Khởi nghiệp | Startup

Startup Việt tiếp cận với chuyên gia từ thung lũng Silicon

Sau hơn 2 tháng hoạt động, hiện Pass Community có 2.000 người dùng đến từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, năm nước có số lượng truy cập lớn nhất là Việt Nam, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và Singapore.

Buổi chia sẻ và khóa học chuyên sâu trực tuyến của Pass Community có sự tham gia của các diễn giả nhiều kinh nghiệm làm việc tại thung lũng Silicon.

Pass không dừng lại ở những buổi hội thảo trực tuyến. Đội ngũ tâm huyết cho biết họ đang hướng đến mô hình tổ chức các buổi chia sẻ tại không gian làm việc chung (co-working space). Pass sẽ hợp tác với không gian Toong tại Việt Nam và Hubba tại Thái Lan với các diễn giả địa phương đứng thuyết trình trực tiếp và diễn giả nước ngoài nói chuyện online.

Ý tưởng hình thành khóa học chuyên sâu trực tuyến Pass Community khá tình cờ. Năm ngoái, Vũ Thành Đức từ Mỹ về Việt Nam nghỉ hè và tranh thủ tham dự các sự kiện công nghệ tổ chức ở Hà Nội. Chàng kỹ sư phần mềm nhận thấy nhu cầu trao đổi về lĩnh vực này đang ngày càng nhiều hơn giữa thung lũng Silicon và châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, một bộ phận lớn các nhà khoa học, kỹ sư, doanh nhân đang làm việc và học tập ở nước ngoài không có điều kiện thường xuyên về nước.

“Tôi bắt đầu nảy ra ý nghĩ làm thế nào để tổ chức những sự kiện về công nghệ, khoá học thường xuyên hơn để thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam tăng nhanh hơn nữa. Ý tưởng về Pass – một cộng đồng những người có uy tín đang hoạt động trong ngành công nghệ phục vụ nhu cầu đó thành hình”, Đức chia sẻ.

Diana Chindaphorn, cựu Giám đốc vận hành Shopkick, công ty từng được SK Telecom mua lại với giá 200 triệu USD vào năm 2014, cũng nhận thấy một tình trạng tương tự tại quê hương chồng cô là Thái Lan. Khi gặp những công ty khởi nghiệp ở Bangkok, cô nhận ra cộng đồng ở đây đặt những câu hỏi khá giống nhau. Đó là làm thế nào để phát triển một sản phẩm, tiếp đến là quản lý và bán công ty.

“Điều này trở nên rõ ràng với tôi rằng chưa có một cộng đồng khởi nghiệp thành công và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Tôi muốn tạo ra một nơi truyền cảm hứng tốt, khi mà mọi người có thể học và theo đuổi những giấc mơ của họ”, cô lý giải hành trình khởi đầu của Pass.

Từng là đồng nghiệp tại Shopkick, Diana và Đức tiếp tục có duyên với cùng một ý tưởng chớm nở trong đầu. Họ quyết định sát cánh và lúc này có thêm Nguyễn Tâm Đăng, hiện làm việc cho Coupang, một unicorn – startup của Hàn Quốc. Anh đề xuất đưa mô hình webinar để nhiều người dùng có thể truy cập một lúc. Theo giải thích của Đăng, hội thảo sẽ diễn ra giống như “trực tiếp qua Facebook nhưng độ tương tác tốt hơn do thuyết trình rõ nét và chia sẻ nội dung bằng các slide”.

Startup Việt tiếp cận với chuyên gia từ thung lũng Silicon

Các thành viên sáng lập Pass Community (từ trái) gồm Nguyễn Hoàng Linh, Diana Chindaphorn, Vũ Thành Đức và Nguyễn Tâm Đăng

Những ngày đầu năm 2017, cả nhóm liên tục có các cuộc họp để thảo luận về việc định hình ý tưởng. Đây cũng là thời gian khó khăn khi thuyết phục các chuyên gia trở thành diễn giả cho Pass. Nguyễn Hoàng Linh được mời tham gia các chương trình chia sẻ. Linh từng có kinh nghiệm xây dựng cộng đồng Alpha Art với 40.000 thành viên và cũng từng làm việc tại hai gã khổng lồ Google và Amazon. Trong quá trình trao đổi, anh đóng góp không chỉ về ý tưởng mà còn là tâm huyết thật sự với dự án. Cả nhóm đã quyết định mời Linh trở thành đồng sáng lập cùng 3 thành viên còn lại.

Bằng những mối quan hệ cá nhân, đội ngũ Pass tìm được một số chuyên gia đầu tiên đồng ý chia sẻ những kinh nghiệm giá trị. Đó là ngày 15/2, cột mốc mà các thành viên không thể nào quên. “Mọi thứ sau đó trở nên dễ dàng hơn khi chúng tôi tạo được sự tin tưởng. Hiện Pass có gần 20 chuyên gia đến từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Microsoft, Pinterest, Houzz, Box, Appanie, Shopkick hay Etsy, chưa kể đến các chủ doanh nghiệp tại thung lũng Silicon hay giáo sư trường đại học danh tiếng”, Đức cho biết.

Hội thảo đầu tiên diễn ra vào ngày 2/4 với khách mời là Phạm Hy Hiếu, cựu sinh viên Đại học Standford, nghiên cứu sinh tiến sĩ tương lai tại Đại học Carnegie Mellon (CMU), hiện làm việc tại Google Brain. Hơn 500 người trên khắp thế giới đã theo dõi buổi chia sẻ về máy học cùng Tensorflow qua trang chủ Pass. Có đến 40 câu hỏi dành cho diễn giả trong suốt gần một giờ chương trình diễn ra.

Người nghe từ khắp nơi trên thế giới có thể cùng tham gia buổi nói chuyện này. Mọi người có thể ngồi ở nhà, đang trong giờ nghỉ trưa hoặc ở bất cứ đâu như quán cà phê. Diễn giả cũng không cần phải di chuyển giữa các địa điểm. Mô hình này không xa lạ nhưng vẫn còn khá mới tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.

Hy Hiếu đánh giá Pass là ý tưởng mang tính cống hiến và nếu thực hiện đúng có thể giúp đẩy nhanh quá trình chia sẻ kiến thức. “Trải nghiệm cá nhân của tôi với cộng đồng này trong tư cách diễn giả là tích cực. Tôi tin rằng đội ngũ Pass sẽ vượt qua thời kỳ đầu để biến ý tưởng của họ thành sản phẩm thành công”, anh nhận định.

Startup Việt tiếp cận với chuyên gia từ thung lũng Silicon

Chương trình hội thảo đầu tiên với chủ đề “Máy học cùng Tensorflow” thu hút hơn 500 người tham dự trực tuyến.

Tuy nhiên, chương trình đầu cũng gặp một số chút trục trặc và khó khăn trong khâu tổ chức. Hầu hết các diễn giả đang sống và làm việc tại thung lũng Silicon. Trong khi đó, khán giả có thể đến từ rất nhiều quốc gia và lãnh thổ với các múi giờ khác nhau. “Việc chọn thời gian phù hợp diễn ra buổi hội thảo cũng là một bài toán với chúng tôi”, Linh cho biết.

Vấn đề này sẽ được giải quyết tùy thuộc vào người dùng mà Pass muốn hướng đến ở quốc gia hay khu vực nào. Đức cho biết Pass đang cố gắng tìm khung hợp lý để khớp với 3 múi giờ phổ thông. Song song đó, nếu không thể theo dõi trực tiếp, người dùng cũng có thể xem lại các phần chia sẻ được đăng tải lại sau khi chương trình diễn ra và đặt câu hỏi bên dưới để nhận phản hồi từ diễn giả.

Đối tượng mà Pass hướng đến là đội ngũ lập trình viên muốn nắm bắt xu hướng công nghệ của thế giới và sẵn sàng trang bị những hành trang cần thiết để cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng nhắm đến các bạn ở những lĩnh vực khác, muốn học và nâng cao trình độ về công nghệ. Những kỹ năng này sẽ giúp người học hiểu hơn về khách hàng, sản phẩm và đưa ra quyết định kinh doanh đúng đắn”, Đức chia sẻ.

Các chương trình của cộng đồng này sẽ tập trung vào hai vấn đề lớn trong lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á là đào tạo kỹ năng mềm cho lập trình viên, ngành khoa học xử lý dữ liệu (Data Science) và trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence). Đội ngũ Pass nhận định đây đang là những xu hướng nóng nhất tại thung lũng Silicon và nhấn mạnh “chúng ta không thể đứng ngoài xu hướng này”.

Sau thành công của chương trình đầu tiên, Pass tiến gần hơn đến người dùng với hai hội thảo tiếp nối. Diễn giả Nguyễn Đức Trung, kỹ sự tại Box đã có buổi chia sẻ về ứng dụng xử lý hệ thống cùng Box và gần đầy nhất là Ann Chan – nhà sáng lập Indemand, công ty nhận đầu tư khủng từ quỹ 500 Startup, với chủ đề “Từ designer đến khởi nghiệp tại thung lũng Silicon”.

Trương Sanh | Theo Startup Vnexpress

Startup Việt tiếp cận với chuyên gia từ thung lũng Silicon
5 (100%) 3 đánh giá

Ý kiến bạn đọc

Quảng cáo: võng xếp cao cấp
To Top