Với kế hoạch hành động cụ thể và những cam kết thay đổi mạnh mẽ từ Chính phủ, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tiếp tục là nơi có môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng đối với các nhà đầu tư trong nước trong những năm tới. Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, môi trường đầu tư hiện nay vẫn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó vai trò quản lý của Nhà nước trong việc cải thiện môi trường đầu tư trên một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả.
Theo khảo sát của VCCI, thủ tục đầu tư và thủ tục đầu tư liên quan tới xây dựng là những cản trở lớn trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Ví dụ, giai đoạn trước khi có Nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006, chủ đầu tư chỉ mất khoảng một năm để thực hiện hai bước thủ tục là quyết định giao đất và phê duyệt quy hoạch để khởi công dự án.
Nhưng từ khi có Nghị định 90, chủ đầu tư phải mất 2-3 năm do có thêm khâu phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định thiết kế kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy. Chưa hết, khi có thêm Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 4/9/2012, dự án phát triển nhà ở phải thực hiện các nội dung về quản lý đầu tư, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được cấp phép xây dựng. Thời gian cấp giấy chứng nhận kéo dài hơn, có khi phải mất 3 – 4 năm.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 – 2016 đã chỉ rõ chính sách không ổn định là một trong các rào cản trong môi trường đầu tư tại Việt Nam. Việc ban hành văn bản luật, chính sách liên quan đến đầu tư trước, sau đó một thời gian mới có thông tư hướng dẫn làm không ít nhà đầu tư lúng túng.
Cạnh đó, cơ chế thực thi và phối hợp trong tổ chức quán triệt, thực hiện các chủ trương, chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả còn thấp. Trong khi đó cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, rút kinh nghiệm, năng lực phân tích, dự báo và điều chỉnh chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chi tiêu của Chính phủ cho việc cải thiện yếu tố khoa học công nghệ quốc gia chưa hợp lý. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gần 10.000 tỷ đồng đã được ngân sách chi ra trong giai đoạn 2011-2015 để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Song thay vì tập trung nghiên cứu công nghệ có thể ứng dụng ngay lập tức vào nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao, phần lớn khoản tiền trên được chi cho nghiên cứu và báo cáo khoa học với mục đích công bố quốc tế.
Do đó, cũng theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trừ một số ngành có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như thông tin – viễn thông, tài chính – ngân hàng, dầu khí, hàng không, phần lớn doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 – 3 thế hệ. Điều này lý giải tại sao Việt Nam lại tụt hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu trong năm 2016.
Chỉ số tín nhiệm của Việt Nam còn thấp, rủi ro kinh tế vẫn ở mức cao. Cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế Moodys nhận định thâm hụt ngân sách tại Việt Nam còn lớn. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP đã tăng từ mức 0,99% năm 2006 lên đến 8,24% năm 2016. Dù lãi suất các khoản vay từ các đối tác phát triển ở mức vừa phải, nợ chính phủ đã tăng lên mức 50,3% GDP vào năm 2015 và gần 65% GDP vào năm 2016.
Tốc độ tăng nợ công bình quân giai đoạn 2011- 2015 là 18,5%, gấp ba lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Cạnh đó, ngành ngân hàng vẫn là yếu tố rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam. Môi trường kinh doanh của ngành ngân hàng đã được bình ổn, nhưng Moodys cho rằng các chỉ tiêu về vốn và chất lượng tài sản của ngành này vẫn còn thấp. Hệ thống ngân hàng còn tồn tại nợ xấu cao và thiếu vốn. Như vậy, còn nhiều rủi ro trong môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Năm yếu tố tăng cường vai trò của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư
– Phát triển nền kinh tế bằng các chính sách vĩ mô ổn định.
– Tháo gỡ vướng mắc chuỗi thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường bằng cách sửa, bổ sung luật liên quan.
– Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi tốt nhất cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
– Áp dụng các biện pháp trừng phạt triệt để, không khoan nhượng đối với các hành vi tham nhũng.
– Giữ ổn định khu vực tài chính nhằm giảm các rủi ro quốc gia.