Mở lối cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam
Làn sóng khởi nghiệp hiện đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp hiện nay lại ít quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vốn được xem như lối mở cho sự thành công bền vững của mình.
- Luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các khởi nghiệp / 3 lưu ý khi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tài sản
Xung quanh vấn đề này, Báo Hànội mới đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học – công nghệ (KH-CN), Bộ KH-CN.
– Thưa ông, hiện nay vấn đề về SHTT đối với các DN luôn là bài toán khó, đặc biệt là các DN khởi nghiệp. Ông có thể cho biết những khó khăn lớn nhất mà DN đang gặp phải là gì?
– Đúng là DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp ở Việt Nam thường gặp nhiều rủi ro khi phải đối diện với các vấn đề về tranh chấp pháp lý các thương hiệu, bản quyền công nghệ, cũng như tranh chấp của các cá nhân đồng sáng lập ở trong DN. Vì vậy, khi hình thành đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Bộ KH-CN rất quan tâm đến việc tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ cho DN khởi nghiệp. Một trong những vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện khung pháp lý và hình thành được các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp nhằm giúp cho các DN phát triển được năng lực kinh doanh và năng lực quản trị tài sản, trí tuệ của mình.
– Theo ông môi trường thuận lợi cho DN khởi nghiệp còn cần có yếu tố nào?
– Rõ ràng khi bắt đầu khởi nghiệp DN gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt khi thiếu nền tảng về mặt pháp lý cũng như các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, DN rất khó để rút ngắn được quá trình hình thành các sản phẩm mới và phát triển được mô hình kinh doanh của mình ra thị trường. Do vậy, bên cạnh các vấn đề pháp lý và vai trò của Nhà nước, chúng tôi cho rằng việc hình thành cộng đồng khởi nghiệp hoạt động theo một chuẩn mực, quy củ, theo các quy định quốc tế cũng quan trọng không kém.
Thực tiễn cho thấy, khi nào chúng ta hình thành được cộng đồng khởi nghiệp và cộng đồng đó cùng chung tay hỗ trợ cho các thành viên khác thì lúc đó chúng ta mới tạo được nền tảng bền vững cho khởi nghiệp. Có rất nhiều hoạt động Nhà nước không thể làm thay DN hay làm thay cộng đồng khởi nghiệp. Muốn hoạt động hiệu quả, DN phải kết nối với nhau trên cơ sở có các chế tài và quy định, để họ tự hỗ trợ lẫn nhau cũng như vận động cộng đồng một cách hiệu quả. Thời gian qua, Bộ KH-CN đang thúc đẩy kết nối thông qua cổng thông tin về khởi nghiệp quốc gia cũng như cơ sở dữ liệu về tư vấn chuyên nghiệp trong nước và quốc tế, từ đó cung cấp các dịch vụ tư vấn cũng như cung cấp nền tảng khởi nghiệp một cách thuận lợi nhất cho DN.
– Trong bối cảnh hiện nay, làm thế nào để các DN khởi nghiệp có thể được nâng đỡ ý tưởng, đồng thời sớm xác lập được quyền SHTT để sản phẩm của họ bắt đầu có chỗ đứng, thưa ông?
– Về nguyên tắc, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, việc đầu tiên DN phải làm là tiến hành các thủ tục về xác lập quyền sở hữu tác giả, quyền SHTT. Khi sản phẩm được luật pháp bảo hộ thì sẽ tránh được các phiền lụy về tranh chấp nhãn hiệu, thương hiệu và quyền tác giả. Hiện nay, đơn vị thuộc Bộ KH-CN thực hiện nhiệm vụ này là Cục SHTT và cùng với rất nhiều đơn vị xác lập quyền về SHTT sẽ trợ giúp cho quá trình xây dựng các hồ sơ xác lập, cũng như chứng nhận quyền bảo hộ cho các sản phẩm sáng tạo của DN. Đây là thủ tục không thể thiếu để bảo đảm cho DN kinh doanh bền vững và tránh được các tranh chấp trong khuôn khổ pháp lý cũng như bảo đảm cho tài sản trí tuệ được quản trị và phát triển bền vững về sau này.
– Như ông đã nói, việc hình thành một tổ chức chuyên về SHTT cho cộng đồng khởi nghiệp là rất quan trọng. Ông có thể cho biết rõ hơn đơn vị này sẽ giúp cộng đồng khởi nghiệp như thế nào?
– Hiệp hội SHTT ở Việt Nam hiện đã được thành lập với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà chuyên môn làm về lĩnh vực SHTT. Tuy nhiên, điều chúng ta đang muốn nói ở đây là Hiệp hội Các DN sáng tạo kết nối những người hoạt động DN trong lĩnh vực sáng tạo, đồng hành cùng với các chương trình, các chính sách của Nhà nước nhằm tạo được môi trường lành mạnh nhất, thuận lợi nhất cho DN khởi nghiệp. Bộ KH-CN cũng sẽ có kế hoạch để hình thành cộng đồng DN khởi nghiệp một cách bền vững cũng như là tạo môi trường pháp lý, môi trường hoạt động thuận lợi cho DN.
Bên cạnh sự hỗ trợ của cộng đồng, bản thân mỗi DN cần nhận thức được rằng, các tranh chấp về SHTT, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay đang không ngừng gia tăng, không chỉ trong giới khởi nghiệp mà còn xảy ra với các DN lâu năm. Cùng với việc xác định phương hướng chiến lược, mở rộng quy mô kinh doanh, DN cần phải bảo đảm các tài sản trí tuệ được bảo vệ xuyên suốt sự phát triển của mình.
– Xin cảm ơn ông!
Ánh Tuyết thực hiện | Theo Hà Nội Mới
Xem thêm: Những mô hình kinh doanh vừa khởi nghiệp vừa giúp cộng đồng
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra