Bạn có nghĩ rằng “Startup” không chỉ dành cho những người khởi nghiệp mà cả những doanh nghiệp lâu đời và đã lớn mạnh.
Startup gắn với tinh thần làm mới và khai phá chính mình, khởi phát những thay đổi theo hướng sáng tạo và biết tận dụng chính những dự án startup có sẵn để tạo tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp
“Startup theo người Mỹ là mô hình kinh doanh repeatable và scalable. Repeatable là có khả năng đáp ứng những nhu cầu lặp lại với tần suất cao (Uber, Facebook) và scalable là có sức nhân rộng nhanh, liên tục (Starbucks)”, Giám đốc điều hành Dự án Thung lũng Silicon Việt Nam (VSV Accelerator, dự án được bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ông Hàn Ngọc Tuấn Linh, chia sẻ.
Startup không dùng để gọi những công việc kinh doanh mới bắt đầu mà chỉ để gọi một nhóm trong những doanh nghiệp khởi sự kinh doanh. Đó là các dự án kinh doanh bắt đầu từ số 0 nhưng gắn với sự sáng tạo rất mạnh và tạo thành mô hình kinh doanh cho phép nhân rộng nhanh với tốc độ tăng trưởng liên tục và mạnh.
Bên cạnh đó, khi nói đến startup cũng là nói đến tinh thần khởi nghiệp, một yếu tố rất quan trọng trong môi trường kinh doanh. Một startup dù thành công hay thất bại cũng đáng khuyến khích nếu nó tạo ra và để lại tinh thần khởi nghiệp, tức người trong cuộc đã trải nghiệm tinh thần của một người có ý tưởng sáng tạo, dám thực hiện và có khả năng dẫn dắt tập thể để thực hiện ý tưởng đó.
Vậy thì những doanh nghiệp startup và các doanh nghiệp lâu đời, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa có liên quan với nhau thế nào?
Tinh thần startup giúp doanh nghiệp lớn trường tồn
Ông Hàn Ngọc Tuấn Linh chia sẻ rằng trong quá trình ông tham quan thực tế và tham khảo kinh nghiệm với các chuyên gia Thung lũng Silicon của Mỹ để xây dựng mô hình tương tự tại Việt Nam thì họ cho rằng “startup” là khái niệm gắn chặt với sự thành công của các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, thậm chí các doanh nghiệp càng lâu đời và ổn định càng cần đến “tinh thần startup” trong công ty của họ để trường tồn. Vì sao? Vì tinh thần và hành động “startup” là phần cốt lõi của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Linh giải thích thêm, đổi mới sáng tạo ở đây không co hẹp trong “nghĩa đen” – khái niệm innovation – mà giới quản trị vẫn hay nói đến và hiểu thuần túy đó là sự đổi mới về công nghệ và các yếu tố kỹ thuật, vật lý hay cơ học trong doanh nghiệp. Nó còn bao hàm ý tinh thần là làm mới mình, khởi sự và khai phá sức mạnh của chính mình, khơi gợi và tạo ra khởi phát cho những thay đổi mới trên nền tảng cốt lõi sẵn có của các công ty.
“Tất cả các doanh nghiệp, lớn hay nhỏ, đều có đổi mới sáng tạo. Sự khác biệt nằm ở tính chất của đổi mới sáng tạo mà công ty có thể thực hiện trong từng giai đoạn phát triển”, ông Linh nói. Theo ông có thể chia đổi mới sáng tạo thành ba loại, (i) đổi mới sáng tạo quy trình, nhằm tăng tính năng sản phẩm sẵn có, tối ưu quy trình sản suất, tối ưu hoạt động…; (ii) đổi mới sáng tạo thừa kế, nhằm sửa đổi, bổ sung mô hình kinh doanh để cung cấp thêm giá trị cho khách hàng dựa trên thế mạnh sẵn có của mình; (iii) đổi mới sáng tạo thay thế, để tạo ra một sản phẩm, công nghệ mới có khả năng thay thế hoàn toàn các sản phẩm, công nghệ cũ.
Trong các mô hình đổi mới sáng tạo trên, doanh nghiệp lớn chỉ có thể làm tốt hai mô hình đầu tiên vì chúng được thực hiện dựa trên những gì đã biết, đã là thế mạnh. Đây cũng là loại đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng trưởng 10-15% doanh thu mỗi năm để làm hài lòng cổ đông của mình. Nhưng trong dài hạn, loại đổi mới sáng tạo này không thể tạo bước nhảy vọt cho công ty cũng như không thể thay đổi sự tương quan về sức mạnh thị trường giữa doanh nghiệp và đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp lớn không thể thực sự tập trung vào lại hình đổi mới sáng tạo thứ ba, tức là thay thế hoàn toàn những thứ cũ. Đổi mới sáng tạo thay thế sẽ rất rủi ro nhưng những khó khăn không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp lớn sẽ không có khả năng tận dụng các công nghệ đột phá.
Một giải pháp được đề cập nhiều trong thời gian gần đây ở Việt Nam là việc doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các startup để đón đầu các công nghệ mới. Các công ty lớn trên thế giới như Google, Microsoft, Tesla, Mitsubishi… đều có các bộ phận đầu tư của chính họ để làm công việc này. Tuy nhiên, vận hành bộ phận này giống như việc doanh nghiệp phải vận hành một quỹ đầu tư mạo hiểm với đầy đủ đội ngũ và kỹ năng cần thiết, đó là điều không phải doanh nghiệp nào cũng muốn làm và có thể làm.
Một cách khác mà tất cả công ty lớn trên thế giới đều làm đó là mua bán, sáp nhập với các startup trên thị trường. Rất nhiều các sản phẩm, bộ phận kinh doanh mang tính đột phá của các doanh nghiệp lớn được xây dựng từ một hoặc nhiều thương vụ mua bán sáp nhập với startup. Như Google mua Adscape với giá 23 triệu đô la Mỹ (giờ là Adsense), mua Blogger với giá 20 triệu đô la Mỹ, mua Picasa với giá 5 triệu đô la Mỹ, mua MeasureMap với giá gần 5 triệu đô la Mỹ. Hay Yahoo mua Flickr với giá 30 triệu đô la Mỹ.
“Các thương vụ mua bán, sáp nhập này, khi nói về số tiền thì có vẻ rất đắt đỏ, nhưng nếu xét về tương quan với các loại hình đầu tư khác thì nó lại tạo ra giá trị cao gấp nhiều lần. Đơn cử Adsense giờ là một mảng lớn trong cỗ máy tạo ra 60 tỉ đô la Mỹ doanh thu hàng năm của Google”, ông Linh phân tích.
Vậy chính xác doanh nghiệp sẽ bỏ tiền mua gì trong một thương vụ mua bán, sáp nhập với startup?
Thứ nhất là sản phẩm hoặc dịch vụ mang yếu tố công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ hai, đội ngũ của startup thường là giỏi và nhiệt huyết. Thứ ba, doanh nghiệp không phải chấp nhận rủi ro trong các khâu xây dựng, phát triển sản phẩm mới hay tìm thị trường mới.
Trong thực tế đã có những doanh nghiệp tại Việt Nam nhận thức được việc này, FPT, Viettel, Vật giá… đều có các dự án để đầu tư startup mới hoặc đầu tư cùng thực hiện một số dự án chiến lược với các nhóm độc lập. Tuy nhiên, đây mới là số ít và hiện nay các hoạt động đầu tư này mới chỉ ở mức thử nghiệm và theo phong trào.
“Cái khó của đổi mới sáng tạo nằm ở chỗ không phải ai cũng sớm nhận ra tiềm năng của chúng. Không ai hình dung ra iPhone và tầm ảnh hưởng của iPhone cho đến khi Apple ra mắt sản phẩm này và trở thành công ty giá trị nhất thế giới chỉ sau tám năm”, ông Linh nói. Suy cho cùng các doanh nghiệp chính là đối tượng sẽ được hưởng lợi lớn nhất nếu họ biết vai trò của bản thân và tận dụng startup trong quá trình tự làm mới và kích thích tăng trưởng cho bản thân mình.
Đức Nam | Theo TheSaigontimes