Hiện nay, tội phạm thẻ ngân hàng đang có những diễn biến hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi…
Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, với đặc điểm là lĩnh vực tập trung nhiều tài sản của Nhà nước, của nhân dân nên ngân hàng luôn là mục tiêu tấn công của nhiều loại tội phạm. Thực tế, trong những năm, ngành ngân hàng và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực nhằm phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan điều tra thì bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn tới tình trạng nhiều vụ việc nghiêm trọng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời gây tổn thất lớn cho ngân hàng và tác động xấu tới xã hội.Đáng chú ý, qua các vụ án điển hình như: Nguyễn Anh Tuấn làm giả thẻ ATM để trộm cắp tài sản tại Hà Nội, TP.HCM; lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi nhánh Đắk Lắk – Đắk Nông… Cơ quan điều tra nhận định: tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng vốn đã hết sức phức tạp và đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố trong nước và quốc tế với nhiều phương thức, thủ đoạn mới cần phải được cảnh báo.
Theo đó, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ đối tượng thông qua việc kết bạn với một số hacker và sử dụng một số diễn đàn liên quan đến thẻ tín dụng trên Internet, sau đó chúng sử dụng các phần mềm tìm kiếm thông tin, lấy cắp mật khẩu tài khoản thẻ tín dụng rồi “phù phép” chuyển số tiền trong các tài khoản đến các tài khoản theo ý muốn của chúng.
Đặc biệt, theo cơ quan điều tra, tội phạm sản xuất, sử dụng thẻ ATM giả cũng đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Thực tế điều tra các vụ việc này cho thấy, hoạt động của loại tội phạm này thường được tổ chức hết sức chặt chẽ, với sự tham gia của nhiều đối tượng. Các đối tượng này thường sử dụng các loại virus tấn công cơ sở dữ liệu của các web bán hàng trực tuyến để lấy danh sách, địa chỉ thư điện tử của khách hàng, làm thư điện tử giả cho của các web này gửi đến các mail đã có nhằm lấy thông tin về thẻ tín dụng của chủ thẻ. Sau đó, chúng dùng máy đọc thẻ và in thẻ từ để làm thẻ tín dụng giả, rút tiền qua hệ thống máy ATM của ngân hàng.
Để nắm được mật khẩu của khách hàng, có đối tượng còn thành lập doanh nghiệp rồi sử dụng tư cách pháp nhân làm đại lý thẻ ATM cho ngân hàng. Khi khách hàng đến làm thẻ tại đại lý, chúng đều lập thành 2 bộ hồ sơ, bộ thật do chúng giữ, bảo ảo hoặc có giá trị thấp hơn mệnh giá ban đầu được giao cho khách hàng. Sau khi nắm được mật khẩu của khách hàng, chúng sử dụng mật khẩu này cùng với thẻ giả để chuyển tiền của khách hàng vào tài khoản của chúng. Điển hình có thể kể đến vụ Nguyễn Lê Việt và Nguyễn Thuý Mai ở Hà Nội. Bằng thủ đoạn làm đại lý thẻ ATM cho ngân hàng ECOMBANK và ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), 2 đối tượng này đã chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của 57 khách hàng.
Một điểm đáng chú ý, trong một số vụ án, đối tượng trong nước đã ra nước ngoài để thực hiện các thủ đoạn chiếm đoạt tiền của ngân hàng Việt Nam. Điển hình như vụ Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Lượng. 3 đối tượng sau khi làm giảm thẻ ATM ở Việt Nam đã sang Thái Lan, tại đây, chúng dùng kỹ xảo ghi chồng lên thẻ của các Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Kỹ thương… khoảng 30 lần, rút trót lọt 14.000 USD.
Ngoài ra, thời gian gần đây, ở nước ta cũng đã xuất hiện nhiều đối tượng là người nước ngoài sử dụng thủ đoạn trên để thực hiện hành vi phạm tội. Ví như vụ Murugian người Malaysia chẳng hạn, chỉ sau 3 ngày nhập cảnh vào Việt Nam, đối tượng này đã sử dụng tới 18 thẻ ATM rút 41 triệu đồng của ACB. Hay như vụ Kevin Ruggio (quốc tịch Mỹ) – một tội phạm công nghệ cao, làm thẻ tín dụng giả để tiền từ các nhà băng cũng vậy. kevin đã cùng với David Trần, người Mỹ, gốc Việt vào TP.HCM dùng thẻ tín dụng giả rút 187.000 USD từ hệ thống ngân hàng rồi trở về Mỹ. Kevin bị bắt sau khi trở lại Việt Nam với ý định tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.
Còn theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (C50), để có thể lấy được các thông tin từ chủ thẻ, các đối tượng thường sử dụng các phương thức như: Cài đặt phần mềm gián điệp để lấy thông tin của cá nhân và thông tin thẻ của khách hàng cũng như thông tin thẻ ngân hàng khi người sử dụng thanh toán qua mạng; lấy thông tin thẻ ngân hàng tại các cửa hàng, khách sạn… những thẻ này khi thanh toán sẽ được quét vào máy Skimming (máy cà thẻ), máy sẽ tự động lưu mọi thông tin vào bộ nhớ; tấn công cơ sở dữ liệu của các web thương mại điện tử, thanh toán điện tử…
Và đặc biệt, để lấy thông tin từ máy ATM, loại tội phạm này sẽ cài thiết bị ghi thông tin thẻ và số PIN của chủ thẻ bằng cách dán mặt máy ATM giả lên máy ATM thật. Trước khi vào ATM thật, thẻ phải đi qua thiết bị này và mọi thông tin trên thẻ đều được ghi lại. Thẻ đoạn lấy số PIN là dung sử dụng bàn phím giả gắn lên bàn phím thật, mọi thao tác của chủ thẻ đều được lưu lại trong bộ nhớ hoặc gắn một camera ngay trên bàn phím. Sau khi có được những thông tin trên, các đối tượng này sẽ làm các thẻ giả và thực hiện các giao dịch mua bán, rút tiền… và thậm chí là rửa tiền.
Theo Vietnamnet