Luật Doanh nghiệp 2014 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7, trong đó có các quy định mới về con dấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều băn khoăn chưa biết sẽ thực hiện như thế nào.
Cần có quy định chi tiết hơn
Với xu thế chung của thế giới là phương thức giao dịch điện tử, thì việc cải cách về con dấu doanh nghiệp (DN) là hoàn toàn phù hợp, tạo điều kiện thông thoáng cho DN hoạt động. Theo quy định mới, thay vì cơ quan nhà nước quản lý con dấu thì DN có thể tự làm hoặc tự khắc dấu, tự quyết định hình thức, nội dung, số lượng, cách thức sử dụng.
Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa rõ có bắt buộc phải có con dấu hay không. Bà Nguyễn Bích Ngọc, Công ty Luật Allens cho biết: “Theo quy định của dự thảo số 2 của Nghị định, DN có quyền có con dấu hoặc không có con dấu, Tuy nhiên dự thảo 3 đã bỏ quy định đó và nói chung là DN có quyền quyết định số lượng con dấu. Vậy thì ở đây chưa rõ việc DN có quyền không có con dấu hay không?”.
Bên cạnh đó, một số DN đưa ra thắc mắc, nếu họ có hơn một con dấu thì sẽ được áp dụng như thế nào. Đơn cử như trường hợp của Công ty Honda Việt Nam. Với quy mô lớn, công ty này cần ít nhất hai con dấu mới đảm bảo hoạt động. “Việc cần quá nhiều chữ ký buộc người đại diện theo pháp luật phải ủy quyền cho những người khác ký.
Với quy mô của chúng tôi, người đại diện pháp luật phải ủy quyền cho vài chục người khác nhau kí và phạm vi ủy quyền của mỗi người khác nhau. Do đó, nếu không có con dấu thì sau khi ủy quyền sẽ rất khó kiểm soát”, ông Đỗ Việt Dũng, đại diện Công ty Honda Việt Nam cho biết.
“Honda có 2 con dấu do đơn vị công an cấp… Nhưng hiện dự thảo luật quy định chung chung là mẫu dấu DN phải thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước, thì rất nguy hiểm. DN làm khác đi sẽ vi phạm quy định của pháp luật. Đề nghị bổ sung thêm trường hợp DN có nhiều con dấu thì cần có những dấu hiệu để phân biệt”, ông Dũng kiến nghị.
Trong khi đó, một số DN cho rằng không nên bắt buộc phải có con dấu, bởi nhiều trường hợp kinh doanh trên mạng, chỉ cần tài khoản thẻ ngân hàng, các cá nhân, tổ chức đã có thể giao dịch mà không cần tới con dấu.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, nếu không giữ con dấu thì có thể sẽ phát sinh khá nhiều phức tạp trong vấn đề thủ tục công chứng và quản lý. “Khi DN mang một văn bản đến cơ quan mà không có dấu, chắc chắn sẽ phải đến công chứng để công chứng chữ ký hợp lệ, thậm chí có thể phải mang giấy đăng ký kinh doanh đến cơ quan chức năng xác nhận. Như vậy rất mất thời gian, mà lại phát sinh thủ tục hành chính”, Luật sư Lập nói.
Quản lý con dấu như thế nào?
Quy định về con dấu là một trong những thay đổi quan trọng của Luật Doanh nghiệp 2014. Ở thời điểm hiện tại, dự thảo lần 3 của Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, luật sư, hiệp hội… trước khi trình Chính phủ ban hành.
Bà Nguyễn Bích Ngọc, Công ty Luật Allens cho biết: “Chương 3 của dự thảo nghị định mang tên quản lý và sử dụng con dấu nhưng mới chỉ quy định về số lượng, hình thức mà chưa nói rõ được việc sử dụng, quản lý như thế nào, quy định còn thiếu rất nhiều nội dung như nơi cất giữ con dấu, thẩm quyền giao, thay đổi người giữ con dấu… Cần có quy định cụ thể hơn để nếu xảy ra tranh chấp hoặc xâm phạm con dấu thì tòa án còn có cơ sở xử lý”.
Nhiều ý kiến thắc mắc, nếu trường hợp DN không có con dấu hoặc không bắt buộc phải có con dấu thì tiêu chí nào xác định văn bản của doanh nghiệp có giá trị pháp lý. Nếu như trước đây, chỉ cần một người đại diện theo pháp luật ký và đóng dấu sẽ có giá trị pháp lý, nhưng trong tình huống có nhiều người đại diện theo pháp luật thì văn bản có giá trị khi nào? |
Ông Trần Đăng, Tập đoàn Vingroup đề nghị tại Điều 21 của dự thảo nên bỏ thẩm quyền đại hội đồng cổ đông quyết định nội dung hình thức con dấu và thay bằng hội đồng quản trị. “Về mặt thực tế, việc quyết định con dấu mang tính sự vụ, việc triệu tập đại hội đồng cổ đông để thay đổi con dấu sẽ dẫn tới rất phiền hà, tốn kém cho DN, đặc biệt là công ty niêm yết, công ty đại chúng với hàng chục ngàn cổ đông… không đạt được mục đích mà Luật DN đặt ra là DN được chủ động trong việc thay đổi quyết định con dấu”, ông Đăng cho biết.
Một vấn đề nữa khiến DN băn khoăn: Theo quy định, trước khi sử dụng con dấu, DN phải thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trong trường hợp thay đổi mẫu dấu, DN không cần thông báo trước khi sử dụng con dấu mới, mà chỉ cần thông báo trong vòng 10 ngày sau khi con dấu mới được đưa vào sử dụng.
“Chúng tôi kiến nghị trong trường hợp thay đổi mẫu dấu, DN cần thông báo trước khi sử dụng con dấu mới, nếu không bên thứ ba không thể xác định được việc DN đã có con dấu mới và liệu con dấu cũ khi đó còn giá trị pháp lý hay không. Điều này sẽ dẫn đến nhiều phức tạp và hệ lụy về sau”, Luật sư Nguyễn Bích Ngọc đề xuất.
Trước những ý kiến đề xuất của DN, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên ban soạn thảo nghị định cho biết, với quy định trên, DN vẫn có thể có con dấu nhưng sử dụng hay không thì tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể.
“Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp sẽ là văn bản duy nhất hướng dẫn thực hiện, không có thêm thông tư hướng dẫn cụ thể nào. Vì vậy, Nghị định sẽ được xem xét, nghiên cứu kỹ trước khi ban hành”, ông Hiếu cho biết.
Theo Báo Tin tức