Kinh doanh trực tuyến (thương mại điện tử) đang dần trở thành trào lưu khi không chỉ các doanh nhân, công ty, tập đoàn tham gia mà ngay cả dân văn phòng, học sinh, sinh viên hoặc bất cứ ai hễ có đam mê là có thể bắt đầu kinh doanh với số vốn nhỏ. Tuy nhiên, KDTT thế nào để tránh thất bại vẫn là câu hỏi lớn.
Trước khi quyết định khởi nghiệp bằng KDTT, lựa chọn kinh doanh mặt hàng gì là một trong những trăn trở, đồng thời cũng có thể là một yếu tố quyết định sự thành, bại, bởi sai một ly rất dễ đi một dặm.
Thời trang “dễ ăn”
Theo thống kê của Bizweb, đơn vị đã và đang cung cấp giải pháp thiết kế website bán hàng trực tuyến cho hơn 10.000 “shop ảo”, thực hiện trong tháng 9/2015, thời trang – phụ kiện là nhóm mặt hàng được kinh doanh nhiều nhất, chiếm tới hơn 10% trong tổng số 10.000 website các mặt hàng.
Nằm trong Top 5 mặt hàng kinh doanh có nhiều shop tham gia nhất, kế sau thời trang lần lượt là nhóm mỹ phẩm – nước hoa – trang sức và nhóm dịch vụ – du lịch – khách sạn (mỗi nhóm chiếm 6%), nhóm thực phẩm và nhóm nội thất gia đình – văn phòng (mỗi nhóm chiếm 5%).
Theo ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty CP Công nghệ DKT, sở dĩ nhóm ngành hàng thời trang – phụ kiện được lựa chọn kinh doanh nhiều nhất vì thời trang còn được coi là mặt hàng dễ bán, dễ thu lợi nhuận khi nguồn hàng dồi dào, đa dạng kiểu dáng, mẫu mã và quan trọng là nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, để kinh doanh thời trang trực tuyến, người bán hàng chỉ cần số vốn nhỏ, thậm chí có thể nhận bán theo đơn đặt hàng mà không cần vốn.
“KDTT ra đời khiến việc khởi nghiệp và tiếp cận khách hàng cũng như quảng cáo, rao bán trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để có thể tồn tại và phát triển lâu dài, lựa chọn lĩnh vực kinh doanh và hướng đi như thế nào là yếu tố không thể coi nhẹ”, ông Tuyến tư vấn.
Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Tuân, chủ shop captuida.vn, đã lựa chọn bán hàng trực tuyến để khởi nghiệp khi chỉ có trong tay 2,1 triệu đồng cùng khoản nợ 150 triệu đồng. Sau một thời gian bán đủ loại đồ thời trang – phụ kiện trên Bizweb, nhận thấy cặp, túi da bán chạy hơn cả, anh Tuân quyết định chỉ chuyên bán mặt hàng này.
Khác với anh Tuân chọn lĩnh vực kinh doanh xuất phát từ phần lớn nhu cầu của người tiêu dùng, chủ shop giày Mr. Bear lại lựa chọn kinh doanh giày chỉ đơn giản vì “thích mang giày đẹp và muốn người khác cũng mang giày đẹp”. Ông chủ trẻ này cho biết: “Mở shop giày trực tuyến ít tốn kém tiền đầu tư, đồng thời đây cũng là thế mạnh của tôi nên sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc với khách hàng tiềm năng hơn”.
Mở lối đi riêng
Nếu như kinh doanh truyền thống, một cửa hàng chỉ phải cạnh tranh với những cửa hàng có mặt ở trên cùng khu phố, thì với KDTT, khoảng cách địa lý không là vấn đề, một shop sẽ phải cạnh tranh với hàng ngàn, hàng vạn shop khác bởi khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà nhấp chuột là có thể dạo qua bất cứ shop nào.
Với những ngành hàng đông người bán, mức độ cạnh tranh còn cao hơn. Đó chính là lý do nhiều người tham gia thương mại điện tử chọn những ngách hẹp. Anh Phạm Văn Lợi, chủ cửa hàng Standardfood.vn, chia sẻ, ngành thực phẩm sạch ngày càng cạnh tranh mạnh hơn, ai cũng có thể mở shop thực phẩm sạch, kể cả dân văn phòng cũng lấn sân sang lĩnh vực này để kiếm thêm thu nhập.
Tuy nhiên, sau thời gian khảo sát thị trường kỹ lưỡng, anh Lợi thấy các cửa hàng thực phẩm sạch mọc lên không ít nhưng ở một số khu dân cư tiềm năng, người dân vẫn phải đi rất xa mới có thể lựa chọn thực phẩm ưng ý, đồng thời nhiều cửa hàng thực phẩm sạch vẫn chưa đáp ứng đúng tiêu chí về chất lượng.
Anh thấy mình vẫn còn nhiều cơ hội nếu như bán hàng chất lượng. Bên cạnh đó, anh cũng hiểu rõ một shop thực phẩm uy tín sẽ cạnh tranh thông qua “bộ mặt” website bán hàng, vì thế, cần cân nhắc lựa chọn đơn vị thiết kế web uy tín và đủ tố chất để “chọn mặt gửi vàng”.
Tuy nhiên, ngay cả đối với những ngành dịch vụ mới được biết đến cũng đã có sự cạnh tranh rõ nét. Lựa chọn kinh doanh dịch vụ “teambuilding” (xây dựng đội ngũ) cách đây 6 năm với thương hiệu Vietteam (vietteam.vn), thời điểm khái niệm “teambuilding” còn khá mới lạ ở Việt Nam, anh Ngô Quốc Tài cho biết ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ này và chạy đua về giá cả khiến sự cạnh tranh tăng nhanh.
Nhận thấy cần phải tạo cho mình một hướng đi riêng biệt, nổi trội, Vietteam đã hướng hoạt động “teambuilding” kết hợp với rèn luyện thể chất, huấn luyện thể thao và tập trung vào các giải pháp dành cho vấn đề nội bộ của doanh nghiệp.
Anh Tài cho rằng cạnh tranh là điều tất yếu và mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, tuy nhiên, đối với những người mới khởi nghiệp, đi sau nhưng lại theo hướng cạnh tranh về giá cả mà coi nhẹ chất lượng, thiếu chuyên nghiệp thì rất dễ làm khách hàng hiểu sai về bản chất của “teambuilding”.
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn