Năm 2020, khởi nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ
Năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, đây là nhận định từ Văn phòng Đề án 844 (Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025”).
Ông Phạm Dũng Nam, Chánh Văn phòng Đề án 844 cho rằng, ngày 5/9/2019, Thông tư số 45/2019/TT-BTC quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực sẽ là căn cứ tài chính để triển khai Đề án tại địa phương.
Bên cạnh đó, isev.vn – Hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu khởi nghiệp sáng tạo quốc gia chính thức đi vào hoạt động với các Sở Khoa học và Công nghệ tại các địa phương và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn quốc sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Năm 2019, quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam diễn ra khá sôi động, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định đổi mới công nghệ ở Việt Nam cơ bản tập trung vào học hỏi và bắt kịp trình độ công nghệ của các nước đi trước thông qua xây dựng năng lực tiếp thu, làm chủ và cải tiến công nghệ với sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước và sự tham gia của doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Vì vậy, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực xây dựng, trình Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật cũng như các chương trình hành động khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực tăng cường các hoạt động khoa học và công nghệ để tạo nền tảng vững chắc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung thúc đẩy năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp.
Bộ tập trung hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, nghiên cứu đổi mới công nghệ trong các Chương trình khoa học và công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia…
Thực hiện Đề án 844, đến năm 2019 đã có 52 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 với 61 nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước, tác động quan trọng trong việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đúng như mục tiêu đề án đề ra.
Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam cũng liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2018 tăng 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, nền kinh tế. Năm 2019, Việt Nam tăng 3 hạng, xếp vị trí 42/129 quốc gia, nền kinh tế được xếp hạng, trong đó hai chỉ số liên quan đến khoa học công nghệ tăng mạnh.
Theo đó, Việt Nam đã đạt kết quả trong việc tiếp cận kiến thức khoa học, công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả.
Một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao, hấp thụ và phát triển công nghệ, góp phần tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Đề án 844, năm 2019 đã có 140 sự kiện khởi nghiệp được tổ chức, tập trung vào tính liên kết hệ sinh thái cũng như kết nối quốc tế để phát triển thị trường, huy động nguồn lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest Vietnam 2019 được tổ chức trong nước và kết nối với thế giới, mở đầu tại các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu như Hoa Kỳ (tháng 9), Singapore và Hàn Quốc (tháng 11).
Chuỗi sự kiện Techfest nhằm tạo sân chơi để startup kêu gọi nguồn vốn đầu tư quốc tế, giúp Việt Nam giới thiệu và quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cũng như thu hút lực lượng chuyên gia chất lượng cao về nước nhằm thúc đẩy kết nối nguồn lực nội tại và nguồn lực quốc tế của hệ sinh thái.
Tại Techfest Hoa Kỳ đánh dấu thành công hoạt động kết nối quốc tế với nhiều đại diện quan trọng gồm Ai20x (Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp tại Hoa Kỳ) và Pegasus Tech Venture (đơn vị tổ chức Startup World Cup) thông qua các thỏa thuận hợp tác chính thức về việc kết nối chuyên gia và nhà đầu tư từ quốc tế, cung cấp không gian làm việc và mang đến cơ hội tham gia vào các chương trình ươm tạo dành cho startup Việt, cũng như được hưởng mức giá ưu đãi khi sử dụng các dịch vụ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, đoàn Techfest Hoa Kỳ cũng làm việc với nhiều đối tác trong lĩnh vực tài chính, thúc đẩy kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái như Stripe Inc, Tim Draper, Republic, 500 Startups, Founder Institute… hứa hẹn mang lại nhiều kết quả cho khởi nghiệp Việt giai đoạn tới.
Techfest tại Singapore đã diễn ra Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ với Trường tổng hợp Temasek nhằm thúc đẩy hợp tác của hai bên trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.
Techfest tại Seoul, Hàn Quốc là một dấu ấn kết nối quốc tế quan trọng trong khuôn khổ Đề án 844, giúp các startup Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc.
Đến nay, các sự kiện đã lựa chọn trình diễn và giới thiệu 3.058 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của các viện, trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức khoa học và công nghệ các tỉnh/thành phố, gần 150 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ đã ký kết với giá trị hơn 2.250 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tiếp tục phát triển, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, xác định nguồn cung công nghệ nước ngoài và tổ chức kết nối cung – cầu công nghệ từ các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Séc, Mỹ…/.
TTXVN | Theo Bnews.vn
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra