Nông sản Việt vừa phải chịu sự cạnh tranh dự báo là gay gắt từ trái cây ôn đới và các sản phẩm từ thịt bò, sữa đến từ Mỹ, Australia, New Zealand vừa gặp khó trong tiêu thụ nông sản do thiếu thương hiệu chung, thiếu sự kết nối giữa nhà vườn và doanh nghiệp (DN) để bảo đảm tiêu thụ ổn định nông sản có chất lượng. Tại thị trường trong nước, ngoài với việc ký kết TPP, nông sản Việt Nam xuất khẩu (XK) dự báo sẽ gặp khó, khi không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.
Theo TS. Phạm Nguyên Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), tại thị trường nội địa, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhóm hàng chăn nuôi cung cấp thịt, sữa và một số sản phẩm trồng trọt, trái cây được dự báo là khó cạnh tranh.
Nguy cơ kép
Nguy cơ đến từ Australia và New Zealand, vì 2 nước này có năng lực cạnh tranh vào hàng cao trên thế giới ở các sản phẩm ngành chăn nuôi bò (thịt bò, sữa) và quả ôn đới. Nguy cơ cũng đến từ Mỹ, vì đây là quốc gia có thế mạnh trong các sản phẩm sữa, thịt bò, thịt gia cầm và thịt heo. Ngay hiện tại, Việt Nam cũng đang nhập khá nhiều những mặt hàng này từ Mỹ. Do vậy, nếu thuế giảm còn 0%, sản phẩm tương tự của Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu (NK) từ Mỹ.
TS. Phạm Nguyên Minh cho rằng những năm gần đây, do chưa chú trọng đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa, phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp và bảo vệ thương hiệu nông sản, nhiều loại sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có chất lượng cao nhưng vẫn khó tiêu thụ ngay tại sân nhà.
Thực tế cho thấy từ năm 2008, chương trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn với hệ thống tiêu chuẩn VietGAP đã phát triển mạnh trong cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đến nay, hàng ngàn cơ sở sản xuất và hợp tác xã đã xây dựng thành công mô hình VietGAP, GlobalGAP.
Tuy nhiên, nhãn chung cho các loại nông sản đã đạt tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa được ban hành. Vì thế, sản phẩm VietGAP gần như bị đánh đồng về chất lượng và độ an toàn so với sản phẩm không được sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch.
Đồng thời, khi không có nhãn chung, giá trị các thương hiệu nông sản không được tính vào giá bán sản phẩm. Vì vậy, các sản phẩm nông đặc sản của các địa phương, như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Thanh Hà… dễ dàng bị nhầm với các sản phẩm cùng loại khác, uy tín thương hiệu nông sản bị ảnh hưởng xấu.
Sự không rõ ràng về thương hiệu dẫn đến nhiều hậu quả. Đó là người tiêu dùng mất tiền mà mua phải nông sản không sạch, nhà vườn sản xuất nông sản chất lượng bất lực trong việc đưa sản phẩm thật vào thị trường. Và hơn thế nữa, nông sản Việt Nam còn bị choán chỗ bởi nông sản ngoại tại các chợ và siêu thị.
Tăng cường tổ chức chuỗi cung ứng
Ở thị trường nước ngoài, với việc ký kết TPP, nông sản Việt Nam XK dự báo sẽ gặp khó, khi không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Thách thức đến từ vấn đề chất lượng, áp lực tuân thủ các tiêu chuẩn của thị trường trải dài trên tất cả các dòng sản phẩm nông sản của Việt Nam, ngay trong thời điểm hiện tại và sẽ ngày càng trở nên gay gắt, khi TPP chính thức được ký kết và có hiệu lực.
Hiện nay, chất lượng và tỷ trọng chế biến trong nông sản Việt Nam còn thấp. Nhiều sản phẩm rau quả, thủy sản tươi sống của Việt Nam vẫn còn bị cấm NK vào các thị trường lớn của TPP, như Nhật Bản và Mỹ, vì vấn đề an toàn thực phẩm.
Hơn thế nữa, phần lớn các nông sản của Việt Nam đều ở dạng thô, tươi sống, đông lạnh hoặc phơi khô, thiếu các công nghệ tạo ra giá trị gia tăng. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn yếu và thiếu. Đơn cử như việc chế biến cà phê nhân XK thực hiện tốt nhưng chưa có chế biến sâu, tạo ra cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê capsule, các thực phẩm từ cà phê như bánh, kẹo, rượu, nước giải khát… Đồng thời, sản phẩm nông sản của Việt Nam còn sơ sài về hình thức mẫu mã, ít ỏi về chủng loại và đem lại giá trị thấp khi XK.
Theo TS. Phạm Nguyên Minh, để tăng cường tiêu thụ nông sản Việt Nam trong bối cảnh nông dân gia nhập TPP, nhìn từ góc độ chuỗi giá trị, cần nhiều giải pháp như tăng năng suất không phải dựa trên sử dụng các phương thức cũ, mà phải dựa vào chuỗi cung ứng, đặc biệt là tối ưu hóa các phương thức thực hành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả đầu vào cũng như tăng cường tổ chức chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, để tăng cường chuỗi cung ứng, Việt Nam cần nâng cao chất lượng quản trị và thể chế xây dựng các chính sách, cải thiện cơ chế tài chính, cải thiện cơ sở hạ tầng… thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.
Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ nhưng lại chuyển giao cho khu vực tư nhân thực hiện. Bởi khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi các phân khúc đầu vào và đầu ra, cũng như phát triển các chuỗi giá trị toàn diện và từng khâu trong chuỗi.
Chuỗi cung ứng phải được xây dựng chủ yếu trên ứng dụng công nghệ sau thu hoạch. Vai trò của các DN phân phối bán lẻ trong chuỗi cung ứng cũng cần được tăng cường, cũng như phải tăng cường đổi mới sáng tạo cho chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam.
THU HƯỜNG/TBKD