Startup công nghệ và bức màn đằng sau cuộc đua đầu tư
Các gia đình giàu ở châu Á đang đầu tư ngày một nhiều hơn vào những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ với hy vọng giúp hiện đại hóa đế chế kinh doanh lâu đời của mình.
Một bản nghiên cứu gần đây của Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ) cho thấy 75% số công ty khởi nghiệp (startup) được quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ đã buộc phải đóng cửa. Các startup đang đối mặt với một trong những nhiệm vụ kinh doanh khó khăn nhất, đó là cố gắng đưa sản phẩm mới ra thị trường. Có lẽ đó là lý do thất bại dường như là một phần quan trọng trong hệ sinh thái startup.
Những người thừa kế trẻ
Bất chấp những sự rủi ro có liên quan, các gia đình giàu có tại châu Á, đang trỗi dậy trong danh sách người giàu nhất thế giới với tổng giá trị tài sản hơn 17.000 tỉ đô la (theo công ty tư vấn Capgemini), ngày càng thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực công nghệ của khu vực. Một phần tài sản nói trên được đầu tư vào các startup công nghệ ở khu vực và trên thế giới vì ngày càng có nhiều người thừa kế trẻ tuổi, rành về kỹ thuật số lên nắm quyền kiểm soát gia sản khổng lồ của nhà mình. Họ hy vọng rằng những khoản đầu tư mới này sẽ giúp mang lại lợi nhuận cao hơn trong tương lai và hiện đại hóa những đế chế kinh doanh lâu đời của mình.
Nhà đầu tư Ozi Amanat, hiện làm việc ở Singapore, đã thuyết phục một số gia đình giàu nhất châu Á rót vốn vào K2 Global, một quỹ đầu tư công nghệ mạo hiểm được ông thành lập vào năm 2015. Theo ông Amanat, công nghệ là tương lai và các gia đình giàu có đang nhận thức rõ thực tế không thể tránh khỏi này. “Việc thuyết phục các thế hệ trước đầu tư vào công nghệ luôn là chuyện khó khăn. Với giới trẻ, điều này dễ dàng hơn bởi họ biết rõ rằng không ngành nghề kinh doanh nào có thể tồn tại bây giờ mà không có các mối quan hệ với khách hàng thông qua Internet”, ông Amanat giải thích, đồng thời tin rằng những gia đình này đang tìm đến các công nghệ đột phá để giúp doanh nghiệp mình sinh tồn và phát triển trong những năm tới.
Lớn lên ở Mỹ, ông Amanat cho rằng các gia đình giàu có ở phương Tây chủ yếu dựa vào những mối quan hệ, sự kết nối và các chuyên gia trong các lĩnh vực nhất định để tìm những cơ hội mang tính đột phá. Trong khi đó, các nhà đầu tư châu Á có xu hướng phụ thuộc vào nhân viên của chính mình và thích nắm số cổ phần kiểm soát trong công ty được họ đầu tư. Cả hai cách tiếp cận này nhìn chung đều tốt cho hoạt động đầu tư. Riêng với đầu tư công nghệ, các danh gia vọng tộc châu Á đang nhận thức được giá trị của việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm (VC).
“Tôi thành lập K2 Global với tầm nhìn trở thành một công ty VC với tầm nhìn dài hạn. Sự ủng hộ gần đây của K2 đến từ chính phủ Singapore – với số tiền lên đến 75 triệu đô la, để đầu tư vào những công ty khởi nghiệp công nghệ giai đoạn đầu – là một mối quan hệ đối tác kéo dài tám năm. Vì vậy, chúng tôi đầu tư với ý định dài hạn và điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư châu Á”, ông Amanat cho biết. Bên cạnh những tên tuổi đã được K2 Global rót tiền ở phương Tây, như Uber Technologies, Spotify, Magic Leap, Airbnb, Twilio và Palantir, ông Amanat còn tỏ ra lạc quan về tiềm năng của startup công nghệ châu Á, thể hiện qua những khoản đầu tư dành cho một số công ty, như Paytm, Paktor… và sự quan tâm dành cho nhiều công ty khởi nghiệp mới nổi khác trong hệ sinh thái địa phương.
Hiểu công nghệ để tận dụng chúng
Tại Malaysia, cha của cô Jo Jo Kong đã trở thành một trong những người giàu nhất nước nhờ kinh doanh dịch vụ tang lễ từ thập niên 1980 và sau đó mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Giờ đây, người phụ nữ 26 tuổi này đang chuyển hướng sang đầu tư vào công nghệ. Vào tháng 8-2017, cô Kong đã trở thành đối tác của RHL Ventures, một công ty VC được sáng lập bởi con cái của nhiều gia đình giàu có khác tại Malaysia. RHL đang đầu tư đáng kể vào công nghệ, như hai ứng dụng Sidestep và GameOn (đều ở Mỹ).
“Chúng ta cần phải hiểu lĩnh vực công nghệ. Chúng ta cần phải biết cách tận dụng công nghệ một cách hữu hiệu để phục vụ những hoạt động kinh doanh khác, như bất động sản hoặc tang lễ”, cô Kong giải thích. Gia đình cô cũng bắt đầu sử dụng công nghệ trong nhiều hoạt động kinh doanh của mình, như sử dụng máy bay không người lái để khảo sát đồn điền cây cọ dầu thay cho máy bay trực thăng.
Không như cô Kong, nhà tài phiệt Satveer Singh Thakral cùng với cha của ông đích thân thành lập quỹ đầu tư Singapore Angel Network (SGAN) và thông qua quỹ này để đầu tư vào khoảng 100 startup công nghệ. Công ty của gia đình này bắt đầu hoạt động ở Thái Lan năm 1905 trước khi mở rộng thành tập đoàn đa ngành, tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, logistics và khách sạn. “Thế hệ đầu tiên thường bắt đầu rót tiền vào những gì được xem là tài sản an toàn, như trái phiếu, bất động sản, vàng… Những thế hệ sau này tìm kiếm lợi nhuận từ những lĩnh vực khác để bổ sung phần lợi nhuận từ tài sản an toàn”, ông Thakral lý giải về động thái đầu tư vào công nghệ của mình.
Còn tại Hồng Kông, ông Matthew Tai, 35 tuổi, đã chuyển một phần tài sản của gia đình – kiếm được trong lĩnh vực bất động sản – vào một loạt công ty khởi nghiệp công nghệ, như nền tảng gọi vốn cộng đồng FundHive, một nhà sản xuất màn hình LCD cực mỏng có tên Organo-Circuit và trang web tuyển dụng Freeboh… “Lĩnh vực kinh doanh truyền thống của gia đình tôi là phát triển đất đai. Nhưng đó là lịch sử. Thế giới mới là không gian mạng”, ông Tai nhận định. Khoảng 15% số vốn đầu tư trị giá 70 triệu đô la của Tai được rót vào lĩnh vực công nghệ, so với con số 0 tròn trĩnh cách đây hơn hai năm.
Biết đúng người
Đó là chưa kể một số tên tuổi lớn đã tham gia cuộc chơi, như quỹ đầu tư VisionFund của hãng công nghệ Nhật Bản SoftBank (vốn 93 tỉ đô la), các công ty Tencent Holdings, Alibaba (Trung Quốc), GIC và Temasek Holdings (Singapore). Riêng Temasek gần đây rót tiền vào dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng Go-Jek, một đối thủ của Uber và Grab. Những công ty công nghệ khác nhận được tiền đầu tư của Temasek là nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Poshmark, công ty thanh toán Bill.com và nhà phát triển tai nghe thực tế tăng cường Magic Leap.
Người ta ước tính rằng các nhà đầu tư châu Á mới chỉ rót một phần nhỏ vốn của mình vào công nghệ và chủ yếu tập trung ở những giai đoạn sớm nhất của công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh lĩnh vực này vẫn tiếp tục phát triển và làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của chúng ta, khoản đầu tư vào công nghệ chắc chắn chỉ có tăng chứ không giảm trong thời gian tới.
Dù vậy, đầu tư vào công ty khởi nghiệp công nghệ giai đoạn sớm nhất này là công việc mạo hiểm bởi không phải công ty nào cũng hoạt động thành công. Ngoài ra, sự tham gia của các nhà đầu tư mới có thể khiến giá trị của những công ty khởi nghiệp nổi bật bị thổi phồng quá mức. “Những ai bỏ quá nhiều tiền đầu tư có nguy cơ bị tổn thương”, ông Han Kim, chuyên gia tại công ty đầu tư mạo hiểm Altos Ventures (Mỹ), cảnh báo. Vì thế, điều quan trọng là chọn đúng công ty khởi nghiệp có tiềm năng “chiến thắng”để đầu tư.
Ông Chua Kee Lock, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Vertex Venture Holdings Ltd thuộc Temasek Holdings, nhấn mạnh việc đầu tư đúng đòi hỏi nhiều chuyên môn và biết đúng người. “Để chọn đúng công ty khởi nghiệp để đầu tư, tôi luôn nhìn vào những người sáng lập và đội ngũ sáng lập trước rồi mới tới doanh nghiệp. Trong những ngày đầu của một công ty khởi nghiệp, việc đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vận tốc và sự kết nối mà tôi cảm nhận được với những nhà sáng lập và hoạt động của công ty”, ông Amanat chia sẻ thêm.
Theo thesaigontimes
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra