Triip cho phép tiết kiệm 50 – 90% chi phí cho các đối tác bán hàng và là một nền tảng du lịch kết nối du khách với người dân địa phương trên toàn thế giới, cho phép người dùng chia sẻ kế hoạch du lịch để nhận được giá tốt nhất cho các dịch vụ du lịch từ các doanh nghiệp du lịch địa phương. Tại chương trình Shark Tank mới đây, Triip đã nhận được 500.000 đô từ chủ tịch Intracom.
- Startup triệu đô được tạo thành như thế nào từ lần trải nghiệm du lịch thất bại ?
- Gói đầu tư dành cho startup du lịch Việt lên đến 100 tỷ đồng
- Bạn là nữ khởi nghiệp thì bạn nên đi du lịch một mình.
So với các nền tảng sẵn có, lợi thế của Triip là kết nối dữ liệu của khách du lịch (dưới sự đồng ý của khách du lịch) trực tiếp đến các doanh nghiệp du lịch địa phương trên nền tảng công nghệ blockchain, dữ liệu được lưu ngẫu nhiên trên 150 máy chủ hoạt động độc lập trên toàn thế giới. Vì vậy, các đối tác dùng hệ thống của Triip có thể tiết kiệm từ 50 – 90% chi phí bán hàng. Đổi lại, người dùng của Triip luôn nhận được ưu đãi tốt nhất từ các đối tác này.
Bởi vậy chỉ trong vòng 3 tháng, ứng dụng đạt được 122 nghìn lượt tải không mất chi phí quảng cáo, 35% người dùng quay lại hằng ngày, hơn 15 nghìn người chia sẻ hành trình chuyến đi. Doanh thu 2018 của Triip đạt 1,4 triệu USD, 6000 hướng dẫn viên bản địa và khách hàng đến từ 133 quốc gia. Triip hiện đang dẫn đầu về ứng dụng blockchain trong ngành du lịch.
Triip là đứa con tinh thần của hai vợ chồng Hồ Việt Hải và Lâm Thị Thúy Hà sau những năm tháng sinh viên làm hướng dẫn viên du lịch để cải thiện khả năng nói tiếng Anh. Năm 2013, Triip ra đời từ sự đóng góp của 6 thành viên sáng lập với mục đích để mọi người dân có thể đăng ký làm hướng dẫn viên du lịch. Với Triip, du khách có thể tận hưởng những dịch vụ mà các doanh nghiệp lữ hành không thể hoặc không muốn đáp ứng. Những gói tour của công ty khá đa dạng – từ khám phá văn hóa địa phương như nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, lịch sử; chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh; tham gia các hoạt động mang tính trải nghiệm như chế tác kim hoàn, tranh tài thể thao. Chẳng hạn, chủ cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ có thể mời du khách tới thăm xưởng, chế tác sản phẩm. Triip hưởng 10% khoản thu nhập trong mỗi giao dịch.
Giữa năm 2014, hai người trong nhóm sáng lập rời công ty và họ không thể kêu gọi thêm vốn. Vì thiếu vốn để hoạt động, Hà và Hải quyết định bán căn nhà của họ để củng cố tài chính của công ty thực hiện tiếp giấc mơ của mình.
Tháng 2/2016, Triip đã nhận 500.000 USD trong vòng gọi vốn hạt giống từ Quỹ đầu tư Gobi Partners. Tháng 4/2018, Triip tiếp tục nhận được khoản đầu tư từ Quỹ đầu tư Gaiax tại Nhật Bản và nhà đầu tư thiên thần Nguyễn Duy.
Và mới đây nhất, tháng 08/2019, trong chương trình Shark Tank, startup này đã nhận được 500.000 USD vốn đầu tư của Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom) Phạm Thanh Việt để đổi lấy 6,6% cổ phần.
Trả lời cho nhận xét của Shark Phạm Thành Hưng trong chương trình rằng: “Triip không được lợi gì từ công nghệ blockchain vì để khách hàng tự mua bán, trao đổi với nhau”, CEO Hải Hồ tuyên bố: “Trong ngành du lịch khoảng cách giữa người mua và người bán càng xa thì ở trung gian càng hưởng lợi. Bọn em cảm thấy cuộc chơi như vậy là không công bằng với nhiều người, bọn em viết lại luật chơi mới”.
Bên cạnh việc tạo ra doanh thu mới mẻ bằng cách thu 10% từ việc bán dữ liệu hành trình của khách cho các đối tác, Triip cũng áp dụng thanh toán bằng tiền mã hóa Ethereum và Tomo. Đây là cách đi mới và độc đáo theo phương thức phát triển du lịch bền vững.
Dù có 92% các dự án blockchain chết yểu chỉ sau 1 năm, nhưng CEO Hồ Hải tự tin rằng Triip là 1 trong 3 dự án blockchain duy nhất đã ra được sản phẩm và chạy thực tế nhờ đội ngũ 11/20 nhân viên là kỹ sư đang tập trung vào công nghệ blockchain.
Oanh Phạm (Tổng hợp)/Khoinghiepsangtao.