Hiếm có nhà khởi nghiệp nào thành công một cách lạ lùng – không giống ai như cách mà Steve Jobs đã làm. Trang Inc. Southeast Asia nhận định, Steve Jobs đã đi ngược lại rất nhiều các quy tắc bất thành văn trong khởi nghiệp.
- Triết lý kinh doanh của Tim Cook khác Steve Jobs ra sao?
- 7 câu nói có thể thay đổi sự nghiệp của bạn của Steve Jobs
Theo nhiều bài báo và cả quyển hồi ký của ông được viết bởi Walter Isaacson, Steve Jobs thường xuyên làm ngơ trước những phản hồi của khách hàng, chửi mắng sỉ vả nhân viên, và không gìn giữ nhiều mối quan hệ kinh doanh quan trọng. Thế nhưng, cách làm việc kỳ lạ của ông vẫn đưa ông và Apple lên đến đỉnh cao của thành công.
Kiêu ngạo với khách hàng
Steve Jobs từng tuyên bố: “Thiết kế sản phẩm bằng cách nghiên cứu khách hàng thì vô cùng khó. Rất nhiều trường hợp, con người ta không biết họ muốn cái gì cho đến khi bạn mang điều đó đến cho họ xem”. Cách tiếp cận này đã tạo ra những dòng sản phẩm đột phá chưa ai từng nghĩ đến, như iPhone, Mac, iPod, …
Thế nhưng, đại đa số những nhà khởi nghiệp không thể sống sót với chiến lược này. Họ không thể trụ nổi trước chi phí marketing trên trời, rủi ro cao, và quãng thời gian quá dài mà thị trường cần để thích nghi với những thay đổi đột phá.
Cạnh tranh gay gắt
Cạnh tranh nhau cũng tốt cho sự phát triển. Tuy nhiên, khá ngớ ngẩn nến bạn đi đối đầu như kẻ thù với những đối tác tiềm năng trong cùng ngành. “Cuộc chiến” giữa Steve Jobs và người giàu nhất nước Mỹ Bill Gates được sếp vào hàng “huyền thoại” tại Thung lũng Silicon.
Mối quan hệ đồng nghiệp giữa Steve Jobs và cựu Giám đốc điều hành John Scully của Apple cũng khiến nhiều người bất ngờ. Đa số những nhà khởi nghiệp thành công nuôi dưỡng các mối quan hệ, chứ không hủy hoại chúng.
Sự sợ hãi của nhân viên
Steve Jobs cứng rắn một cách khó tin với ê kíp làm việc của ông, trong đó có Steve Wozniak – Kỹ sư máy tính và lập trình viên người Mỹ, đồng thời là người đồng sáng lập Apple. Nhà lãnh đạo của gã khổng lồ Apple có tính khí rất bất thường, dễ nổi nóng. Điều này khiến nhân viên của ông luôn căng thẳng thường trực và thường không dám nói thật với ông. Trong khi đó, đa phần những nhà khởi nghiệp thành công quản lý bằng sự tôn trọng và hài hòa trong ê kíp, chứ không bằng nỗi sợ hãi.
Tạo áp lực kinh khủng
Sáng tạo đột phá và tạo ra những thay đổi to lớn trên thị trường không có nghĩa rằng bạn phải đặt ra những yêu cầu “không tưởng” đối với ê kíp của bạn. Thế nhưng, Steve Jobs lại là nhà quản lý nổi tiếng với chính sách gây áp lực tâm lý kinh khủng lên nhân viên, bắt họ làm những điều mà người thường xem là viễn vông. Chính sách mạo hiểm của Jobs đã mang lại những sản phẩm “ngoài hành tinh” cho Apple. Tuy nhiên, đa số những ê kíp làm việc bình thường sẽ chịu đựng không nổi và thất bại.
Không cần kiến thức chuyên môn
Thường thì những nhà khởi nghiệp sẽ là những người có hiểu biết và tài năng trong mảng kinh doanh mà họ dấn thân. Theo Steve Wozniak và nhiều người khác, Steve Jobs không có chút kiến thức gì về công nghệ và cũng chẳng phải là kỹ sư máy tính. Thế nhưng, ông đã thúc đẩy những kỹ sư đại tài của Apple biến tầm nhìn của ông về “những sản phẩm tốt đến không tưởng” trở thành hiện thực.
Cầu toàn đến khó tin
Đa số những nhà khởi nghiệp sẽ bước những bước đầu thận trọng, không đòi hỏi sự hoàn hảo không tì vết. Thế nhưng, Steve Jobs luôn mong muốn ê kíp của ông tìm thấy những giải pháp hoàn hảo và những lần ra mắt hoàn hảo cho sản phẩm của mình. Dù sự “đỉnh cao” chính là chìa khóa then chốt cho thành công của Apple và Steve Jobs, tính cầu toàn này thường kiến ông bị trễ ngày ra mắt sản phẩm, tăng giá thành so với ước tính.
Thất bại quá nhiều
Đa số những nhà khởi nghiệp sẽ cố nghĩ rằng những thất bại là những bài học quý giá, là bằng chứng của sự gan dạ, và là lời nhắc nhở để họ không tái phạm sai lầm. Tuy nhiên, phạm quá nhiều sai lầm sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên, đối tác và nhà đầu tư chất lượng. Theo trang PCMag, Steve Jobs cùng Apple đã có đến 7 sản phẩm thất bại. Tuy nhiên, những thất bại đó không khiến các nhà đầu tư, đối tác và nhân viên giỏi rời xa ông.
Có thể thấy, mỗi một nhà khởi nghiệp thành công đều có sự độc đáo của riêng họ và không có công thức chung thần kỳ nào để dẫn đến thành công.
THIÊN KIM | Theo Thanh Niên