Mặc dù chỉ vài ngày trước, có dự báo rằng Sài Gòn sẽ được hưởng “cái lạnh” 18 độ C, còn các tỉnh miền núi phía bắc sẽ có băng tuyết. Song chỉ có vế sau đã trở thành sự thật, còn dân Sài Gòn vẫn thở phì phò vì hơi nóng trên 30 độ C. Tại sao lại có thời tiết lạnh giá ở miền Bắc mà miền Nam lại nóng như chảy mỡ, cùng tìm hiểu hiện tượng thời tiết đặc biệt này?
Dưới đây là bài phân tích của VnReview dựa tổng hợp và lược dịch từ các trang tin Discovery, Business Insider, Null School và Climate.. để làm rõ vấn đề này, mời bạn đọc đón xem:
Câu trả lời khả dĩ nhất có thể về sự chênh lệch đến khắc nghiệt này chính là hiện tượng biến đổi khí hậu, mà cụ thể hơn là tình trạng ấm lên toàn cầu. Các bạn có lẽ cũng từng biết qua, các năm gần đây liên tục “phá kỷ lục” năm nóng nhất. Nhưng ngược lại, những trận bão tuyết và đợt lạnh của chúng cũng khắc nghiệt không kém. Thậm chí số người tử vong vì các đợt lạnh cũng tăng lên không ít.
Không quá khó để bạn nhận ra, thời tiết của những năm trở lại đây đang ngày càng cực đoan hơn. Mùa hè thì nóng hơn và kéo dài hơn, hạn hán cũng trầm trọng hơn. Trong khi đó những cơn siêu bão với cấp 3 (thang Mỹ) cũng xuất hiện nhiều hơn và gây thiệt hại nặng nề hơn. Ngược lại, mùa đông ở một số khu vực đặc thù trở nên lạnh lẽo hơn và băng tuyết có mặt ở những nơi vốn trước kia chưa từng có. Ngay tại Việt Nam ta, vài ngày trở lại đây ở vùng núi phía bắc đã xuất hiện sương giá và băng tuyết. Miền Bắc cũng đang hứng chịu một đợt lạnh dưới 10 độ C. Nhưng tại miền Nam, trời vẫn oi ả và chẳng có dấu hiệu gì của lạnh lẽo!
Có thể chỉ là… hơi nước
Những hình thái thời tiết tưởng chừng như đối lập trên khiến cho các nhà khoa học khí hậu cảm thấy băn khoăn và lao vào tìm hiểu. Trang Discovery trích bản nghiên cứu của NOAA (Cơ quan Khí tượng và Đại Dương Quốc gia Mỹ) cho thấy, dường như sự ấm lên toàn cầu và cường độ mạnh của các trận bão tuyết là có liên quan tới nhau. Cụ thể hơn là mức ẩm độ đến từ hơi nước có trong không khí.
Một điều rõ ràng chúng ta có thể thấy là khi nhiệt độ tăng thì lượng nước bốc hơi từ mặt biển vào bầu khí quyển cũng nhiều hơn. Và hơi nước là “nhiên liệu” chính cho các cơn bão từ ngoài khơi đổ bộ vào đất liền. Bản thân hơi nước cũng là thể mang nhiệt (H2O dạng khí cũng là một khí nhà kính). Càng nhiều hơi nước có nhiệt độ cao tham gia vào cơn bão thì năng lượng của cơn bão càng mạnh. Trong vài năm qua chúng ta đã có hàng loạt “con mắt tử thần” của Haiyan, Maysak, Patricia, Dujuan…
Nhưng siêu bão chỉ là một hình thái thời tiết cực đoan khi hơi nước trong khí quyển quá nhiều. Ở những nơi sâu trong đất liền mà bão không tiếp cận được như các vùng núi hoặc hoang mạc rộng lớn, hơi nước khi gặp những vùng khí quyển mà biến thiên nhiệt độ cực lớn (do thay đổi độ cao) hoặc các đợt khí lạnh tràn về những khu vực ấm nóng, các hạt nước vốn thường trở lại mặt đất ở dạng lỏng (mưa thông thường) sẽ bị đông lạnh thành những tảng đá và rơi thẳng xuống mặt đất (mưa đá). Đây cũng là một hình thái thời tiết cực đoan khi hơi nước và nhiệt độ “phối hợp” cùng với nhau.
Còn về mùa đông và những cơn bão tuyết giá lạnh? Một thực tế hiển nhiên là tuyết có nguồn gốc từ… nước. Và nước này cũng không đâu khác chính là hơi nước do nhiệt độ cao (ngoài biển) làm chúng bay vào trong không khí. Hiện tượng tuyết rơi về bản chất cũng không khác những cơn mưa hè cho lắm, khi mật độ hơi nước trong không khí đủ cao để chúng “ngưng tụ” lại và “rơi xuống”. Khác biệt chính ở đây là mưa xảy ra trong điều kiện nhiệt độ cao còn băng tuyết xảy ra khi nhiệt độ đủ thấp. Do vậy, những cơn bão tuyết ngày càng mạnh và lạnh giá hơn đang diễn ra ở Bắc Mỹ có thể được giải thích dựa trên lượng hơi nước chiếm mật độ cao trong khí quyển.
Trang Mashable cho biết, hiện tại bờ đông nước Mỹ đang được đặt trong tình trạng cảnh báo cao độ về những cơn bão tuyết cực mạnh đang diễn ra và các nhà chức trách khuyến cáo người dân không nên ra đường nếu không thực sự cần thiết. Ước tính đã có hàng ngàn chuyến bay bị huỷ bỏ trong mấy ngày qua vì bão tuyết quá mạnh gây nguy hiểm cho việc cất cánh và hạ cánh cũng như bay trên không trung, trangBusiness Insider cho hay.
Khí hậu – Đứa con của địa lý
Quay lại với khu vực châu Á, đại lục khổng lồ này có những vùng lục địa rộng lớn mà những cơn gió mùa mang hơi nước từ Thái Bình Dương không thể bay vào tới tận bên trong. Cụ thể nhất là khu vực Siberia là một vùng hoang mạc xa xôi nên gần như không thể đón được cơn mưa nào từ đại dương vào. Do vậy đây trở thành một “lõi lạnh” tự nhiên về mỗi mùa đông, mang những cơn gió mùa rét buốt phủ ra khắp miền đông của Nga và Trung Quốc. Gần với Việt Nam hơn có khu vực Tây Tạng, vốn được “cách ly” tự nhiên với các làn gió nhiệt đới bằng dãy Himalaya, nên cũng là một “lõi lạnh” khác có ảnh hưởng tới miền Bắc nước ta mỗi khi đông về.
Còn Việt Nam ta, trải dài trên 17 vĩ độ, nằm trên bán đảo Trung Ấn, với gần 1/2 biên giới giáp biển và 1/2 còn lại giáp đất liền, vô hình chung là điểm “giao thoa” về mặt khí hậu giữa một bên là đại dương nóng ấm và một bên là lục địa giá lạnh. Các tỉnh thành phía bắc như Hà Nội nằm gần chí tuyến bắc nên gần với “lõi lạnh” hơn, có 4 mùa rõ rệt trong khi các đơn vị hành chính ở phía nam như Sài Gòn, gần xích đạo hơn nên chỉ có 2 mùa mưa và mùa khô.
Tất nhiên, các đặc điểm địa lý này đã tồn tại hàng triệu năm qua. Song giờ đây, khi biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng rõ nét, nhất là nhiệt độ ngày càng cao đã khiến cho hơi nước từ biển Đông bay vào lục địa nhiều hơn. Sự kết hợp giữa khí lạnh từ các lõi lạnh cùng hơi nước từ biển khiến cho miền bắc những ngày qua không chỉ co ro trong giá rét mà băng tuyết cũng như sương xuất hiện rất nhiều.
Nhưng tại sao trong miền nam vẫn nóng “chảy mỡ”? Tuy Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương từng dự báo đợt gió mùa đông bắc có cường độ rất mạnh sẽ tràn xuống cả phía nam trong 2 ngày 23 – 24/01, song thực tế có lẽ đã có một yếu tố khác đóng vai trò chính ở đây. Đó là sự “thắng thế” của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Các đợt khí lạnh này tuy có “chạy” xuống miền nam thật, nhưng mức 18 độ chỉ tồn tại ở các tỉnh miền trung, và khi tới miền nam này thì hoàn toàn “mất hẳn”. Ngưỡng nhiệt trung bình của toàn miền nam vẫn duy trì ở mức trên 30 độ.
Và sự “thắng thế” này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn trên quy mô toàn cầu. Theo ghi nhận của NOAA, tuy rằng số đợt bão tuyết và cường độ của chúng ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, nhưng nhìn chung số ngày tuyết rơi trong các năm đã giảm xuống. Hồi 2014, một nhà khí tượng, Eric Holthaus, giải thích rằng ấm lên toàn cầu đã khiến cho các lõi lạnh ở cực bắc (Bắc Băng Dương) bị suy yếu, khiến cho các khối khí lạnh dồn hết vào các lục địa (Á, Âu, Bắc Mỹ) và khiến bão tuyết ở những vùng này trở nên mạnh mẽ hơn.
Trước đó, hồi 2009, một nghiên cứu cho thấy ấm lên toàn cầu cũng đã làm thay đổi mạnh mẽ các khối áp (thấp và cao) phía bắc Đại Tây Dương (NAO). Từ đó làm thay đổi hướng cũng như địa điểm xuất hiện các dòng khí quyển (gió mùa) và thay đổi luôn cả hình thái khí hậu của những vùng bị ảnh hưởng. Nếu kết luận của nghiên cứu này đúng với khu vực bắc Đại Tây Dương, nó cũng có thể đúng với các khu vực địa lý khác trên toàn cầu, đặc biệt khi các đại dương đóng một vai trò quan trọng như “các túi lưu trữ nhiệt” của Trái Đất.
Những lo ngại về sức khoẻ và thiệt hại kinh tế
Dù xu thế chung vẫn là nhiệt độ ngày càng tăng, số ngày nóng trong năm nhiều hơn số ngày lạnh, song vẫn có những điều khiến các nhà chức trách đau đầu. Cụ thể là các hình thái thời tiết ngày càng “cực đoan” hơn.Số ngày lạnh tuy giảm, nhưng cường độ lạnh trong những ngày đấy lại tăng lên. Ngược lại số ngày nóng kỷ lục cũng tăng nhiều hơn. Những hình thái khí hậu đối lập ấy khiến cho các sinh vật sống nói chung và con người nói riêng phải “gồng mình” lên để chống chịu. Nếu chỉ xét riêng con người, thì nhìn chung những người trẻ sẽ có sức chịu đựng hơn những người già và cao tuổi. Những người có điều kiện sống tốt hơn cũng sẽ ít bị “tổn thương” hơn người nghèo, nhất là những người vô gia cư.
Một vấn đề đáng ngại khác là hiện tượng shock nhiệt – sự thay đổi nhiệt độ bất ngờ khiến cho cơ thể không kịp thích nghi. Nếu trước đây thời tiết ôn hoà hơn, chênh lệch mức nhiệt độ thấp nhất và cao nhất không lớn, thì giờ đây đã khác. Những ngày mùa đông có thể kéo dài, song ngưỡng nhiệt của những ngày đó không quá thấp, cơ thể con người và sinh vật vẫn thích nghi kịp với sự thay đổi. Nhưng giờ đây khi nhiệt độ tụt xuống một cách bất ngờ, đều có thể gây ra những rủi ro khó lường cho những người sống ở khu vực băng giá.
Khi nhìn rộng ra ở góc độ kinh tế, sự thay đổi nhiệt đột ngột còn đe doạ cả các hoạt động nông nghiệp, vốn lệ thuộc nhiều vào thời tiết. Các loại vật nuôi như trâu bò lợn gà… cũng đều có thể bị shock nhiệt mà chết. Tương tự các loại cây trồng và hoa màu cũng vậy. Trong tình huống đó, nông dân sẽ là những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Một hệ quả liên đới khác là khi nông dân bị mất mùa hoặc thất thu nuôi trồng, họ sẽ không thể trả được nợ ngân hàng và khoản vay trước đây của nông dân trở thành nợ xấu. Nếu những hình thái thời tiết cực đoan này cứ diễn ra liên tục, không chỉ nông dân than trời mà các ngân hàng nói chung cũng lao đao không kém.
Ngoài ra, không quá khó hiểu khi bão tuyết nặng sẽ làm thiệt hại các ngành kinh tế khác như thế nào. Người dân không ra ngoài để tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ thì guồng máy kinh tế không vận hành. Hàng ngàn chuyến bay bị huỷ bỏ, không chỉ hãng hàng không bị thiệt hại mà hàng khách cũng bị liên đới. Ngành giao thông vận tải hàng hoá cũng bị liên đới vì băng tuyết đóng dày không chỉ làm dòng lưu chuyển hàng hoá bị đình trệ mà thậm chí còn gây hư hỏng những mặt hàng “nhạy cảm” vì nhiệt độ, hoặc gia tăng các vụ tai nạn giao thông do đường trơn trượt hay tố lốc quá mạnh.
Nhìn nhận chung, biến đổi khí hậu nói chung và tuyết rơi nói riêng gây ra rất nhiều thiệt hại mà nhiều người (trẻ) thường chưa nhận ra được…
Huyền Thế / Theo Vnreview