6 lưu ý khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa
Một số điểm doanh nghiệp cần lưu ý trong Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực 1/1/2017 khi ký hợp đồng mua bán hàng hóa, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu…
Về cơ bản, pháp luật dân sự tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, nhưng trong trường hợp không có thỏa thuận, các bên phải tuân theo những quy định của pháp luật. Dưới đây là một số điểm mới doanh nghiệp cần lưu ý trong Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 (BLDS 2015):
1. Đảm bảo chất lượng hàng hoá
Với những giao dịch đưa ra nhiều điều kiện về chất lượng hàng hóa, theo đánh giá của PLF, các thỏa thuận này đa phần chưa đúng với quy định của pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro tranh chấp. Nguyên nhân do các bên chưa đối chiếu với các quy định pháp luật chuyên ngành đối với từng sản phẩm cụ thể.
Ngoài ra, trong mục tiêu chuẩn chất lượng, doanh nghiệp nên tạo phụ lục riêng, trong đó nêu rõ từng đặc điểm hàng hóa về tên, số hiệu, cấu tạo, thành phần, định lượng, ngày sản xuất, nơi sản xuất…
2. Hủy bỏ hợp đồng do vi phạm giao hàng
Trong trường hợp giao hàng nhiều lần, bên bán lưu ý nếu vi phạm giao hàng ở một lần nhất định, thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến lần vi phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Khi giao hàng dư số lượng, bên bán có thể gặp rủi ro bên mua không nhận phần dôi ra, và mất chi phí đưa hàng về. Nếu bên mua nhận hàng thì bên bán sẽ được thanh toán phần dôi ra theo giá hợp đồng.
Khi giao thiếu số lượng, bên bán phải giao tiếp phần còn thiếu theo thời hạn do bên mua yêu cầu. Mặt khác, bên bán phải chịu rủi ro hơn khi bên mua hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Khi giao hàng không đồng bộ, bên bán phải thay thế số hàng hóa không đồng bộ cho bên mua. Trường hợp bên bán đã nhận tiền hàng, bên bán phải trả lãi đối với số tiền đã nhận trong thời gian giao hàng thay thế, và bồi thường nếu bên mua yêu cầu.
Bên cạnh đó, nếu giao hàng không đúng chủng loại, bên bán chịu rủi ro bên mua có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường. Trường hợp hàng hóa gồm nhiều chủng loại, bên bán không giao đúng thỏa thuận một hoặc một số loại, thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến loại hàng hóa đó.
3. Tranh chấp về thanh toán do không quy định rõ
Bên bán thường chỉ quy định đơn giản là đưa ra giá, phương thức thanh toán là chuyển khoản hay tiền mặt. Để tránh tranh chấp không đáng có, bên bán nên quy định cụ thể nội dung này trong hợp đồng mua bán như:
– Giá của từng loại hàng hóa, giá có bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu hay các loại phí, lệ phí khác hay không…;
– Phương thức thanh toán: đồng tiền thanh toán, số tài khoản giao dịch, phí ngân hàng chuyển khoản do bên nào chịu, lãi suất trả chậm…
Trường hợp không có thỏa thuận về giá và phương thức thanh toán, BLDS 2015 quy định:
– Biến động về giá sẽ theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán
– Phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng (thời điểm giao hàng, thời điểm bên mua xuất trình đầy đủ bộ chứng từ hàng hóa…)
4. Chi phí vận chuyển và chi phí liên quan
Các bên nên nêu rõ thời điểm chuyển giao chi phí giữa các bên trong quá trình giao hàng như: khi giao hàng cho công ty vận chuyển đầu tiên, hoặc khi hàng hóa được giao cho bên mua….
Trường hợp không quy định, các bên phải chịu rủi ro về việc xác định theo chi phí đã được công bố của cơ quan nhà nước, hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề, hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng.
5. Chuộc lại hàng đã bán
Bên bán có thể thoả thuận trong hợp đồng nếu có nhu cầu chuộc lại hàng đã bán về thời hạn chuộc, giá chuộc lại, phương thức chuộc lại… Trong hợp đồng mà nội dung chưa rõ ràng, BLDS 2015 quy định:
– Thời hạn chuộc lại không quá 1 năm đối với động sản và 5 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm giao tài sản;
– Trong thời hạn chuộc lại, bên bán được chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua; bên mua không được bán cho chủ thể khác và phải chịu rủi ro đối với hàng hóa;
– Giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại.
6. Hướng dẫn sử dụng hàng hóa
BLDS 2015 bổ sung thêm cụm từ “trong một thời gian hợp lý”, nhằm xác định khoảng thời gian bên bán phải thực hiện trách nhiệm này. Bên bán chịu rủi ro nếu không thực hiện thì bên mua có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. BDLS 2015 sẽ thay thế BLSD 2005 từ ngày 1/1/2017.
Công ty Luật PLF | Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Xem thêm: Kinh doanh ăn uống như nào cho đúng luật?
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra