Ngay trong ngày đầu tuần, Google đột ngột tuyên bố cải tổ toàn bộ cấu trúc tập đoàn để tạo ra một… công ty mẹ mới. Song, với những người nắm rõ nội tình của gã khổng lồ tìm kiếm, mọi thứ không đáng bất ngờ đến thế.
Bước đi bất ngờ của Google
Trong ngày thứ hai vừa qua, Google bỗng dưng tuyên bố một bước chuyển đầy bất ngờ: Tách rời nhiều bộ phận ra làm công ty con và thành lập một công ty mẹ mang tên Alphabet để quản lý tất cả các công ty con này. Giờ đây, Google sẽ là một phần trong một liên minh bao gồm có: Life Sciences (những sản phẩm như kính áp tròng phát hiện tiểu đường), Calico (nghiên cứu gia tăng tuổi thọ), Fiber (cáp quang), Ventures, Capitals (đầu tư) và X Lab (các dự án công nghệ cao siêu tưởng).
Trong bức thư đầu tiên công bố trên trang web chính thức của Alphabet, Lary Page – nhà sáng lập, (cựu) CEO của Google tuyên bố, bước đi của Google là nhằm giúp cho công ty cũ trở nên “gọn gàng hơn và phân chia trách nhiệm rõ ràng hơn”. Bước đi mới của Google là để giúp các công ty con, vốn có mục đích rất khác biệt nhau, có thể tập trung làm tốt lĩnh vực của mình.
Bộ máy lãnh đạo cũ của Google đều đang được cất nhắc lên đóng giữ các vai trò quan trọng mới trong Alphabet: Larry Page sẽ là CEO, Sergey Brin sẽ là Chủ tịch, Eric Schmidt là chủ tịch điều hành. Sundar Pichai, người đã từng được Page cất nhắc cho lãnh đạo toàn bộ các mảng kinh doanh trọng yếu nhất của Google (Chrome, Android) giờ đây đã trở thành CEO của Google mới.
Thông báo của Google đã gây bất ngờ cho rất nhiều người, bởi gã khổng lồ tìm kiếm hiện vẫn đang hoạt động rất tốt nhờ có vị thế thống trị của bộ máy tìm kiếm, hệ điều hành Android cùng các dịch vụ dữ liệu như Gmail, YouTube và Maps. Nhưng, với các nguồn tin nội bộ của Google, sự kiện gã khổng lồ tìm kiếm “biến hình” thành Alphabet không phải là một bất ngờ lớn.
Ước nguyện của Larry Page
Theo một nguồn tin nội bộ của Business Insider, Google đã cân nhắc bước đi mới trong suốt… 4 năm vừa qua. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, Larry Page đã từng bày tỏ ước nguyện được nắm vai trò giống như Warren Buffet tại công ty của mình. Tại tập đoàn Berkshire Hathaway, Buffet vẫn là người cầm trịch, nhưng dưới quyền ông lại là một nhóm rất nhiều CEO tài năng có khả năng thực hiện công việc một cách độc lập. Giờ đây, khi đã nắm quyền điều khiển công ty mẹ Alphabet, Page không còn phải chịu trách nhiệm theo dõi chi tiết về các công ty con của Google nữa.
“Đây là một sự kiện mang tính bề nổi. Thay đổi thực sự đã diễn ra từ khá lâu rồi“, Ben Ling, một cựu lãnh đạo của Google khẳng định. Sự thay đổi mà ông Ling nhắc tới ở trên là vào tháng 10 năm ngoái, khi Sundar Pichai lên thay thế Page để nắm quyền lãnh đạo các sản phẩm của Google.
Cũng theo các nguồn tin này, Page đã quá mệt mỏi với việc phải chạy theo doanh thu quảng cáo. Khi trao quyền cho Pichai, nhà sáng lập kiêm CEO của Google lúc đó cho biết ông muốn lùi về phía sau để tập trung vào bức tranh tổng thể cho toàn bộ các mảng kinh doanh của Google trước đây và Alphabet hiện thời.
Níu chân Sundar Pichai
Khi Google loại bỏ chính cha đẻ của Android để đưa Sundar Pichai lên nắm quyền, báo giới và cả giới đầu tư công nghệ sớm hiểu rằng vị lãnh đạo gốc Ấn này sẽ sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng tại Google. Sự kiện “trao ngôi” vào tháng 10 càng khẳng định vị thế đó của Pichai, và giờ đây ông đã là CEO của Google mới.
Nhưng theo một nguồn tin thân cận với Twitter, “3 năm về trước Twitter đã cố chiêu mộ Sundar Pichai và đã gần đạt được mục đích của mình. Google phản đòn bằng cách đưa ra một khoản lương khổng lồ và Pichai ở lại“.
Đến giờ thì Twitter lại cần có CEO mới, sau khi sa thải nhà sáng lập Dick Costolo khỏi vị trí cầm trịch. Dù được coi là mạng xã hội thứ 2 thế giới nhưng Twitter lại liên tục làm ăn thua lỗ trong nhiều năm qua. Ở vào tình cảnh đó, sẽ là không có gì khó hiểu khi Twitter lại một lần nữa cố chèo kèo Pichai. Pichai đã từng là người có vai trò quan trọng thứ hai tại Google, nhưng cuối cùng thì vị trí CEO vẫn là sức hấp dẫn riêng.
Có lẽ, lý do giữ chân Pichai không phải là lý do chính dẫn đến sự kiện cải tổ của Google, nhưng sức ép từ Twitter cộng với các điều kiện thích hợp khác khiến cho quyết định đưa Pichai lên làm CEO Google vào thời điểm này trở nên hợp lý hơn cả. Khi cả “hoàng đế” Page lẫn “vua” Pichai đều đạt được nguyện vọng của mình, có lẽ Twitter cũng tự hiểu vấn đề và rút lại lời mời của mình.
Và một khi Google đã trở thành Alphabet, những nhà lãnh đạo của các bộ phận tại Google cũng có thể sẽ được cất nhắc lên làm giám đốc các công ty con. Cựu CEO Nest (nhà sản xuất thiết bị smarthome được Google mua lại vào 2013) có thể được đưa lên làm CEO X Labs, còn Arthur Levinson cũng có thể trở thành CEO của Calico. Bằng cách này, Larry Page có thể làm đẹp lòng các CEO của các công ty con, vốn đều là những tên tuổi công nghệ lớn trước khi đến với Google.
Cái chết của Google+
Khi Larry Page không còn muốn phải lo lắng về từng chi tiết nhỏ trong các mảng kinh doanh của Google, và khi từng mảng kinh doanh này được tách ra độc lập, hệ quả tất yếu là các công ty con của Alphabet sẽ hoạt động độc lập hơn trước đây. Theo một nguồn tin nội bộ khác của Business Insider, Page chỉ thực sự cân nhắc tới ý tưởng “chia sẻ” Google khi mạng xã hội Google+ tan vỡ.
Khi ra mắt, Google+ đã từng được hy vọng sẽ trở thành nền tảng kết nối tất cả các dịch vụ của Google, bao gồm cả YouTube, Maps, Hangouts, Gmail… Nếu như tiếp tục được Google phát triển theo tầm nhìn ban đầu, sẽ là không có gì khó hiểu nếu như tài khoản Google+ trở thành tài khoản trọng tâm cho các nền tảng xe tự lái, Internet of Things… của Google.
Nhưng cuối cùng thì mạng xã hội của Google lại không chịu nổi sức ép cạnh tranh quá khổng lồ đến từ Facebook. Lãnh đạo của Google+, Vic Gundotra rời bỏ công ty vào đầu năm 2014. Gã khổng lồ tìm kiếm sau đó đành tách tính năng đáng giá nhất của mạng xã hội này (Google Photos) ra làm một dịch vụ mới. Khi ngay cả YouTube cũng được tách rời khỏi Google+, người ta hiểu rằng các sản phẩm độc lập của Google không hề muốn phải “kéo” theo sức ì từ một mạng xã hội đã không còn người sử dụng.
Trong khi sự vắng mặt của “keo dính” Google+ sẽ khiến cho các dịch vụ Google mất đi ít nhiều tính gắn bó, quyền điều hành độc lập của YouTube, Gmail hay Maps được cho là sẽ có lợi cho Google: khi được toàn quyền quyết định, các dịch vụ Google có thể cải tiến nhanh hơn và nhờ đó đối phó tốt hơn với các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn.
“Từ nhiều khía cạnh, cách tốt nhất để Google không bị đối thủ bên ngoài bắn nát là tự mình nổ tung ngay từ đầu“, Chris Messina, một nhà thiết kế từng làm việc tại Google+ khẳng định. Quá rõ ràng, cái chết của Google+ cùng sự kiện tự tách rời của Google sẽ giúp tạo ra một nguồn động lực sáng tạo mới cho tất cả các mảng kinh doanh mà gã khổng lồ tìm kiếm đang tham gia.
Lê Hoàng
Tổng hợp từ Business Insider/Vnreview.vn