Học khởi nghiệp qua 8 bước đơn giản
Nếu khởi nghiệp là sự lựa chọn của bạn thì “máu khởi nghiệp” hẳn đã sẵn trong bạn. Bạn hãy tiếp tục chinh phục các thứ thách và tạo ra nhiều giá trị tiến bộ cho xã hội.
Bước thứ nhất, quyết định có nên khởi nghiệp hay không.
Nếu bạn chỉ muốn kiếm tiền nhanh và muốn một chức danh thật kêu để “ra oai”, khởi nghiệp chưa chắc đã là quyết định đúng đắn để đạt được những mục tiêu. Nếu bạn muốn nhìn thấy ý tưởng của mình phát huy tác dụng, muốn tạo dựng một “trò chơi” với những nguyên tắc riêng của bạn, và muốn lợi ích kinh tế từ từ đến, bạn có thể chuẩn bị kĩ lưỡng cho mình để bắt đầu khởi nghiệp.
Bước thứ hai, lên kế họach chi tiết nhưng ngắn gọn (vì kế họach dài dòng thực chất chỉ là những dự tính dài dòng trên lý thuyết của bạn) và đưa bản kế họach ra thực hiện.
Quá trình thực hiện lần đầu này được gọi là phép thử. Bạn lưu ý nên thử nhỏ đối với thị trường thực tế. Những người quan tâm tới sản phẩm/ dịch vụ của bạn có thể tạo nên đối tượng khách hàng thích hợp trên thực tế của bạn. Bạn không nên hỏang sợ nếu những gì diễn ra trên thực tế khác với dự tính ban đầu của bạn.
Bước thứ ba, sau khi ý tưởng của bạn được thử nghiệm và thể hiện có “tiềm năng” nhất định, bạn có thể tìm kiếm người đồng sáng lập.
Bạn có thể là nhà sáng lập duy nhất nhưng nếu tìm được người gánh vác trọng trách này cùng bạn thì sẽ tốt hơn. Bởi vì quá trình khởi nghiệp là quá trình gian nan, thử thách về mọi mặt: tài chính, ý tưởng, điều hành, sức khỏe, tinh thần, … bạn sẽ cảm thấy đỡ “kiệt sức” khi có người đồng sáng lập bọc lót.
Bạn nên lưu ý tới các tiêu chí để chọn người đồng sáng lập, ít nhất họ cũng phải có tầm nhìn chung, có các nguyên tắc về giá trị, đạo đức và tầm hiểu biết tương tự như bạn.
Bước thứ tư, bạn cần có tiền để đầu tư vào “đứa con cưng” khởi nghiệp.
Mỗi người có một lựa chọn khác nhau về việc “rót vốn”. Bạn có thể tự đầu tư bằng 100% tiền của mình hoặc gọi thêm vốn bên ngoài từ các nhà đầu tư hoặc các tổ chức đầu tư khác. Hình thức nào cũng có điểm mạnh và điểm hạn chế. Dưới tư cách thủ lĩnh dẫn dắt con tàu khởi nghiệp, người quyết định chính vẫn là bạn, và bạn phải chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.
Bước thứ năm, bạn cùng các sáng lập viên sẽ “khai trương” (launching) sản phẩm/ dịch vụ – thông báo rộng rãi với mọi người rằng bạn đang “có” một sản phẩm/ dịch vụ thú vị, hữu dụng.
Bạn không cần phải tiến hành bước khai trương này quá mức hòanh tráng, hầm hố. Đây thực chất chỉ là một bước bình thường trong tiến trình khởi nghiệp. Bạn thậm chí sẽ còn phải chỉnh sửa, cải tạo, nâng cao sản phẩm/ dịch vụ của mình ngay sau khi “khai trương” cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Bước thứ sáu, bạn cùng với ”team” của mình tiếp tục phát triển sản phẩm, song song với việc điều hành, thực hiện các hoạt động bán hàng, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, thu thập thông tin, dự liệu và giữ chân người đăng ký. Ba yếu tố quan trọng bạn và “team” của mình luôn phải thu thập đó là tiền bán hàng ($), thông tin dữ liệu về khách hàng (data) và các tài khoản người sử dụng trực tuyến (users).
Nếu mọi chuyện diễn ra tương đối tích cực, bước thứ bảy, bạn cùng các sáng lập viên có thể đăng kí thực thế kinh doanh (dễ hiểu là đăng ký công ty) và đăng ký thương hiệu để có được sở hữu trí tuệ.
Việc đăng kí công ty có thể rất nhanh, trong vòng 3-7 ngày làm việc nhưng việc đăng kí thương hiệu có thể từ 10 tới 15 tháng (cho tới khi bạn nắm giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ torng tay).
Bước thứ tám, tiếp tục tiến lên. Nếu khởi nghiệp là sự lựa chọn của bạn thì “máu khởi nghiệp” hẳn đã sẵn trong bạn. Bạn hãy tiếp tục chinh phục các thứ thách và tạo ra nhiều giá trị tiến bộ cho xã hội. Cuộc sống của con người sẽ được nâng cao hơn một phần nhờ vào sự sáng tạo và đóng góp của những nhà khởi nghiệp như bạn. Cuối cùng, bạn sẽ nhận thấy khởi nghiệp là một quá trình tôi luyện bản thân hiệu quả với nhiều phần thưởng xứng đáng nhưng đầy bất ngờ.
AlexTu / Theo Trí Thức Trẻ/Cafebiz
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra