Ông Phạm Văn Tam – CEO Asanzo cho rằng startup phải gia tăng quy mô, tận dụng nhiều nguồn lực từ bên ngoài nếu muốn thành doanh nghiệp tỷ đô.
Buổi tọa đàm trực tuyến “Con đường từ tỷ đồng đến tỷ đô” trên VnExpress vào chiều 28/8 có sự tham gia của ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ Asanzo và ông Nguyễn Việt Đức – Tổng giám đốc Innovation Capital Management – ICM.
Hai chuyên gia cho rằng, với các startup, việc tìm ra ý tưởng kinh doanh rất quan trọng, nhưng để hiện thực hóa thành sản phẩm mà thị trường và khách hàng cần còn khá xa.
Nhiều bạn trẻ thường nhầm lẫn giữa lập nghiệp và khởi nghiệp. Lập nghiệp là mở ra mô hình cụ thể để kinh doanh tạo doanh thu. Còn startup có xu hướng tìm ý tưởng mới, chưa hoặc ít người làm để phát triển thành mô hình kinh doanh.
Ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ Asanzo chia sẻ, nhà sáng lập phải tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm dựa trên những ý tưởng cụ thể, đòi hỏi đầu tư thời gian và công sức. Tiếp đó sẽ nghiên cứu thị trường và tìm kiếm khách hàng, tiến hành các khảo sát để tìm ra phép thử cụ thể về tài chính, độ phủ, độ tiếp nhận, thị trường ngách…
Một điều quan trọng khác là phải xây dựng đội ngũ nhân lực không chỉ để cùng đồng hành mà còn tạo nên đối trọng về phản biện các ý tưởng, đưa ra ý kiến đánh giá, phân tích… Tiếp thu nhiều ý kiến, bị “ném đá” càng nhiều thì càng có thêm cơ hội hiểu rõ dự án của mình có điểm mạnh và yếu như thế nào. Đừng xem đây là trở ngại mà mỗi góp ý đều có giá trị nhất định trong quá trình phát triển.
Hiện trạng nhiều startup có ý tưởng, đam mê, năng lực, có đội ngũ, thậm chí cả tài chính nhưng vẫn thất bại. Quan trọng nhất là chọn ra định hướng sản phẩm, đối tượng khách hàng theo một kế hoạch dài hạn. Đừng chỉ lập nghiệp chỉ vì thích “mang mác” giám đốc, khởi nghiệp theo phong trào mà không có định hướng.
CEO Asanzo cũng đưa ra tiêu chí để xác định thời điểm mở rộng quy mô là đo lường sản phẩm phục vụ cho thị trường đã đủ chưa hay bước vào bão hòa, tiếp đến là tiềm lực tài chính. Khi đầy đủ về tiền bạc, doanh nghiệp cần phải đổi mới. Hoặc khi nhận ra đội ngũ nhân sự công ty đã mạnh hơn qua thời gian, phát triển về trình độ chuyên môn lẫn quản lý, thì phải thiết lập bộ máy quản lý mới. Để khi đưa ra những ngành nghề dù không phải cốt lõi thì doanh nghiệp vẫn chạy tốt.
Các chuyên gia nhìn nhận đa số doanh nghiệp nhỏ vừa luôn sợ lớn, không muốn thay đổi, lo lắng “cây to hứng gió”, còn bị ảnh hưởng bởi gia đình, bố mẹ. Những người ở thế hệ trước có suy nghĩ an phận, đủ rồi nên dừng lại, kìm hãm nhiều doanh nghiệp tiến lên quy mô lớn, bứt phá trở thành doanh nghiệp quốc gia.
Tuy nhiên nhiều bạn trẻ muốn thay đổi nhưng vẫn chưa có cơ hội thành công. Nguyên nhân có thể khi startup, họ đã không xây dựng tầm nhìn cho mình và chưa phân biệt được tầm nhìn cá nhân với tầm nhìn doanh nghiệp. Vì thế các bạn không biết khi nào đạt tầm nhìn đó. Khi đi càng lâu, các bạn bắt đầu sợ hãi và đánh đồng tầm nhìn cá nhân với tầm nhìn doanh nghiệp. Người lãnh đạo phải có những tố chất riêng: dám lắng nghe những phản hồi và dám mạo hiểm.
Trên con đường từ doanh thu tỷ đồng cho đến khi chinh phục được tham vọng tỷ đô, doanh nghiệp phải trải qua nhiều thách thức nếu muốn bước sang trang mới. Đối với startup, các nhà đầu tư, đơn vị tài chính đều nhìn vào dự án, sản phẩm và người lãnh đạo dự án đó để đưa ra quyết định. Dù lĩnh vực, kế hoạch có triển vọng phát triển đến đâu mà người chủ doanh nghiệp “nhút nhát”, sức khỏe kinh doanh yếu cũng sẽ rất khó trở thành một kênh đầu tư được đánh giá cao.
Việc quản trị của startup giống như khái niệm về lý thuyết hỗn mang, tức có quá nhiều thách thức với các bạn trẻ. Nó khác biệt với doanh nghiệp lớn, khi mọi thứ đã có những thông số để đoán định trước. Còn startup, không có nền tảng cụ thể và đa số là người trẻ, ít kinh nghiệm. Một khảo sát cho thấy 90% startup sẽ thất bại và số còn lại sẽ thất bại trong 5 năm sau đó. Tuy nhiên, vẫn có nhiều “điểm tựa” như vườn ươm khởi nghiệp hỗ trợ không chỉ về chính sách, về vốn mà còn về thương mại hóa…. Các bạn trẻ đang có rất nhiều cơ hội so với các thế hệ trước vì chúng ta đang có tầm nhìn về một quốc gia khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Đức – Tổng giám đốc Innovation Capital Management – ICM khuyên startup cần chuẩn bị tâm lý cho những khó khăn sau khi đã đạt thành công bước đầu. Cần xác định phạm vi thị trường mục tiêu, định vị đúng thị trường tiềm năng nhất cho sản phẩm, dịch vụ. Các bạn phải hiểu rõ thị trường cần gì và đưa giải pháp cho vấn đề đó. Nhiều đơn vị nhìn thấy vấn đề chỉ “càm ràm” mà không đưa ra hướng giải quyết.
Ông Tam nêu ví dụ cụ thể với câu chuyện của Asanzo, 2018 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu 5 năm thành lập. Với một startup, đây là thời điểm xác định xem mình là “zero” hay “hero”, sẽ thành công hơn nữa hay chịu ảnh hưởng từ biểu đồ tăng trưởng hình Sin.
Vì thế Asanzo chọn cách chuyển đổi, quyết định IPO để lấy dòng tiền đó đầu tư tiếp vào khu công nghiệp, những ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra công ty còn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hơn. Smartphone, tablet, laptop là những sản phẩm hướng đến cho tương lai. Dù bán TV đã “đủ sống” nhưng công ty không an phận với một dòng sản phẩm và đổi mới là điều bắt buộc.
Bên cạnh đó, mục tiêu xây dựng doanh nghiệp cũng thay đổi 80% so với ngày trước. Năm năm trước, Asanzo chỉ mong phục vụ một vài tỉnh, mỗi tháng đem về lợi nhuận 30-50 triệu đồng là đủ. Đến bây giờ, mục tiêu đó không còn tồn tại trong suy nghĩ. Asanzo hướng đến mục tiêu trở thành một tập đoàn mang tính xã hội, một thương hiệu quốc gia.
Đối với những bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp nhưng lo ngại về kinh nghiệm “ghi điểm” trong mắt nhà đầu tư, ông Đức cho rằng điểm quan trọng nhất vẫn là nội lực thể hiện qua người sáng lập và đội nhóm. Nhà đầu tư có kinh nghiệm để kiểm tra, đánh giá xem các bạn có quá thiên về kỹ thuật, quá nhiều người làm tài chính hay có sự cân bằng giữa người làm kỹ thuật, tài chính, marketing… Họ sẽ định vị được năng lực dự án thông qua con người.
Ngoài ra, còn có 4 yếu tố khác mà các nhà đầu tư sẽ quan tâm. Thứ nhất là thị trường mục tiêu là vấn đề đặt ra để giải quyết có rõ ràng hay không. Rất nhiều startup thất bại ngay bước này vì vấn đề đưa ra không phải là điều mà khách hàng quan tâm nên không thuyết phục được đối tác bỏ vốn vào. Thứ hai là độ lớn của thị trường. Các nhà đầu tư có thể đoán tầm nhìn dự án đi xa đến đâu, phục vụ bao nhiêu người. Thứ ba là năng lực cạnh tranh đặc biệt. Nếu bạn có sở hữu trí tuệ đã đăng ký, có hệ thống tốt, nhà đầu tư sẵn, người hỗ trợ…, họ sẽ nhìn ra và phân định được yếu tố bạn nổi bật hơn người khác. Và cuối cùng là cách thức bạn nói chuyện và giao tiếp với nhau. Nên thường những người đến một mình hoặc một hai người rất khó thuyết phục nhà đầu tư.
Ông Tam cho rằng, khởi nghiệp cần nhiều yếu tố kết hợp. Ví dụ như thời bắt đầu kinh doanh chỉ có thể kêu gọi vốn từ các bạn hàng, gia đình dù không nhiều. Sau đó, ông thuyết phục một nhà bán lẻ để giới thiệu ý tưởng của mình, chịu trách nhiệm sản xuất ra sản phẩm, còn đối tác kia sẽ bán hàng. Cả hai thiết lập một mối quan hệ “win-win”. Theo đó, uy tín của người khởi nghiệp và ý tưởng sản phẩm là quan trọng hơn, sau đó mới đến yếu tố tài chính.
Các doanh nghiệp lo ngại khi đẩy mạnh phát triển sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư, mất quyền chi phối, quyết định. Hai diễn giả cho rằng đây là điều tất yếu trong quá trình kinh doanh. Cần đón nhận cởi mở các nguồn lực bên ngoài đồng thời tạo ra những “hàng rào kỹ thuật” có thể đảm bảo việc quản trị và phát triển doanh nghiệp sau này.
Theo VnExpress