Thanh niên khởi nghiệp luôn gặp khó khăn khi huy động vốn
Thanh niên bắt đầu khởi nghiệp phần lớn đều gặp khó khăn đặc biệt trong việc huy động vốn để triển khai các dự án.
Trong khuôn khổ Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 4 năm 2016, chiều 28/8, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp”.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về những cơ hội, thách thức, cách vượt qua khó khăn trong hành trình thanh niên khởi nghiệp. Các đại biểu cũng đề xuất những chính sách nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Đình Luận, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay, thanh niên, trong đó có sinh viên thừa nhiệt huyết nhưng bắt đầu khởi nghiệp phần lớn đều gặp khó khăn và chưa thành công ngay từ lần đầu. Đặc biệt là gặp khó khăn về việc huy động vốn để triển khai các dự án khởi nghiệp.“Giải pháp quan trọng nhất, từ bản thân của mỗi người tích cực học tập để tìm hiểu được vấn đề khúc mắc trong nước và thế giới, tích hợp lại từ vấn đề quy mô nhỏ sau đó phát triển lên quy mô lớn. Thứ 2, thường xuyên trao đổi, hợp tác với hội doanh nhân để biết được những kinh nghiệm và rút ra bài học sau mỗi lần vấp ngã. thứ 3, tăng cường kết hợp với cộng đồng những người khởi nghiệp tạo thành mạng lưới để chia sẻ học tập lẫn nhau”, anh Luận đề cập.
Các đại biểu cũng được chia sẻ về những mô hình khởi nghiệp có hiệu quả tại các địa phương. Anh Nguyễn Ka Hai ở ấp Nhà Hội, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho biết, từ thực tế các thanh niên địa phương thường xuyên đi làm ăn xa, anh đã tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế và thu hút tập hợp thanh niên ở lại quê hương làm giàu để có thể áp dụng tại địa phương.
Khi được sự hỗ trợ vốn của tổ chức Đoàn và gia đình được 100 triệu đồng, anh Hai đã xây dựng và triển khai mô hình tổ hợp tác nuôi tôm cua kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 90 đoàn viên, thanh niên ấp Nhà Hội.
Anh Ka Hai cũng cho biết, bản thân ban đầu không có vốn để đầu tư tái tạo nuôi tôm. Cũng như nhiều thanh niên khác, anh cũng phải làm nhiều việc khác nhau để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng đến ngày hôm nay đã có trên 10 đoàn viên trong tổ hợp tác xây được nhà trên 500 triệu đồng.
“Kế hoạch trong 10 năm tới, tổ hợp tác sẽ liên kết, chia sẻ giúp những đoàn viên khác. Giúp đỡ người khác là giúp mình, khi có thêm nhiều đối tác, sản phẩm làm ra sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. Tổ hợp tác vẫn luôn mong muốn có sự hỗ trợ về vốn, có định hướng cho đội ngũ thanh niên, có lộ trình rõ ràng để thanh niên nông thôn an tâm hơn trong quá trình lập nghiệp”, anh Ka Hai chia sẻ./.
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra