Phong trào khởi nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ vẫn còn mơ hồ, chưa có lối ra vì mới chỉ dừng lại ở mức đưa ra vấn đề chứ chưa đưa ra được giải pháp.
- Doanh nghiệp Việt Nam lớn truyền lửa khởi nghiệp
- Việt Nam thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong doanh nghiệp
Cuối tuần qua, Triển lãm và Hội nghị khởi nghiệp HATCH! Fair 2016 diễn ra tại TPHCM thu hút 128 doanh nghiệp khởi nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau, 100 nhà đầu tư, 70 diễn giả là những chuyên gia khởi nghiệp, công nghệ đến từ 20 nước.
Ba lần trước, HATCH! Fair được tổ chức tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên tổ chức tại TPHCM, “số lượng các startup tham gia triển lãm nhiều gấp ba lần so với năm ngoái”, theo thông báo của ông Phạm Quốc Đạt, Tổng giám đốc HATCH! Ventures, đơn vị tổ chức HATCH! Fair.
Phải nói là HATCH! Fair được chuẩn bị rất bài bản, từ hình thức tới nội dung. Hàng chục bài nói chuyện và bàn tròn thảo luận trong kín hai ngày tại ba sân khấu với đa dạng chủ đề, từ cách dựng startup, cách tìm người hợp tác hiệu quả, cách tìm nhà đầu tư đến các vấn đề phụ nữ với startup, trách nhiệm xã hội của startup, cả những vấn đề chuyên sâu liên quan đến ngân hàng, giáo dục, sức khỏe, trí tuệ nhân tạo… Trong khuôn khổ triển lãm có cả các cuộc thi startup, những cuộc gặp gỡ riêng giữa các nhà đầu tư với startup.
Thế nhưng những hàng ghế phía dưới các sân khấu không lấp đầy được một nửa. Các vị lãnh đạo đến dự khai mạc rồi về. Các chuyên gia khởi nghiệp trong nước và giới truyền thông mất hút trong ngày thứ hai. Cuối cùng vẫn chỉ “còn ta với mình”, tức giữa những người khởi nghiệp với nhau. Do các bài nói chuyện từ các chuyên gia quá nặng và hơi xa so với nhu cầu kiến thức trước mắt của những người muốn khởi nghiệp? Hay do việc bán vé dự triển lãm khiến số lượng người đến tham dự bị hạn chế? (Giá vé cho sinh viên ở mức 375.000 đồng; vé thường có giá 750.000 đồng, mua sớm thì được giảm một nửa. Tất nhiên còn có những loại vé khác cho các nhà đầu tư, các startup và các tổ chức tham gia trưng bày tại triển lãm).
Đưa ra nhận định, ông Phạm Quốc Đạt, người điều hành HATCH! từ năm 2012, cho rằng các thảo luận bàn tròn đều đề cập những vấn đề đang xảy ra, và việc bán vé không phải là nguyên nhân khiến số người tham dự chưa cao. “Ở các hội chợ khởi nghiệp lớn đều có bán vé, ở Singapore giá vé lên đến cả ngàn đô la Mỹ. Tôi cho rằng văn hóa nghe của người Việt mình có vấn đề”. Quả thật khi các chuyên gia, nhà đầu tư danh tiếng trên thế giới chịu bỏ thời gian và tiền bạc đến Việt Nam (dù Việt Nam chưa có thứ bậc nào trên bản đồ thế giới về startup) để nói chuyện mà chúng ta, vì lý do nào đó, không muốn nghe thì cũng thật đáng buồn.
Ví dụ như với sự xuất hiện của bà Deborah Magid, Giám đốc chiến lược phần mềm của IBM Venture Capital Group, với tư cách diễn giả. Bà Magid nói thẳng bà không đến để kiếm startup cho việc đầu tư, vì Việt Nam chưa có startup phù hợp. IBM Venture Capital Group là một dạng công ty đầu tư mạo hiểm hợp doanh (corporate VC) có vốn từ tập đoàn IBM, họ thường đầu tư vào các công ty cùng ngành hoặc có quyền lợi liên quan đến việc của họ, họ không đưa tiền cho các startup mà coi startup là đối tác làm việc. Sự xuất hiện của bà Magid là để nắm bắt phong trào, xu hướng của các startup cũng như kết nối với tài năng Việt Nam.
Văn hóa nghe chưa tới thì văn hóa học hỏi cũng chưa tới là hẳn rồi. Ông Merrick Furst, người sáng lập Georgia Tech’s Flash Point, một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ở Học viện Công nghệ bang Georgia (Mỹ), cho biết cứ 4.000 startup công nghệ trên thế giới thì mới có 1 startup thành công, tức tìm thấy được nhu cầu thật sự của người tiêu dùng. Vậy thì ở Việt Nam, tỷ lệ này sẽ là bao nhiêu?
Và cũng vì là nghe chưa tới nên các hội thảo, bàn tròn, đối thoại, các cuộc phát động phong trào ở Việt Nam, các chuyên gia trong nước, mới chỉ dừng lại ở mức đưa ra vấn đề (what’s wrong?) chứ chưa đưa ra được giải pháp (what should be done?), nên con đường khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam vẫn mơ hồ, chưa có lối ra – theo nhận xét của ông Phạm Quốc Đạt.
Chính Phong | Theo Thesaigontimes.com