Hiện cả nước có hơn 600.000 doanh nghiệp (DN), khoảng 3.000 được xếp vào danh mục DN khởi nghiệp sáng tạo.
Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chính phủ đặt kỳ vọng đạt mục tiêu 1 triệu DN đến năm 2020, trong đó 0,5% là DN khởi nghiệp sáng tạo.
Những người trẻ đang trở thành đội ngũ đông đảo nhất, tiên phong trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo. Họ được xem là lực lượng đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn đang có sự nhầm lẫn giữa “startup”, “entrepreneur” và “open a business”, chính vì vậy từ “khởi nghiệp” ở Việt Nam nhiều khi bị lạm dụng hoặc đánh đồng với từ “startup”, trong khi nếu chỉ mở công ty kinh doanh thì có nghĩa là “entrepreneur”.
Thế nên về mặt chính sách mới có thuật ngữ “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” để chỉ “startup” và để phân biệt với khởi sự kinh doanh hay thành lập một DN thông thường như mở quán phở hay cửa hàng quần áo. Sự phân biệt này không có nghĩa chỉ hỗ trợ “startup” mà nhằm phân biệt với các hình thức khởi nghiệp khác, vì tinh thần kinh thương ở bất kỳ lĩnh vực nào, khía cạnh nào cũng cần được cổ vũ.
Xác định “startup” là gì là việc quan trọng để có sự hỗ trợ đúng và sát với mô hình và nhu cầu. Đặc biệt, nếu truyền thông về “startup” không đúng sẽ làm cho nhiều người hiểu nhầm, có thể tác dụng ngược đối với việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Theo các nghiên cứu về “startup” trên thế giới, mẫu số chung cho các “startup” không nằm ở lĩnh vực kinh doanh hay tiền vốn họ cần để cạnh tranh mà là ở khả năng “tăng trưởng nhanh” về khách hàng hoặc doanh thu. Thế nhưng, “nhanh” như thế nào mới được gọi là “startup”?
Ai có thể đánh giá được khả năng “tăng trưởng nhanh” khi “startup” còn chưa có lợi nhuận và thậm chí mới ở giai đoạn ý tưởng? Và liệu có nhất thiết phải tách thành hai khái niệm “khởi nghiệp” và “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” khi khởi sự kinh doanh nào cũng cần được khuyến khích và hỗ trợ?
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017, Việt Nam đã tăng từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế có đánh giá (tăng 12 bậc) – là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được tính đến nay. Về chỉ số đo lường chất lượng, chỉ số ISO 9001 năm 2017 của Việt Nam là 7,5 (tăng 1,4% so với năm 2016), chỉ số ISO 14001 là 2,2 (tăng 37,5% so với năm 2016).
Các chỉ số này đang tiếp tục tăng nhờ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng những năm qua đã đẩy mạnh xã hội hóa chứng nhận hệ thống quản lý theo ISO 9001 và ISO 14001; đẩy mạnh chương trình quốc gia về năng suất, chất lượng và các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tư vấn, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý vào tổ chức, DN trong nước.
Mặc dù đã có các chính sách ở tầm vĩ mô nhưng để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải dễ. Khó nhất là việc đưa ý tưởng vào thực tiễn trong khi đa số người trẻ chưa được trải nghiệm để hiểu được cơ chế tổ chức của nhóm làm việc, mô hình một công ty hay ngành công nghiệp.
Một cuộc thi khởi nghiệp ở Đà Nẵng có gần 91% ý tưởng chạy trên nền tảng mobile và web, trong đó mobile app chiếm đa số nhưng phần trình bày ý tưởng về nguồn thu cho dự án rất mơ hồ, thiếu số liệu khảo sát cụ thể. Ngoài ra, các ý tưởng thường đi theo một mô hình trung gian dịch vụ như Uber, Grab… và chưa hàm chứa nhiều chất xám.
Chúng ta nói nhiều về cụm từ “startup” nhưng chỉ với nghĩa “khởi nghiệp” chứ chưa nhấn mạnh đến nội dung “đổi mới sáng tạo”. Việc lập DN và duy trì, phát triển đã khó khăn, người trẻ muốn khởi nghiệp còn khó khăn hơn bội lần. Mọi chiến lược thành công đều liên quan đến việc tạo sự khác biệt, ngay cả chiến lược dẫn đầu về chi phí thấp.
Ngay cả với những mô hình hay sản phẩm truyền thống, các nhà chiến lược kinh doanh cũng tìm cách phát hiện và khai thác các cơ hội để làm chúng trở nên khác biệt. Hoặc giá cả và các đặc điểm của một sản phẩm có thể là như nhau, nhưng họ vẫn tìm không gian tạo nên sự khác biệt trên cơ sở dịch vụ. Vậy nên điều quan trọng đầu tiên là sự trau chuốt cần thiết cho một ý tưởng đổi mới sáng tạo và kế hoạch kinh doanh rõ ràng. Cần một mentor (người hướng dẫn) để được hỗ trợ tốt nhất có thể.
Ý tưởng khác biệt là bước đầu nhưng lại là điều kiện tiên quyết để quyết định sự thành bại của một dự án khởi nghiệp ngay từ bước đi đầu tiên. Hãy khởi nghiệp vì bản thân cảm thấy có đủ kinh nghiệm để nhận ra ý tưởng khởi nghiệp từ những vấn đề mà người khác không giải quyết được. Đừng khởi nghiệp vì bản thân không thích đi làm thuê!
Theo DNSG Online.