Nhà sáng lập kiêm CEO của Startup Canada cho rằng, sự thành công và tính bền vững của một hệ sinh thái khởi nghiệp phụ thuộc vào sự dẫn dắt của các nhà khởi nghiệp.
- Khởi nghiệp Kinh doanh: Động cơ, phương pháp và hệ sinh thái / Bức tranh chung về hệ sinh thái khởi nghiệp rút gọn
Là một nhà khởi nghiệp, Victoria Lennox luôn không ngừng tìm cách mang lại thay đổi tác động tích cực đến cộng đồng khởi nghiệp. Thôi thúc đó đã giúp cô sáng lập Startup Canada – một doanh nghiệp xã hội kết nối các nhà khởi nghiệp ở khắp Canada.
Hiện tại, tổ chức này đã cố vấn cho hơn 20.000 người Canada và đại diện cho hơn 80.000 doanh nghiệp, 400 đối tác hỗ trợ doanh nghiệp, 300 tình nguyện viên và 20 cộng đồng Startup ở khắp các vùng miền của Canada, từ các đô thị trung tâm cho đến những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất.
Trong buổi nói chuyện với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tại SIHUB, TP.HCM, Victoria đã chia sẻ những kinh nghiệm về xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Nhà sáng lập kiêm CEO của Startup Canada cho rằng, sự thành công và tính bền vững của một hệ sinh thái khởi nghiệp phụ thuộc vào sự dẫn dắt của các nhà khởi nghiệp.
Nhà khởi nghiệp phải dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp
“Để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, phải để cho nhà khởi nghiệp dẫn dắt. Tôi chưa từng thấy một hệ sinh thái khởi nghiệp nào trên thế giới hoạt động hiệu quả trong thời gian dài mà không được chính các nhà khởi nghiệp dẫn dắt”, Victoria khẳng định.
Bởi vì một hệ sinh thái khởi nghiệp được gọi là hoạt động hiệu quả khi các nhà khởi nghiệp thành công và sản phẩm của hệ sinh thái cũng chính là thành công của các nhà khởi nghiệp. Chính phủ và các tổ chức tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng người dẫn dắt phải là các nhà khởi nghiệp, Victoria nhấn mạnh.
Hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững cần tầm nhìn lâu dài
Để có một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, cần phải có một tầm nhìn lâu dài. Lâu dài ở đây không có nghĩa là 5 năm, mà phải dài đến tận 25 năm bởi vì hầu hết các startup đều thất bại rất nhiều lần, và may mắn thì có vài startup thành công. Biết được tầm nhìn cho cộng đồng khởi nghiệp mới có thể kiên trì theo đuổi các mục tiêu.
Làm thế nào để biết được tầm nhìn dài hạn là gì? Victoria ví von đó là một giấc mơ, phải mơ rồi hãy cố gắng để biến giấc mơ thành hiện thực: “Quá trình này sẽ rất thăng trầm, chúng ta sẽ thử nghiệm, rồi thất bại, có khi vấp ngã và trải qua những giai đoạn rất kinh khủng. Nhưng qua suốt quá trình dài 25 năm đó, chúng ta có thể đạt được mục tiêu của mình”.
Kết nối cộng đồng doanh nghiệp
Victoria cho biết, một trong những mô hình hoạt động hầu như bất kỳ cộng đồng khởi nghiệp nào cũng có thể áp dụng là hình thức Hợp tác cộng đồng doanh nghiệp (Community Enterprise Partnership).
Theo đó, cứ mỗi hai tháng, các tổ chức trong cộng đồng khởi nghiệp (ví dụ như cộng đồng khởi nghiệp của thành phố Toronto), sẽ cùng ngồi lại với nhau và nói về những gì đang diễn ra ở tổ chức của mình, và nói về những startup đang hiện có ở địa phương và bàn cách hỗ trợ.
Các nhà đầu tư, các quỹ tăng tốc khởi nghiệm, vườn ươm cũng sẽ có mặt để cùng nghĩ cách làm thế nào để giúp cho các startup phát triển. Ở startup Canada, mô hình này đang dần trở thành một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Startup phải biết lên tiếng và hành động khi cần hỗ trợ
Theo nhà sáng lập Startup Canada, luôn luôn có một hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho startup. Nếu như chưa tìm thấy một hệ sinh thái phục vụ cho nhu cầu của mình, các nhà khởi nghiệp có hai lựa chọn.
Thứ nhất là lên tiếng. Mở lời với những vườn ươm, quỹ tăng tốc khởi nghiệp, những tổ chức phục vụ hỗ trợ khởi nghiệp khi cảm thấy nhu cầu của mình chưa được đáp ứng.
Thứ hai là giúp giải quyết vấn đề này bằng cách hành động.
“Ví dụ, nếu nhận thấy cộng đồng khởi nghiệp chưa có nhiều nhà khởi nghiệp là nữ, bạn có thể thành lập một nhóm những nhà khởi nghiệp nữ. Đồng thời phải tìm kiếm những cơ hội ở các hệ sinh thái toàn cầu. Bởi vì cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu cạnh tranh với nhau ngay từ những ngày đầu tiên, luôn có cơ hội cho bạn tiếp cận các nguồn lực và tài nguyên ở các hệ sinh thái của các quốc gia khởi nghiệp.
Đối với một nhà khởi nghiệp, họ sẽ tìm đến những nơi đáp ứng nhu cầu của mình. Điều này sẽ thúc đẩy các hệ sinh thái địa phương làm nhiều hơn nữa, cố gắng gấp nhiều lần để phục vụ cộng đồng khởi nghiệp tốt hơn. Đây là một cuộc đua toàn cầu, ở đâu cũng muốn thu hút được những startup có tiềm năng lớn”, Victoria giải thích.
Rất nhiều startup của Canada tìm đến những hệ sinh thái khởi nghiệp nước ngoài, phát triển và sau đó quay trở về nước, hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở địa phương. Đó là cách startup giúp nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp ở địa phương mình.
Liệu startup có tiếp cận được nhà đầu tư và khách hàng tại các sự kiện khởi nghiệp?
Một trong số những điều theo Victoria cảm thấy ít được nói đến ở các sự kiện về khởi nghiệp đó là liệu các nhà khởi nghiệp có được gặp gỡ, kết nối với các nhà đầu tư (cụ thể là vốn đầu tư) và khách hàng tiềm năng của hay không?
“Nếu không có vốn hoặc khách hàng tại các sự kiện startup, các nhà khởi nghiệp sẽ tự hỏi họ đang làm gì ở đây. Một cách giúp cho các nhà khởi nghiệp cải thiện chính là được tiếp xúc thường xuyên với nguồn vốn đầu tư và khách hàng tiềm năng. Tôi không nói nhất thiết họ sẽ được hỗ trợ vốn, nhưng ít ra họ được gặp những người có thể đầu tư cho họ và những khách hàng thực sự”, Victoria chia sẻ.
Những nhà đầu tư, các tập đoàn lớn nên được mời đến dự nhiều sự kiện khởi nghiệp hơn để hiểu được những gì đang diễn ra trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Điều này giúp ích cho hệ sinh thái, cho nhà khởi nghiệp và cả các tập đoàn lớn.
Không có gì là quá nhiều trong hệ sinh thái khởi nghiệp
Với xu hướng thành lập không gian chia sẻ dành cho startup (co-working space) ngày càng nở rộ, các sự kiện startup diễn ra nhiều và liên tục đến mức có thể khiến các nhà khởi nghiệp thấy choáng ngộp.
Tuy nhiên, nhà khởi nghiệp Canada cho rằng: “Đối với cộng đồng khởi nghiệp thì không có gì là quá nhiều mà chỉ có quá nhiều sự phân tán. Không có chuyện có quá nhiều không gian làm việc chung nhưng liệu những nơi này có làm việc với nhau?”.
Đây là thách thức lớn của những người dẫn dắt, họ phải tìm cách để đưa các không gian làm việc chia sẻ trở thành một mắt xích tham gia vào một hệ sinh thái khởi nghiệp đang ngày một không ngừng thay đổi và không ngừng lớn mạnh.
“Không gian làm việc chung là cần thiết nhưng không hiệu quả khi hoạt động riêng lẻ, chúng ta cần vườn ươm, quỹ tăng tốc khởi nghiệp, các chương trình cố vấn, huấn luyện. Chúng ta cần tất cả những thứ đó. Không có cái nào quan trọng hơn cái nào mà chỉ đơn giản là có sự khác biệt”, Victoria nói.
Quan trọng là những tổ chức này phải cùng ngồi lại với nhau, cùng làm việc với nhau thì mới có thể tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả.
Hoàng Nguyên | Theo Khám Phá