Với một đô thị vừa năng động, vừa là đầu tàu kinh tế như TP.HCM, mục tiêu 500.000 doanh nghiệp (DN) không quá khó thực hiện, nhưng vấn đề là có bao nhiêu trong số 500.000 DN này đủ năng lực cạnh tranh?
Tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển DN trên địa bàn TP.HCM do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) phối hợp với Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế, đại diện phía cộng đồng DN… đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận liên quan đến “sức khỏe” của DN trên địa bàn thành phố, những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như giải pháp thúc đẩy DN thành phố phát triển bền vững.
Cần những thống kê chính xác
Bà Trần Thị Bình Minh – Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, tính đến tháng 5/2017, tổng số DN trên địa bàn TP.HCM là 309.138, với tổng vốn điều lệ hơn 3,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, DN siêu nhỏ chiếm tỷ lệ 89,25%, DN nhỏ chiếm 4,36%, DN vừa chiếm 5,03% và DN lớn là 1,37%. Qua gần 17 năm, số lượng DN tăng từ 11.339 lên 309.138. Đáng chú ý, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến 93,61% tổng số DN trên địa bàn.
Ngoài ra, tại hội nghị sơ kết giai đoạn 1 tổng điều tra kinh tế năm 2017 diễn ra hồi tháng 7 vừa rồi, tính đến ngày 20/6, số cơ sở kinh doanh cá thể trên toàn địa bàn thành phố là 448.327, chênh lệch đáng kể so với thống kê 281.000 hộ kinh doanh cá thể do Cục Thuế Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư thu thập. Trên cơ sở báo cáo của hai sở, ngành, TP.HCM từng đặt mục tiêu chuyển 10% trong số 281.000 hộ kinh doanh cá thể, tương đương 20.000 hộ, lên DN.
Đối với nguồn hình thành DN mới, theo TS. Huỳnh Thanh Điền, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 phát triển 500.000 DN cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện, số lượng DN có thể được phát triển chủ yếu từ 3 nguồn: DN khởi nghiệp mới hoàn toàn, nâng tầm hộ kinh doanh lên DN và chủ các DN hiện hữu phát triển thêm DN mới nhằm phục vụ mục đích mở rộng kinh doanh hoặc mở thêm ngành nghề.
Ông Trần Việt Anh – Phó chủ tịch HUBA, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho rằng, bên cạnh số DN thành lập mới, các cơ quan quản lý phải có thống kê đầy đủ, chính xác từ các nguồn khác. Cụ thể, chúng ta chưa có thống kê đầy đủ về số DN ngưng hoạt động quay lại thị trường, ít nhất là trong 10 năm trở lại đây.
Đây cũng là nguồn đóng góp đáng kể vào số DN gia nhập thị trường. Ngoài ra còn có nguồn nửa DN, nửa sự nghiệp. Chẳng hạn như trường hợp các bệnh viện có nhà thuốc, các trường, trại… đều có những bộ phận, phân xưởng tạo ra nguồn thu.
Với mục tiêu 500.000 DN của thành phố đến năm 2020, đa phần đại biểu đều cho rằng vấn đề không nằm ở con số mà là chất lượng của DN. DN mạnh đôi khi không đồng nghĩa với lớn. Thực tế trong thời gian qua, không ít DN nhà nước quy mô lớn, triển khai hàng loạt dự án nghìn tỷ nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí nguy cơ mất vốn rất lớn.
Làm gì để có doanh nghiệp mạnh?
Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Trình thuộc HIDS, mỗi nền kinh tế đều có mô hình DN riêng, như Đài Loan chuộng khẩu hiệu “Small Beautiful”, DN siêu nhỏ chiếm tỷ trọng lớn ở Đài Loan nhưng nhờ vậy, họ vượt qua được khủng hoảng kinh tế năm 1997. Ngược lại, Hàn Quốc chủ yếu là các tập đoàn lớn nên bị ảnh hưởng nặng nề sau khủng hoảng kinh tế.
Do đó, Việt Nam phải nghiên cứu để có bản sắc riêng, với TP.HCM cũng phải tùy ngành, lĩnh vực mà có DN lớn, DN nhỏ, vấn đề là sự liên kết giữa các DN trong nền kinh tế phải hiệu quả để tạo ra những giá trị lớn hơn. Nếu quá chú trọng đến số lượng sẽ dễ dẫn đến tình trạng manh mún, sản xuất kém hiệu quả và ở khía cạnh khác là kéo theo lao động giản đơn về thành phố, gây sức ép lên dân số, tăng điểm nghẽn về hạ tầng…
Nhưng một trong những trăn trở hiện nay của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là làm sao có được đội ngũ DN lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trong hội nhập. Để hỗ trợ cộng đồng DN phát triển lớn mạnh, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách.
Ở phạm vi địa phương, TP.HCM cũng ban hành hàng loạt chính sách như kích cầu đầu tư, hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, mặt bằng sản xuất, cải cách thủ tục hành chính… nhằm tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để DN sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tháng 6/2017, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). Luật đã quy định các hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa trên nhiều khía cạnh như tiếp cận tín dụng, vốn sản xuất, kinh doanh, ưu đãi về thuế, hỗ trợ pháp lý, mặt bằng, nhân lực, đặc biệt là hỗ trợ mạnh mẽ đối với DN đổi mới sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành.
Tuy nhiên, theo TS. Huỳnh Thanh Điền, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chủ yếu đề cập đến khung hỗ trợ, chưa quy định chi tiết điều kiện và mức hỗ trợ cụ thể cũng như một số hỗ trợ chưa rõ đầu mối thực hiện. Do đó, từ nay đến ngày Luật có hiệu lực cần nhiều văn bản dưới luật phải ban hành chi tiết, cũng như nhiều giải pháp thực hiện chương trình phát triển DN cụ thể để sớm giúp Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát huy hiệu quả.
Về vấn đề phát triển DN bền vững, ông Trần Việt Anh bày tỏ quan điểm các cơ quan quản lý nhà nước nên ủng hộ những DN áp dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh như Uber, Grab. Hơn nữa, thay vì chỉ chú trọng phát triển DN mới, các cơ quan quản lý cũng cần quan tâm đến những DN còn đang sống và sống tốt, còn những DN chúng ta biết chắc sẽ chết hoặc DN có dự án thiếu tính khả thi thì cần phải xem xét có nên cứu hoặc hỗ trợ hay không…
Thêm vào đó là công tác cung cấp thông tin cho DN cần đẩy mạnh, chẳng hạn như với ngành nhựa, các DN cần biết những DN có vốn đầu tư nước ngoài cùng ngành sắp tới vào Việt Nam thế nào, công nghệ ra sao… Hay với trường hợp đầu tư các tuyến Metro, DN trong nước cũng muốn biết công trình này cần những sản phẩm nào, cung ứng vật liệu gì… để có sự chuẩn bị và xem xét khả năng tham gia. Bởi, thực tế hiện nay là DN thiếu thông tin chính xác, chính sách hỗ trợ nhiều nhưng DN vẫn dò dẫm để tiếp cận những đầu mối thực thi chính sách.
Hải Âu – Nguyên Bảo | Theo Doanh Nhân Sài Gòn