Tại hầu hết các đô thị, tình trạng bảng quảng cáo lớn che gần hết tòa nhà cao tầng rất phổ biến. Nhiều người lo ngại cháy nổ, cơ quan chức năng xử sao?
- TP HCM đã làm biển hiệu quảng cáo đồng bộ từ lâu
- 5 “chiêu tâm lý” để quảng cáo thu hút người tiêu dùng
Nhiều người đi đường cho biết họ cảm thấy ngộp ngạt và hoa mắt trước tình trạng quảng cáo tràn lan, đủ mọi kích thước, màu sắc, đèn chớp. Không ít người thắc mắc và bày tỏ bức xúc khi các cơ sở kinh doanh muốn quảng cáo kiểu gì thì làm, gắn ở đâu, hình thức thế nào là tùy ý…
Cháy nhà phố là nghĩ ngay tới bảng quảng cáo
Khá nhiều vụ cháy trong thời gian gần đây cho thấy người dân lâm nạn vì thiếu lối thoát hiểm.
Tháng 6-2016, vụ cháy tại cửa hàng bán bếp điện từ (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã khiến 4 người tử vong. Căn nhà bị cháy có một trệt một lầu, thiết kế khá bí.
Tầng trệt chỉ có cửa chính, không có cửa sổ. Phía trước và hai bên ban công lầu 1 bị biển hiệu quảng cáo của cửa hàng che chắn kín.
Mới đây, vụ cháy dãy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, Hà Nội ngườii dân liên tiếp đặt ra các vấn đề về quản lý các biển hiệu, bảng quảng cáo
TP.HCM cũng như Hà nội, việc bảng quảng cáo chắn hết lối thoát hiểm phía trước căn nhà khiến gia đình chủ nhà có nguy cơ gặp nguy hiểm do chính họ đã bịt kín con đường thoát hiểm của mình..
Luật khá rõ nhưng thực hiện có vấn đề
Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Điều 31 và 34 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về biển hiệu, bảng quảng cáo và việc cấp phép xây dựng công trình quảng cáo, bảng quảng cáo, biển hiệu phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định về kích thước, diện tích.
Đặc biệt, phải được cơ quan nhà nước cấp phép nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 m2 trở lên; Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn; Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 m2 trở lên.
Bảng quảng cáo, biển hiệu phải đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo các hoạt động sản xuất, sinh hoạt bình thường của người dân và an toàn sinh mạng, đảm bảo tầm nhìn và không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông.
Luật sư Trạch chia sẻ: “Pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ về hình thức bảng quảng cáo, biển hiệu, tôi cho rằng vấn đề nằm ở việc thực hiện các quy định bao gồm cơ quan chức năng cấp phép; cơ quan ban, ngành kiểm tra, thanh tra, giám sát có thực hiện đúng chức trách của mình hay không?”.
LS Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: “Cơ quan chức năng có thẩm quyền khi đã cấp phép cho các tòa nhà có bảng quảng cáo đi vào hoạt động cần có trách nhiệm giám sát, kiểm tra. Ngoài ra, cảnh sát PCCC cần kiểm tra các địa điểm kinh doanh karaoke, nhà hàng, vũ trường, quán bar, trung tâm tiệc cưới…”
Mất mỹ quan chung
Ở góc nhìn về mỹ quan đô thị, thạc sỹ, nhà thiết kế Nguyễn Hữu Vinh – Giảng viên khoa Kiến trúc Nội thất (ĐH Kiến trúc TP.HCM) cho rằng: “Hiện tại, ngoài một số ít các khu đô thị – khu dân cư mới được quy hoạch khá chặt chẽ về kiểu dáng kiến trúc nhà phố – nhà liên kế, thì phần lớn nhà cửa ở các TP của nước ta có hình dáng hỗn độn, có các biển hiệu quảng cáo tự phát, tùy tiện, thiếu kiểm soát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn minh và mỹ quan chung của các đô thị.
Nguyên nhân sâu xa ngoài việc do ý thức của người dân thì còn do sự quản lý chưa chặt chẽ và thiếu kiến thức về thẩm mỹ đô thị của các cơ quan chức năng”.
Theo ThS Vinh, để dung hòa giữa việc quảng cáo của các cơ sở kinh doanh với các yêu cầu về an toàn khác, cần có một bộ phận gồm những chuyên gia về mỹ thuật đô thị, đồ họa quảng cáo, các cơ quan ban ngành liên quan để tư vấn cho cơ quan quản lý các khu phố, tuyến đường.
Ngân sách dành cho đội ngũ này có thể do chính các cửa hiệu kinh doanh đóng góp. Việc duyệt thiết kế biển hiệu là cần thiết nhưng phải trách cơ chế “xin cho” và những hành động không rõ ràng nhằm làm khó người dân để trục lợi.
Ths Quản lý đô thị Huỳnh Trọng Nhân – giảng viên khoa Kiến trúc (ĐH Xây dựng Miền Tây) cho biết, ở các nước phát triển, quy hoạch về biển hiệu, bảng quảng cáo gắn liền với các đồ án thiết kế về công trình nhà ở, vỉa hè, các tiện ích đô thị (đèn đường, băng ghế, thùng rác, tiểu cảnh trang trí,…) tạo sự đồng bộ về không gian.
Nếu quy chế hợp lý, có tính linh hoạt cao nhưng bám sát yêu cầu thiết kế đô thị thì biển hiệu quảng cáo sẽ trở thành một lợi thế không chỉ dành cho người dân, mà còn dành cho không gian đô thị đó.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định hành vi xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình có sẵn mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo mức xử phạt là từ 20-30 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Đối với hành vi treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa thì bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng, chiều cao của biển hiệu dọc vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu thì phạt tiền từ 10-15 triệu đồng và đều buộc tháo dỡ biển hiệu.
Trong trường hợp vi phạm quy định về đặt bảng quảng cáo, biển hiệu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, tài sản thì tùy vào tính chất, mức độ và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
TS. LS. Nguyễn Hữu Thế Trạch
VÕ HƯƠNG – MẠNH KHANG – MAI NGUYỄN | Theo Tuổi trẻ