Đầu tư vào giáo dục là cách tạo ra tác động xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc khởi nghiệp ở lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn, khiến một thị trường tiềm năng đang bị bỏ trống.
Giáo dục – thị trường đang bị bỏ ngỏ
Ở nông thôn Việt Nam, chỉ có hơn 13% trẻ em hoàn tất trung học phổ thông, so với 37% ở thành phố, thể hiện sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, dẫn đến nhiều bất cập về mặt an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề nổi cộm trong giáo dục tại Việt Nam, bên cạnh đó còn là tình trạng thiếu hụt các kỹ năng nhận thức, tư duy phản biện, làm việc nhóm… Theo đánh giá của World Bank, có đến 80% ứng viên tìm việc thiếu các kỹ năng chuyên môn cần thiết và 83% ứng viên thiếu kỹ năng cần cho các vị trí kỹ thuật.
Thực trạng trên vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tham gia và phát huy vai trò của mình.
Anh Huỳnh Hạnh Phúc, Founder Teach For Vietnam cho biết: “Không ít các nhà đầu tư trên thế giới thích đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt về giáo dục cảm xúc và kỹ năng phát triển cá nhân vì đây là một trong những vấn đề tạo tác động xã hội bền vững. Tuy nhiên, mô hình giáo dục công lập Việt Nam hiện chưa có sự kết hợp với các doanh nghiệp để tạo ra sự đột phá. Giáo dục là một trong những lĩnh vực cần kết hợp nhiều bên. Tinh thần kinh doanh sẽ giúp giáo dục tạo ra nguồn thu để duy trì, gây quỹ hoạt động, và các tổ chức phi lợi nhuận sẽ giúp tạo ra những mô hình sáng tạo, đưa giáo dục gần gũi với thực tế hơn”.
Cần một hệ sinh thái hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Thế Duy – quản lý đầu tư (Investment Management) tại Omidyar Networks, một trong những quỹ đầu tư tác động lớn nhất thế giới được thành lập bởi nhà sáng lập eBay Pierre Omidyar: “Hệ sinh thái về đầu tư tác động xã hội ở Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Ba tác nhân chính của hệ sinh thái này ở Việt Nam là các bên cấp vốn (nhà đầu tư, nhà tài trợ, các tập đoàn kinh tế, nhà nước); các doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp tác động xã hội; và các bên hỗ trợ (các hiệp hội và ban ngành của nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, viện chính sách, các đơn vị tư vấn) đều khá chậm chân so với các nước.
Nguồn vốn cho đầu tư tác động thường đến từ các nhà đầu tư tác động, từ ngân sách chi cho mảng trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp lớn (Corporate Social Responsibility – CSR), ngân sách nhà nước, hoặc từ các cá nhân có nguồn lực tài chính dồi dào. Ở Việt Nam, thâm hụt ngân sách khiến cho việc dành nguồn vốn cho đầu tư tác động khó là một ưu tiên với chính phủ. Văn hoá đóng góp lại cho xã hội và cộng đồng chưa thực sự phổ biến. Nhiều doanh nghiệp lớn vẫn chưa quan tâm nhiều đến CSR, và nếu có chỉ tập trung giải quyết những vấn đề tạm thời thay vì hướng đến các giải pháp bền vững và lâu dài.
Số lượng các nhà đầu tư tác động xã hội đến Việt Nam còn khiêm tốn và chủ yếu là các đơn vị nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay điểm nóng đầu tư tác động đang tập trung vào các nước ở châu Phi, Mỹ Latin, Ấn Độ, Đông Âu.
Các bên hỗ trợ cho hệ sinh thái đầu tư tác động hầu như chưa hoặc rất ít phát triển ở Việt Nam. Thực trạng này dẫn đến hạn chế về nguồn vốn, các viện nghiên cứu, viện chính sách và các công ty tư vấn trong lĩnh vực này chưa phát triển. Các trường đại học không có những phòng ban chuyên biệt tập trung nghiên cứu các vẫn đề xã hội và tìm ra giải pháp. Ở cấp độ nhà nước, các hoạt động chỉ dừng lại ở các hội thảo, báo cáo hoặc khảo sát sơ bộ mà không có đơn vị nào triển khai, đôn đốc, theo dõi các và đo lường các tác động.
Mảnh ghép còn lại là các doanh nghiệp và các nhà khởi nghiệp tác động xã hội. Việc thiếu thốn cả về nguồn vốn và các hỗ trợ thiết yếu khác góp phần khiến các doanh nghiệp xã hội chưa đạt được các thành tựu mong muốn. Nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa đầu tư tác động xã hội với việc làm từ thiện, dẫn tới nhiều nhà đầu tư truyền thống e ngại trong việc tham gia vào mảng này mặc dù lợi suất của mảng đầu tư tác động xã hội không mấy cách xa so với tỷ suất lợi nhuận của đầu tư truyền thống.
Với thực trạng nêu trên, có thể thấy có rất nhiều cơ hội và các vấn đề xã hội đang chờ các nhà khởi nghiệp xã hội giải quyết. Một khi tìm ra giải pháp và mô hình phù hợp, với một thị trường rộng lớn và chưa được khai phá hết như vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội hoàn toàn có thể phát triển bền vững và lớn mạnh”.
Để có thể thực sự phát huy hết sức mạnh của giáo dục trong việc tạo ra tác động xã hội ở Việt Nam, cần có sự phát triển đồng bộ cả về nguồn vốn lẫn nâng cao năng lực và có thêm nhiều sự hỗ trợ cho những doanh nhân khởi nghiệp tạo tác động xã hội trong mảng giáo dục.
Góp phần tạo ra một hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục tác động xã hội, Seed Planter và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) phối hợp tổ chức khóa đào tạo SEEDING CAMP (Quality Education Edition) kéo dài 3 ngày. Khóa học với mong muốn giải quyết một vấn đề trong mảng giáo dục, tạo nên tác động xã hội.
Sau khóa học, học viên sẽ có thể: xây dựng một sản phẩm mẫu, thử nghiệm tính khả thi, xây dựng mô hình kinh doanh, và tự tin thuyết trình ý tưởng kinh doanh mảng giáo dục để tìm đồng sáng lập viên, khách hàng tiềm năng và nhà đầu tư.
Giáo trình Seeding Camp được thiết kế bởi Lê Thị Ngọc Linh, một cựu nhà đầu tư mạo hiểm tại CyberAgent Ventures, dưới sự cố vấn của giáo sư Heidi Neck tại Babson College – trường Đại học được xếp hạng số 1 về Đào tạo Khởi nghiệp trong suốt 25 năm liền bởi USNews. Heidi Neck cũng là Faculty Director của Babson’s Symposia for Entrepreneurship Educators (SEE)—chương trình huấn luyện và phát triển giáo trình đào tạo khởi nghiệp trên toàn thế giới và là chủ tịch của Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn nước Mỹ – USASBE.
Seed Planter một học viện đào tạo khởi nghiệp cho các doanh nhân mong muốn tạo tác động xã hội thông qua hoạt động đào tạo khởi nghiệp chuyên sâu kết hợp những kiến thức thực tiễn và sự hướng dẫn từ những cố vấn giàu kinh nghiệm để các doanh nhân có thể xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững, giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất của xã hội.
Người huấn huyện của Seeding Camp là các doanh nhân giàu kinh nghiệm như Trần Nguyễn Lê Văn – CEO VEXERE, Huỳnh Hạnh Phúc – CEO Teach for Vietnam; Hồ Gia Anh Lê – cố vấn Hệ thống trường Hoa Sen Hà Tĩnh với 10 năm giảng dạy tại Đại học Quốc gia Singapore; Lương Dũng Nhân – Phó Giám đốc Đào tạo – Huấn luyện Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương A.T.Y., đồng sáng lập Học Kỳ Quân Đội; Lê Đình Hiếu – sáng lập viên Học viện GAP, Lê Khắc Hiếu, đồng sáng lập Trust Circle.
Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp xã hội và các sáng kiến xã hội tại Việt Nam và các nước trong khu vực, hoạt động với sứ mệnh khơi nguồn cảm hứng, kết nối và tạo dựng quyền năng cho mọi cá nhân và cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường thông qua các giải pháp kinh doanh sáng tạo và bền vững.
Thời gian đăng ký khóa học: – Mở đăng ký: 14/4 – Hạn cuối đăng ký: 9/5 – Công bố danh sách học viên: 15/5 – Khóa học Seeding Camp: 25-27/5 – Thông tin chi tiết tại:http://seedplanter.vn/seeding-camp/ – Đăng ký tại: http://seedplanter.vn/seeding-camp-register/ |
Theo DNSG Online.