Phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 27/10, thảo luận về các vấn đề kinh tế – xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Lan thuộc đoàn đại biểu Hà Nội, đề nghị Chính phủ nên xác định chương trình khởi nghiệp quốc gia không phải là một phong trào.
- Hơn một nửa giới trẻ Việt muốn khởi nghiệp hơn là đi làm
- Hành trình khởi nghiệp và những cạm bẫy vô hình
Bà Lan cho rằng nhiệm vụ của Nhà nước là đưa khởi nghiệp có chiều sâu, thường xuyên, liên tục và bền vững.
‘Lựa chọn cho những ai muốn tự do trong công việc’
“Chủ trương khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là rất đúng, phù hợp xu thế phát triển thời đại và nhu cầu của đất nước. Hơn thế, khởi nghiệp còn tạo ra động lực mới cho sự phát triển đất nước nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay”, bà Lan khẳng định.
Đại biểu thuộc đoàn Hà Nội dẫn chứng mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp Israel, sự trỗi dậy về công nghiệp và dịch vụ tại Phần Lan, sự ra đời và phát triển của các tên tuổi như Facebook, Uber, Alibaba… thời gian qua, được xem là lựa chọn tốt nhất cho những ai muốn thay đổi hoàn cảnh và tự do trong công việc.
Bà Lan cho rằng giá trị của việc khởi nghiệp phải đúng tinh thần mà Thủ tướng đề ra, tức một dự án kinh doanh không thể chỉ là thành công về mặt tài chính mà còn phải mang lại giá trị xã hội, mang lại sự khác biệt và được mọi người nhìn nhận.
Tuy nhiên, bà thẳng thắn cho rằng khó khăn của khởi nghiệp hiện nay không phải là thiếu về vốn, tài chính mà là thiếu kiến thức và năng lực.
“Kiến thức và năng lực là nền móng khiến nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn cho khởi nghiệp từ đó khiến hoạt động này đi vào chiều sâu, lâu dài và liên tục”, bà Lan phát biểu.
Vì vậy, bà cho rằng khởi nghiệp phải dựa vào 3 trụ cột chính là hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực khởi nghiệp, tạo dựng môi trường khởi nghiệp và cuối cùng là hỗ trợ về vốn, pháp lý cho các startup.
Nên chú trọng vào khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp
Theo đại biểu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp nên trong chương trình khởi nghiệp quốc gia nên lấy nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, theo bà, hiện việc tham gia khởi nghiệp nông nghiệp của các startup còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là thiếu nguồn nhân lực trẻ, trình độ, môi trường và những rủi ro lớn về mặt tự nhiên, thị trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng lực lượng trẻ nòng cốt của việc khởi nghiệp nông nghiệp hiện nay chính là hàng nghìn sinh viên thuộc khối các trường nông lâm ngư nghiệp trên cả nước tốt nghiệp hàng năm.
Bà kiến nghị các trường này cần xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp bài bản, hệ thống nhằm từng bước đưa tư tưởng khởi nghiệp thấm vào suy nghĩ của sinh viên. Việc làm này nhằm truyền cảm hứng, thôi thúc đam mê sáng tạo, khát vọng làm giàu của các bạn trẻ cho quê hương.
“Đồng thời, các trường cần trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ để ngay khi ra trường, sinh viên sẵn sàng biến chúng thành hành động khởi nghiệp, tự tạo ra công ăn việc làm, làm chủ sản xuất, dám chấp nhận thất bại và rủi ro đưa nông nghiệp Việt lên trường quốc tế”, đại biểu Lan nói.
Bà Lan đề nghị Chính phủ cần xác định khởi nghiệp quốc gia không phải là phong trào mà nhiệm vụ của nhà nước là đưa khởi nghiệp có chiều sâu, thường xuyên, liên tục và bền vững.
“Ngoài ra, Chính phủ phải xây dựng những chương trình cụ thể để đưa việc nâng cao năng lực, kiến thức đến các trường thuộc khối nông lâm ngư nghiệp. Nhờ thế các trường đại học mới có thể trở thành trung tâm của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.
Phúc Minh | Theo Zing News
Bài khác nên xem: