu tiềm lực, cần được phát huy.

Lan tỏa phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi

Phong trào người cao tuổi thi đua làm kinh tế giỏi đã phát triển sâu, rộng, được đông đảo người cao tuổi trong cả nước hưởng ứng và đạt kết quả thiết thực.

Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương người cao tuổi luôn có ý chí và nghị lực, tinh thần quyết tâm vượt khó, biết tận dụng thời cơ để làm kinh tế có hiệu quả, làm ra sản phẩm phục vụ xã hội, mang lại lợi ích cho bản thân và gia đình, cho quê hương, đất nước.

Hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi năm 2008 mới có gần 60 nghìn người, đến năm 2018 con số này đã tăng lên gần 400 nghìn cụ, ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ông Hồ Sỹ Khuê (76 tuổi, thương binh hạng 4/4, ở xã Ðông Hoàng, huyện Ðông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần thương mại Sao Khuê) được coi là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Công ty của ông có chức năng kinh doanh các mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2013 đến năm 2017, Công ty đã mua 6 ha ruộng, đầu tư xây dựng trang trại, xây nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo. Năm 2017, Công ty bán ra thị trường 35 nghìn tấn vật tư các loại, đạt doanh thu 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 100 lao động với mức lương từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Sơn (64 tuổi ở xã Ðắc Lao, huyện Ðác Min, tỉnh Ðắk Nông) cũng là một điển hình trong phong trào làm kinh tế khi sở hữu hàng chục ha cây cà phê cùng một số cây trồng khác. Hằng năm, gia đình ông thu hơn 16 tấn cà phê, 20 tấn gừng, 3 ha hồ tiêu, 120 cây sầu riêng, bơ và vú sữa. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu lãi 3,2 tỷ đồng.
Ông Sùng Sái Tòng (70 tuổi, dân tộc Mông, ở bản Mô Cổng, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) là chủ một trang trại lớn nhất, nhì xã. Ngoài nhận khoán 130 ha trồng và bảo vệ rừng, ông còn có 10 ha cây sơn tra, 3 ha cây sa nhân dưới tán rừng, 2 ha chanh leo, nuôi hàng chục con bò, lợn và hàng trăm con gà, ngan, vịt, 1.000 m2 ao cá…

Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu về khoảng 350 triệu đồng. Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, ông Tòng cho biết, sau khi nghỉ hưu năm 2004, thấy mình vẫn có sức khỏe, lại nhìn ra tiềm năng trên chính mảnh đất quê hương, ông quyết định tiếp tục làm việc. Với kinh nghiệm và lòng say mê công việc, ông Tòng đã khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong xã.
Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thị Hải Chuyền cho biết, đến nay cả nước đã có gần 400 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Phong trào xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu, xuất sắc, nhiều người cao tuổi được phong tặng các danh hiệu, bằng khen, phần thưởng cao quý của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Mỗi năm, cả nước có hàng ngàn người cao tuổi làm kinh tế giỏi được tôn vinh ở các cấp. Điểm sáng chung nhất của các điển hình là ý chí và nghị lực, tinh thần quyết tâm vượt khó, biết tận dụng thời cơ để làm kinh tế có hiệu quả, làm ra sản phẩm phục vụ xã hội, mang lại lợi ích cho bản thân và gia đình, cho quê hương, đất nước.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Chuyền, những tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi đã xuất hiện trên các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại… đúc kết nhiều bài học sâu sắc về kinh tế thị trường, quản trị doanh nghiệp, phát triển gắn với an sinh xã hội…
Hầu hết người cao tuổi làm kinh tế giỏi gắn bó mật thiết với cộng đồng, xã hội, luôn mở rộng vòng tay nhân ái giúp đỡ những người còn khó khăn; quan tâm tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Hòa Bình, điểm nổi bật của những người cao tuổi làm kinh tế giỏi là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng, nghị lực, tâm huyết. Người cao tuổi làm giàu không giới hạn về tuổi tác, nhiều cụ trên 80 tuổi, trên 90 tuổi vẫn nhiệt huyết, tham gia lao động, cống hiến trí tuệ. Những lợi thế khiến người cao tuổi thành công chính là kinh nghiệm, uy tín và niềm đam mê công việc.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, kinh nghiệm chính là “tài sản giá trị” nhất mà người trẻ không có được khi so với người lớn tuổi. Bên cạnh đó, kỹ năng tạo dựng các mối quan hệ cũng là một trong những thế mạnh của những người đã có thâm niên làm việc nhiều năm.

“Người cao tuổi không ngại rời khỏi bàn làm việc để trò chuyện trực tiếp với đối tác kinh doanh, cũng như chủ động di chuyển hàng trăm cây số để mặt đối mặt với những khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, họ còn có được “giác quan thứ sáu” để nhận ra đâu là những hiền tài, đâu là những cộng sự tốt nhất của mình”, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, ngày càng có nhiều người cao tuổi tham gia khởi nghiệp thành công là tín hiệu tích cực để xây dựng một chiến lược tận dụng chất xám và năng lực của người lao động.

Dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Đến năm 2050, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam khoảng 27 triệu người, chiếm 1/4 tổng dân số cả nước, sẽ tác động bất lợi tới phát triển kinh tế – xã hội.
Do đó, ngay từ lúc này, cùng với việc điều chỉnh chính sách chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu,… các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu, đề xuất những cơ chế “mở” để người cao tuổi khởi nghiệp.
Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đã giao Cục Bảo trợ xã hội nghiên cứu vấn đề khởi nghiệp cho người cao tuổi. Ông Đào Ngọc Dung cho rằng, khi đối mặt với già hóa dân số, lực lượng lớn người cao tuổi nếu không biết tận dụng chất xám và năng lực của họ sẽ rất phí.
Việc người đứng đầu ngành Lao động- Thương binh và Xã hội phát động phong trào khởi nghiệp với người cao tuổi chắc chắn sẽ là một làn sóng mới cho việc làm giàu, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, để người cao tuổi mạnh dạn khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, cũng còn rất nhiều vấn đề phải bàn, đầu tiên là cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp.
Trong Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội tổ chức gần đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, khởi nghiệp cho người cao tuổi là vấn đề đã được đặt ra. Hiện đã có một số chính sách, nhưng còn nhỏ lẻ, mới tập trung được vào một số đối tượng người cao tuổi có trình độ cao, về cơ bản còn đang thiếu một chính sách tổng quát.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ nhanh chóng nghiên cứu những chính sách để hỗ trợ người cao tuổi và người sau nghỉ hưu tham gia khởi nghiệp.

Nguồn bnews.vn

BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ

Đăng ký thành công

Có lỗi xảy ra

DMCA.com Protection Status
Back to top button

BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ - STARTUP VIỆT NAM

Đăng ký thành công

Có lỗi xảy ra