Công nghệ thông tin (CNTT) là lĩnh vực đầy tiềm năng và cũng là môi trường lý tưởng để các bạn trẻ có được cơ hội khởi nghiệp (startup). Để nuôi dưỡng và thổi bùng “ngọn lửa” khởi nghiệp ngày càng lan tỏa, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực viễn thông, CNTT như: VNPT, FPT,… đã dành khá nhiều sự quan tâm, đầu tư cả về vốn, kỹ thuật cũng như môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, góp phần tạo nên “cú huých” vô cùng quan trọng đối với cộng đồng khởi nghiệp.
- VNPT “hứa” đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng startup viễn thông, CNTT
- Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam: Từ FPT đến Flappy Bird
Khởi nghiệp không đơn giản
Chưa bao giờ cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam được chú ý nhiều như thời gian vừa qua. Thay vì phải tự “mò mẫm” tìm đường như những thời gian trước, sự quan tâm và hành động từ Chính phủ, chính quyền các địa phương dành cho khởi nghiệp được đánh giá là những động thái tích cực hỗ trợ cho cộng đồng non trẻ này có điều kiện phát triển.
Có thể thấy rõ, “sân chơi” và những giải thưởng cho cộng đồng khởi nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều đã tạo điều kiện cho các mô hình khởi nghiệp được giới thiệu rộng rãi hơn đến công chúng, giúp họ có được cơ hội cọ xát và thu hút nguồn đầu tư. Bên cạnh đó, sự quan tâm của giới truyền thông thật sự đã tạo ra hiệu ứng không nhỏ và mang đến những cái nhìn tích cực cũng như sự hiểu biết nhiều hơn về khởi nghiệp. Thêm vào đó, các thông tin hoạt động của các quỹ đầu tư và thành công từ các mô hình khởi nghiệp như: Tiki, Lozi, Cốc Cốc,… cũng tạo được niềm tin, sự lạc quan và truyền cảm hứng cho nhiều nhà khởi nghiệp trẻ tuổi.
Tuy nhiên, khởi nghiệp không hề đơn giản. Nhiều người nghĩ rằng, khởi nghiệp có thể bắt đầu ngay bằng việc sở hữu một ý tưởng, nhưng thực tế chỉ như vậy là không đủ. Để khởi nghiệp, họ phải hội tụ đủ một loạt những yếu tố cần thiết, bao gồm: công nghệ, đội ngũ, kế hoạch, nguồn vốn, và cả những kiến thức về doanh nghiệp cũng như pháp luật. Cụ thể, nếu ý tưởng được phát triển một cách bản năng, ngẫu hứng mà không có kế hoạch cụ thể theo lộ trình thì chắc chắn dự án sẽ thất bại hoặc không đạt được sự thành công như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, khởi nghiệp không phải lúc nào cũng đi theo đúng lộ trình như kỳ vọng, đòi hỏi người làm khởi nghiệp luôn phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nguồn lực để đối phó các tình huống xảy ra, tránh tình trạng “chết yểu” trước ngưỡng cửa thành công. Thêm nữa, thường là các bạn trẻ không dành nhiều thời gian để hiểu rõ về các vấn đề luật pháp, cho nên đôi khi đã hoàn thiện sản phẩm lại không thể “bung” ra thị trường chỉ vì vướng hành lang pháp lý.
Chính vì thế, những kiến thức luật pháp cũng là đòi hỏi bắt buộc mà người khởi nghiệp cần sở hữu. Trước những thách thức đó, sự đồng hành của các doanh nghiệp “đầu đàn” trong lĩnh vực viễn thông, CNTT sẽ là động lực to lớn hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp có điều kiện bứt phá. Với tiềm lực mạnh mẽ sẵn có, các doanh nghiệp này có thể dành sự quan tâm, đầu tư về vốn, hỗ trợ về công nghệ và quan trọng nhất là tạo ra môi trường thuận lợi, nơi cộng đồng khởi nghiệp có điều kiện cọ xát và hiện thực hóa các ý tưởng.
Hỗ trợ từ doanh nghiệp lớn
Thực tế, không ít “ông lớn” trong lĩnh vực viễn thông, CNTT của Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT,… đã triển khai nhiều kế hoạch hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) Đỗ Vũ Anh chia sẻ: Với vai trò là doanh nghiệp nòng cốt của quốc gia về viễn thông, CNTT, VNPT sẵn sàng tạo ra môi trường thuận lợi, để giới trẻ khởi nghiệp phát huy tài năng. Trong kế hoạch phát triển đến năm 2020, VNPT dự kiến mở rộng mảng CNTT và hiện đang chiêu mộ rất nhiều sinh viên trong lĩnh vực này để thực hiện các dự án Chính phủ điện tử hay phát triển hệ thống CNTT hỗ trợ y tế, giáo dục…
Dự tính, thời gian tới, tập đoàn sẽ cần khoảng từ 4.000 đến 5.000 kỹ sư về lập trình, mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Bên cạnh đó, những môi trường ảo như mô hình hợp tác với kho ứng dụng của iOS Apple, Android cũng là nơi để giới trẻ có thể hợp tác từ xa trên cơ sở hai bên cùng có lợi. “Các bạn trẻ hãy “kích hoạt” những ý tưởng đang có để biến thành sản phẩm hữu ích. VNPT sẽ chọn và đầu tư cho các dự án khởi nghiệp phù hợp với lĩnh vực Tập đoàn đang hoạt động, góp phần mang những sản phẩm có giá trị cuộc sống đi vào thực tiễn”, ông Đỗ Vũ Anh nhấn mạnh.
Giám đốc Công ty Phát triển Dịch vụ truyền thông VNPT (thuộc Tổng Công ty Truyền thông VNPT-Media) Đinh Minh Sơn cho biết: VNPT có hạ tầng và môi trường để các nhà khởi nghiệp có thể ứng dụng, thử nghiệm phát triển ý tưởng. VNPT Media là đơn vị chuyên thực hiện các dịch vụ về truyền thông, truyền hình, giá trị gia tăng, phần mềm…, sẵn sàng có đội ngũ hỗ trợ, góp ý, giúp các nhà khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm và đưa vào ứng dụng trong mạng lưới của VNPT, tạo ra giá trị phục vụ cộng đồng.
Nhận định những vấn đề quan trọng nhất đối với khởi nghiệp không chỉ về vốn mà còn là quá trình quản trị doanh nghiệp, sự hiểu biết về thị trường, việc xác lập mô hình quản trị kinh doanh hay khách hàng mục tiêu,… đại diện VNPT cũng khẳng định: Tập đoàn VNPT sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà khởi nghiệp về kinh nghiệm điều hành, tổ chức kinh doanh cũng như hoạt động truyền thông cho sản phẩm ở giai đoạn đầu kinh doanh. Mặt khác, đối với những sản phẩm thật sự phù hợp định hướng phát triển của VNPT, tập đoàn sẽ xem xét vấn đề đầu tư trực tiếp quá trình phát triển sản phẩm.
THÁI LINH | Theo Nhân Dân