Hơn 2.600 tác phẩm tham gia cuộc thi ảnh “Tự hào hàng Việt 2016” là sự ghi nhận một cách chân thực các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam bằng những góc nhìn nghệ thuật độc đáo và mới mẻ.
Lễ Công bố và Trao giải cuộc thi ảnh “Tự hào hàng Việt 2016” vừa được tổ chức sáng 25/8/2016, có sự tham gia của Phó chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM Trần Tấn Ngời, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Võ Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Minh, đại diện Sở Công Thương TP.HCM, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP.HCM Dương Vũ Thông, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn Võ Quang Cảnh, đại diện các đơn vị đồng hành, hơn 30 tác giả ảnh, cùng đại diện nhiều doanh nghiệp…
“Tự hào hàng Việt 2016” là mùa thứ năm của cuộc thi ảnh thường niên do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức. 182 tác giả từ khắp mọi miền đất nước đã gửi 2.654 tác phẩm tham gia sân chơi này. Hầu hết các ảnh dự thi năm nay đều bám sát tiêu chí của cuộc thi là ghi lại những hình ảnh về hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá, phân phối sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Từ sản xuất thủ công như nghề thêu tay, gốm sứ, đến các dây chuyền công nghệ hiện đại sử dụng trong ngành thực phẩm, sản xuất thép, dây điện. Từ hoạt động nông nghiệp như sản xuất muối, trồng rau đến sản xuất công nghiệp như đóng ghe tàu. Từ đặc sản của miền xuôi như cây trái miền Tây đến sản phẩm riêng có của vùng cao như vải thổ cẩm…
Đặc biệt, các tác phẩm dự thi mùa giải năm nay đã ghi nhận tinh thần hội nhập cao của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng Việt Nam, với hình ảnh những dây chuyền công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và sự lựa chọn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng.
Sau buổi chấm thi, NSNA Hoàng Thạch Vân – Phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi chia sẻ: “Các tác giả đã chọn nhiều đề tài đa dạng và có cách thể hiện sinh động. Đa số tập trung vào ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm trong ảnh cũng đều có thương hiệu, như bánh tráng xuất khẩu, mành trúc xuất khẩu, điêu khắc gỗ… Số lượng ảnh về lĩnh vực công nghiệp tuy ít nhưng lại rất đặc sắc. Lần đầu tiên tham gia chấm giải cuộc thi này, trong phạm vi số lượng ảnh triển lãm cũng như giải thưởng, tôi đã cố gắng hết sức để có thể đề cử những bức ảnh tiêu biểu nhất. Việc cố gắng không để trùng lắp về đề tài, cách thể hiện tại cuộc thi ở những năm trước, để có thể chọn ra những tác phẩm có góc nhìn mới lạ, tiêu biểu cho sản phẩm hàng Việt, chính là thử thách lớn mà tôi và các thành viên giám khảo còn lại phải vượt qua”.
Nói về chất lượng các tác phẩm được chọn vào vòng trong, NSNA Hoàng Thạch Vân cho rằng, 29 bức ảnh tiêu biểu được chọn vào chung khảo đều thể hiện tốt về nội dung lẫn kỹ thuật. Trong số đó, 8 bức ảnh được trao giải là những tác phẩm có giá trị về nội dung và đề tài như nhau, tuy nhiên, 3 tác phẩm trong số này đoạt giải Nhất, Nhì, Ba có sự vượt trội hơn về mặt kỹ thuật, ánh sáng, bố cục, thể hiện góc nhìn mới lạ về một khoảnh khắc thật và thể hiện cảm xúc của người chụp…
Đã tham gia tất cả 5 mùa giải và giành được giải Nhất cuộc thi “Tự hào hàng Việt 2016”, tác giả Bùi Vy Vân cho biết: “Giải thưởng lần này là một niềm động viên rất lớn, vì vốn sinh sống và làm việc ở tỉnh Bình Dương, lại không có lợi thế về phương tiện máy móc như nhiều đồng nghiệp khác ở TP.HCM, tôi không nghĩ mình có thể đạt được giải cao. Với bức ảnh Bánh tráng Phú An đoạt giải Nhất lần này, tôi đã phải chụp đi chụp lại, lựa chọn trong gần 20 bức mới tìm ra được tấm ảnh ưng ý nhất về bố cục, ánh sáng, thể hiện được khoảnh khắc chân thật nhất để gửi dự thi”.
Phát biểu tại Lễ Tổng kết và Trao giải thưởng cuộc thi, nhà báo Nguyễn Thị Kim Dung – Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Năm nay, với mục đích tạo ra sân chơi cho cả những người không chuyên đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tự giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, Ban tổ chức đã mở rộng giới hạn kỹ thuật. Theo đó, chấp nhận cả ảnh dự thi chụp bằng điện thoại di động và có bộ giải thưởng dành riêng cho loại ảnh này. Đáng tiếc là trong cuộc thi năm nay, số lượng ảnh chụp bằng điện thoại di động chưa nhiều nên không thể chấm riêng. Cả lãnh đạo UBMTTQVN TP.HCM và lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đều cho rằng việc mở rộng sân chơi theo hướng đó là một cách làm sáng tạo và thiết thực giúp lan tỏa rộng hơn những góc nhìn tích cực về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Việt Nam, và khuyến khích Báo Doanh Nhân Sài Gòn nhấn mạnh hơn nữa yếu tố này ở cuộc thi sau.
Là tác giả nữ duy nhất được trao giải thưởng, bà Lưu Lệ Bình – chủ nhân giải Ba của cuộc thi “Tự hào hàng Việt 2016” chia sẻ: “Tác phẩm Vào lò được thực hiện tại một lò sấy heo đất ở phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Hình ảnh chú heo đất vốn gắn liền với tuổi thơ của nhiều người, và nghề làm heo đất cũng là một trong những nghề có truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Đoạt được giải thưởng lần này, tôi rất vui vì cảm thấy mình đã làm được một điều gì đó khi mang hình ảnh của những người làm heo đất đến với nhiều người hơn, phần nào động viên họ, để nghề làm heo đất nói riêng và những ngành nghề truyền thống khác nói chung không bị mai một theo thời gian”.
Góp phần lưu giữ nghề truyền thống, cổ súy việc ứng dụng công nghệ mới và phát huy sáng tạo trong phát triển sản phẩm và dịch vụ thương hiệu Việt cũng là một trong những tiêu chí chính mà cuộc thi ảnh “Tự hào hàng Việt” hướng đến, nhằm tạo cảm hứng và thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện để từ đó tiếp cận và hòa nhập vào thị trường thế giới, nâng cao uy tín và thương hiệu quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn