4 thách thức hội nhập của doanh nghiệp Việt
Cộng đồng kinh tế khu vực đang đứng trước cơ hội kinh tế do các rào cản thương mại sẽ được gỡ bỏ nhanh chóng. Cũng theo lộ trình cắt bỏ hàng rào thuế quan của TPP, hơn 98% thuế quan sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn sau 10 năm.
Trước việc ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam, điều duy nhất mà các Doanh nghiệp Việt có thể làm đó là nâng cao năng lực quản trị kinh doanh để giữ chân khách hàng trong nước và tạo vị thế sẵn sàng để gia nhập các thị trường quốc tế.
- Doanh nghiệp nên chú trọng sản phẩm, danh tiếng hay nhãn hiệu?
- Doanh nghiệp trẻ mới khởi nghiệp làm gì trước TPP?
- Doanh nghiệp Việt Nam cần rèn luyện ý thức và chính mình
Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam được xem là đích đến hấp dẫn đối với các thương hiệu và nhà đầu tư nước ngoài. Theo nghiên cứu của Deloitte, 70% dân số Việt Nam nằm trong độ tuổi 15 đến 64, và đây chính là nhân tố chính tạo nên một thị trường bán lẻ hấp dẫn. Với mức thu nhập khả dụng ngày càng tăng, cùng với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, Việt Nam được đánh giá là thị trường có tiềm năng phát triển lớn mạnh trong cả một thập kỷ tới.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là phần lớn các ngành kinh tế của Việt Nam như bán lẻ, ngân hàng, thực phẩm và đồ uống lại đang phải gánh chịu hậu quả của chất lượng không cao và dịch vụ yếu kém. Đó cũng là điều kiện để các Doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn ở Việt Nam. Việc các chuỗi cửa hàng của Lotte đến từ Hàn Quốc đang chiếm được cảm tình của số đông người tiêu dùng cho thấy người tiêu dùng đang mong tiếp cận các tiêu chuẩn sống cao hơn.
Sau khi được mua lại và điều hành bởi tập đoàn Jollibee của Philippines, chuỗi cửa hàng cà phê Highlands Coffee đã nhanh chóng mở rộng thành công và ngày càng được ưa chuộng hơn. Điều này cho thấy khi có một chiến lược đúng và được triển khai hiệu quả, giá trị của một thương hiệu Việt hoàn toàn có thể được nâng tầm.
Việc một loạt thương hiệu Việt về tay các công ty nước ngoài trong 5 năm trở lại đây cho thấy thế giới đánh giá rất cao các sản phẩm và ý tưởng kinh doanh đến từ Việt Nam và được truyền cảm hứng từ văn hóa Việt.
Do vậy, vấn đề có tính hệ thống mà hầu hết các Doanh nghiệp Việt đang gặp phải, đó không phải là thiếu ý tưởng mà là các ý tưởng kinh doanh được triển khai một cách yếu kém. Do vậy, mọi nỗ lực chỉ có thể đem lại biên lợi nhuận rất thấp và dẫn đến kết quả là sử dụng nguồn lực thiếu hiệu quả và chồng chéo.
Qua kinh nghiệm đồng hành với các Doanh nghiệp Việt, các thách thức mà Doanh nghiệp đang phải đối mặt, có thể được tổng hợp dưới bốn vấn đề sau:
Lập kế hoạch chiến lược.
Rất nhiều Doanh nghiệp Việt chỉ phản ứng một cách bị động và không bao giờ nghĩ đến việc phân tích năng lực nội tại và nghiên cứu môi trường kinh doanh một cách toàn diện để thiết lập lộ trình phát triển.
Khi thiếu đi kế hoạch chiến lược, họ sẽ không thể xây dựng lợi thế cạnh tranh dài hạn. Chính việc bỏ qua bước thiết lập kế hoạch chiến lược này, Doanh nghiệp đang tự đánh mất các cơ hội đi lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghiêm túc trong quản trị nhân tài.
Rất nhiều Doanh nghiệp chỉ nói suông mà không có kế hoạch rõ ràng để phát triển nhân tài đang có trong tổ chức, và không hề nghĩ tới việc lập kế hoạch để phát triển đội ngũ lãnh đạo kế cận. Điều này là rất rủi ro bởi vì khi các Doanh nghiệp nước ngoài đem các phương pháp tiếp cận quản trị nhân tài chuyên nghiệp và bài bản vào thị trường Việt Nam, họ sẽ dễ dàng lôi kéo các tài năng của Doanh nghiệp Việt.
Tính kỷ luật toàn diện trong khâu triển khai.
Rất nhiều Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng đảm bảo sự nhất quán trong chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cũng như chất lượng truyền thông thương hiệu. Chính sự thiếu để mắt đến chi tiết dù là nhỏ nhất và thiếu tính cam kết liên tục đổi mới đang làm lung lay vị trí của các Doanh nghiệp trong nước.
Nếu Việt Nam có thêm nhiều Doanh nghiệp giống như Quán Ăn Ngon với phương pháp tiếp cận luôn chú ý đến mọi chi tiết nhỏ nhất và tuân thủ tính kỷ luật cao trong khâu triển khai, sẽ hiểu được tại sao thế giới lại nói ngành ẩm thực của Việt Nam là một kho báu khổng lồ chưa được khai thác.
Niềm tin vào thương hiệu Việt.
Cuối cùng cần phải nói đến là điều khiến Việt Nam đặc biệt so với các sản phẩm thương hiệu Việt phải khác biệt so với nước ngoài, tức phải mang văn hóa Việt. Chúng tôi thực sự sốc khi phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục các khách hàng Doanh nghiệp Việt Nam sử dụng tên thương hiệu thuần Việt.
Rất nhiều trong số họ cảm thấy không thoải mái và chỉ chuộng sử dụng tên tiếng Anh hay các tên âm hưởng châu Âu hơn làm tên cho thương hiệu sản phẩm và dịch vụ hay thương hiệu cho công ty.
Với kinh nghiệm toàn cầu của chúng tôi, đây là điều mà Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải hối tiếc trong tương lai vì họ đã bỏ lỡ cơ hội sở hữu các tên thương hiệu thuần Việt khi vươn tới thành công trên phạm vi toàn cầu, bởi vì trên thực tế, các công ty nước ngoài đã và đang tiến hành mua lại các tên thương hiệu thuần Việt.
Không có gì có thể thay thế được một chiến lược thông minh và nỗ lực triển khai có kỷ luật. Thời điểm nền kinh tế Việt Nam mở cửa rộng hơn nên là dấu mốc cho sự khởi sắc của các thương hiệu toàn cầu đến từ Việt Nam và điều này hoàn toàn là do sự lựa chọn của chính Doanh nghiệp Việt. Đã đến lúc doanh nhân Việt phải nghĩ khác!
LAWRENCE CHONG và PHẠM THỊ THU HẰNG – Công ty Consulus
Xem thêm:
- Cơ hội cho doanh nghiệp chưa bao giờ lớn như hiện nay
- Cách doanh nghiệp Việt thu hút nhân tài
- 5 khởi nghiệp Việt đáng quan tâm trong năm 2016
- Nên chọn loại hình doanh nghiệp nào khi khởi nghiệp?
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra