Có những người ủ rũ và bỏ cuộc sau khi phạm phải sai lầm. Có những người vui mừng như “bắt được vàng” sau khi nhận ra sai lầm của mình. Đó là sự khác nhau giữa nhà khởi nghiệp thành công và thất bại.
Sự trưởng thành của một nhà khởi nghiệp được tạo nên từ chính những sai lẫm, vừa đau đớn vừa hữu ích. Khi bạn bắt đầu nhận ra được các sai lầm của mình, con đường khởi nghiệp mới thật sự phát triển một cách tự nhiên và tăng sự bền bỉ.
Trì hoãn đam mê
Randy Komisar, nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ, đã cảnh báo những người muốn khởi nghiệp đừng trì hoãn kế hoạch cuộc đời mình, gác lại đam mê để cắm đầu làm việc mình không thích, mong chờ một ngày mơ hồ mình được “trả quả ngọt”.
Làm việc siêng năng là một đức tính tốt. Nhưng làm việc không nghỉ ngơi vì một điều mà mình không yêu thích sẽ là một sự phung phí thời gian cuộc đời. Đừng bao giờ bước chân vào khởi nghiệp để kiếm tiền trong một lĩnh vực mà bạn không có một tí đam mê nào.
Thay đổi định hướng quá nhanh
Nếu mỗi lần gặp khó khăn bạn lại thay đổi định hướng của start-up, bạn sẽ không chỉ làm bản thân bị rối rắm, mà còn khiến nhóm của bạn hoang mang. Hãy xây dựng sản phẩm của bạn và thử nghiệm với thị trường trong ít nhất là một năm rưỡi rồi hãy quyết định nên thay đổi định hướng của start-up hay không. Khi các nhóm khách hàng nhìn thấy bạn đã tồn tại trong một thời gian lâu, bạn sẽ bắt đầu giành được niềm tin nơi họ. May mắn rằng những nhà khởi nghiệp vẫn có thể kịp “quay đầu” sau lần đầu hấp tấp thay đổi.
Ngại trao đổi những chuyện “nhạy cảm”
Đừng quên công việc nhàm chán nhưng vô cùng quan trọng: Sổ sách kế toán. Ảnh: Reuters
Có một sai lầm mà những ai khởi nghiệp lần đầu dễ mắc phải, họ luôn né tránh những cuộc đối thoại về những vấn đề khó nói: Thái độ làm việc nhóm, sự công bằng giữa các đối tác về công sức và tiền vốn bỏ ra, những mối quan hệ riêng ảnh hưởng đến công việc, …
Bạn sẽ giữ im lặng và chịu đựng. Để rồi khi không thể nhịn được nữa, bạn mất kiểm soát và trút cơn nóng giận. Im lặng không có nghĩa là tử tế. Phát điên, la hét không có nghĩa là dám nói chính kiến. Hãy nhanh chóng tìm cách cân bằng sau những sai lầm đầu tiên để đảm bảo startup của bạn hoạt động trơn tru.
“Cầm đèn chạy trước ô tô”
Đừng bao giờ tự tin thái quá trước các con số người khác ước đoán về start-up của mình, như công ty trị giá bao nhiêu, khả năng số lượng người dùng sẽ tăng ra sao… Những con số đó có thể thay đổi nhanh chóng trong một ngày. Và nếu bạn đưa ra quyết định kinh doanh chỉ dựa trên các con số đó, bạn đang “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Sau khi nhận ra đó chỉ là những con số ảo, hãy dốc sức lực xây dựng bộ máy hoạt động hiệu quả cho star-up, năng lực thu hút khách hàng của sản phẩm, thiết kế và chi phí của start-up … Đó mới là những điều thật sự bền vững cho sự thành công.
Đừng bỏ bê những việc nhàm chán
Bạn là một nhà khởi nghiệp, làm việc với niềm đam mê và sự năng động. Những công việc nhàm chán như kế toán dễ bị bạn bỏ bê. Điều này không sớm thì muộn sẽ khiến bạn chịu thiệt. Một ngày nọ bạn nhận ra chuyên viên kế toán của bạn phạm sai lầm suốt một thời gian mà bạn không hề biết, vì bạn không để ý đến sổ sách. Khách hàng của bạn mất niềm tin, vì việc gửi hóa đơn lúc nào cũng trễ nãi. Đến lúc bạn thống kê sổ sách, bạn nhận ra các báo cáo thuế chẳng đâu vào đâu … Hãy cầu mong bạn sớm nhận ra những sai lầm này. Nếu không bạn sẽ gặp rắc rối lớn đấy!
Thiên Kim | Theo Thanh Niên