Hành trang khởi nghiệp: Sẵn sàng đối mặt và đương đầu
Khi khởi nghiệp kinh doanh, bạn cần phải hiểu rõ những thứ mà bản thân phải đối mặt và sẵn sàng để đương đầu. Hiện nay nhiều bạn trẻ đang vung tiền vì mơ mộng một thành công dễ dàng trước trào lưu khởi nghiệp đang “nở rộ” khắp nơi và nhìn thấy những tấm gương thành công được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đấy là một chuyện nhưng mọi người không biết một khi đã dấn thân thì phải biết có rất nhiều khó khăn vất vả và phải biết chấp nhận, chứ không phải một ngày đẹp trời tự nghĩ ra ý tưởng điên rồ rồi đòi thành triệu phú.
Có nhiều người chia sẻ là có ý tưởng rất hay. Nhưng ở thung lũng Silicon (Mỹ) thì ý tưởng là thứ rẻ mạt nhất. Ý tưởng mà không biến được thành sản phẩm hay dịch vụ thì không có giá trị gì cả. Cần lưu ý, phải khảo sát thị trường, tìm hiểu sản phẩm mình sắp tạo ra, thực hiện để khởi nghiệp ấy là để giải quyết, đáp ứng nhu cầu của nhiều người, của cả cộng đồng, hay chỉ là đáp ứng nhu cầu của chỉ bản thân? Nếu chỉ có mỗi bản thân cần sản phẩm ấy thì… đừng khởi nghiệp.
Khi có ý tưởng phải tập trung làm việc thông minh và chăm chỉ để nhanh chóng đưa được sản phẩm tới tay người dùng, nhận phản hồi và hoàn thiện cứ thế cho tới khi đưa ra được những gì người dùng muốn. Đó là cách nhanh nhất để biết rằng có ai cần sản phẩm của mình hay không và mình có cơ hội hay không.
Chứ nhiều bạn tự nghĩ ra một ý tưởng và ngay lập tức dành rất nhiều thời gian xây dựng và trau chuốt nó mà không hề tìm cách thử nó với người dùng. Cuối cùng sẽ làm ra một sản phẩm cho chính họ và chỉ có họ cần nó, điều này đảm bảo là họ sẽ thất bại.
Đa số công ty khởi nghiệp thất bại hoặc “chết yểu” vì đưa ra dịch vụ mà không ai cần cả.
Và nếu muốn khởi nghiệp phải có những kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Chứ chỉ có ý tưởng chung chung mà không có những kế hoạch chi tiết thì dễ rước thất bại, không những bản thân “toi” mà có thể còn lôi kéo những người làm chung “toi” theo.
Tiến sĩ khoa học máy tính Trần Việt Hùng
(Trường ĐH Iowa (Mỹ), người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty giáo dục GotIt!
Xem thêm: Khởi nghiệp phải biết chấp nhận thất bại để thành công
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra