Những bài học điều hành cho doanh chủ
Joshua Allen – CEO của Global Disposal Reduction Services – đã rút ra những bài học này sau một cơn đột quỵ tưởng không qua được.
Global Disposal Reduction Services là doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ tái chế và xử lý rác thải cho các công trình công cộng lẫn nhà riêng tại Mỹ. Năm 2016, Joshua Allen được vinh danh trong danh sách 40 chuyên gia nổi bật dưới 40 tuổi của Waste 360, một mạng lưới gồm 100.000 chuyên gia trong ngành công nghiệp xử lý và tái chế rác thải tại Mỹ.
Bốn năm trước, cơn đột quỵ ập đến đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Allen. Trong bài viết trên trang Entrepreneur, ông đã chia sẻ về sự biến đáng sợ nhưng quý giá này.
Cú đánh của định mệnh
Tôi lớn lên trong một gia đình làm thầu xây dựng. Gia đình tôi làm chủ một công ty nhỏ và mọi người đều làm việc quần quật cả ngày. Tinh thần làm việc này đã đi theo tôi khi tôi khởi nghiệp với công ty Global Disposal Reduction Services, khoảng 10 năm trước. Đến lúc làm chủ, tôi cũng điều hành công ty theo phong cách làm việc nỗ lực hết sức, bất kể ngày đêm.
Đến năm 2012, tôi mua lại cổ phần của cộng sự và trở thành người chủ duy nhất của công ty. Cả công ty đều trông cậy vào tôi để giải quyết mọi vấn đề.
Tất cả thay đổi vào mùa thu năm 2013. Trong khi đang lái xe đến một cuộc hẹn kinh doanh, tôi bị đột quỵ. Khoảnh khắc này không chỉ thay đổi cuộc đời tôi mà còn thay đổi cả cách tôi vận hành công ty của mình.
Tôi đã dành 5 năm liền dốc cạn sức mình cho công ty. Những khi không đến văn phòng, tôi dành toàn bộ tâm trí để lập kế hoạch và xây dựng các chiến lược.
Trong khoảnh khắc mình yếu ớt nhất, khi cơn đột quỵ ập đến, tôi đã nhận ra mình chưa từng dự phòng cho tình huống như thế này trước đây. Không có bất cứ dòng nào trong các tài liệu thuyết trình, bản phác thảo mục tiêu, chiến lược phát triển công ty…mà tôi từng đề cập đến tình huống bản thân bị đột quỵ và phải trải qua một cuộc phẫu thuật tim. May mắn là sau lần điều trị đó, tôi vẫn sống khỏe mạnh với tuổi 33 của mình.
Lùi một bước để tiến ba bước
Khi tôi còn nằm trên giường bệnh, cảm thấy không chắc chắn về tương lai, mối quan tâm trong tôi bắt đầu thay đổi. Tôi bắt đầu tự hỏi mình: “Chuyện gì sẽ xảy ra với công ty nếu như tôi qua đời?”, “Làm sao tôi có thể bảo vệ gia đình và đồng nghiệp của mình khi không còn sống nữa?”.
Mong muốn về sau công ty có thể tự vận hành mà không cần đến mình, sau khi ra viện, tôi đã ngay lập tức thay đổi chiến lược điều hành như sau:
Đầu tiên, tôi cải thiện cách công ty vận hành
Tôi thuê một nhân sự bên ngoài cùng tôi sắp xếp, hệ thống hóa quy trình làm việc của công ty và mô tả rõ trách nhiệm của từng vị trí công việc, đặc biệt là vị trí của tôi. Tôi đã cùng nhân sự này điểm lại tất cả những vị trí chủ chốt trong công ty để cô ấy có cái nhìn rõ ràng về cách toàn bộ công ty vận hành như thế nào. Quá trình này đồng thời giúp chúng tôi hoàn thiện lại một bản chi tiết cách làm việc ở từng vị trí đó.
Tiếp đến, tôi chuyển hướng quan tâm đến thành công của nhân viên
Tôi bắt đầu tập trung vào việc đảm bảo các nhân viên có đủ nguồn lực cần thiết để thành công. Tôi cũng phát hiện ra công ty của mình có những quy trình bị nhân đôi lên mà không mang đến hiệu quả gì ngoài sự bối rối và khó chịu của nhân viên. Vì vậy, tôi bắt đầu đơn giản hóa các nhiệm vụ và cắt giảm số nhân sự tham gia giải quyết một vấn đề nào đó.
Cuối cùng, tôi để đội ngũ của mình làm chủ nhiều hơn
Khi từ bỏ ý nghĩ chỉ có bản thân mình làm đúng, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rất nhiều đồng nghiệp xung quanh tôi có thực tài và nhiệt huyết giải quyết vấn đề hơn cả tôi. Trước đây, rất nhiều lần tôi nghĩ rằng chỉ có mình mới đủ năng lực thương thuyết với khách hàng. Lúc đó tôi không biết rằng chính suy nghĩ này đã loại các nhân viên, đồng nghiệp ra khỏi cơ hội thể hiện năng lực của họ.
Những kết quả tích cực từ ba thay đổi trên không chỉ “lột xác” hoàn toàn công ty mà còn trao cho tôi ba bài học quan trọng về cách điều hành doanh nghiệp:
1. Đừng đợi đến lúc khẩn cấp
Đừng đợi đến những lúc nguy cấp, ngặt nghèo mới cải tổ công ty của bạn theo hướng hiệu quả hơn. Bạn có thể bắt đầu thực hiện ngay từ bây giờ để đảm bảo rằng bạn đang xây dựng một công ty có thể vận hành ổn định, bất kể có hay không có một nhân sự nào.
2. Đặt mục tiêu và lập kế hoạch
Đặt ra mục tiêu rõ ràng cho cả công ty lẫn từng nhân viên và xác định rõ cách đạt được những mục tiêu đó. Có nhiều công ty đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng nhưng lại thất bại ngay từ giai đoạn phác thảo ra kế hoạch hiệu quả để đạt được những mục tiêu đó.
Người chủ doanh nghiệp phải gạt đi nỗi sợ rằng chỉ có họ mới giúp công ty đạt được những mục tiêu này. Nếu một trong những nhân viên của bạn liên tục làm việc vượt chỉ tiêu thì hãy mạnh dạn thăng chức và giao các nhiệm vụ trọng trách cho nhân viên ấy. Bạn sẽ không bao giờ biết được nhân viên đó có thể phát triển và đóng góp cho công ty nhiều đến mức nào nếu không bỏ đi cái tôi bảo thủ của mình.
3. Ngừng đánh giá thấp đội ngũ của mình
Hãy tìm kiếm các nhân tài nội bộ và trao quyền để họ có thể thành công. Một công cụ hữu ích tôi bắt đầu áp dụng vào công ty của mình đó chính là trắc nghiệm phân tích tài năng CliftonStrengths. Đây là một bài trắc nghiệm trực tuyến khoảng 45 phút để nhân viên của bạn xác định được họ làm giỏi nhất việc gì. Từ kết quả này, bạn có thể quyết định vị trí công việc phù hợp với thế mạnh của nhân viên.
Cuộc đời và sự nghiệp của tôi đã khác rất nhiều so với bốn năm trước. Tôi có thêm nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống và chăm sóc gia đình mình. Công việc kinh doanh không còn bị phụ thuộc vào sự có mặt của tôi liên tục mỗi ngày vì tôi đã tái cấu trúc nó theo cách vận hành mà không cần có tôi. Các nhân viên của tôi thì hạnh phúc hơn vì cảm thấy được làm chủ công việc nhiều hơn và nhìn rõ được bản thân đã đóng góp vào thành công chung của công ty như thế nào.
Theo DNSG Online.
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra