Suy nghĩ “khi startup càng huy động được nhiều tiền càng tốt, nhất là ở những vòng đầu” là một trong những cái bẫy cực kỳ nguy hiểm.
- Khi nào doanh nghiệp Startup cần bán hay chia cổ phần? / Startup là gì? Mục tiêu của startup có phải là để bán?
(Bài viết của Mark Suster – một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm khởi nghiệp và đầu tư vào các startup tại thung lũng Silicon).
Một trong những câu hỏi mà nhiều nhà sáng lập công ty khởi nghiệp băn khoăn nhất là: “Tôi nên huy động bao nhiêu tiền?”
Đa phần đều muốn huy động được nhiều tiền nhất có thể, bởi họ biết rằng như vậy sẽ có nhiều nguồn lực hơn, nhiều cơ hội tốt hơn để cạnh tranh và có thời gian “cầm cự” lâu hơn trước khi phải thực hiện thêm vòng huy động vốn mới. Nhìn chung bất cứ khi nào bạn huy động vốn đều phải đối mặt với khả năng cảm thấy… thất bại.
Bản thân tôi có 2 trải nghiệm rất khác nhau với việc huy động vốn: Trong công ty đầu tiên, series A tôi huy động được 16,5 triệu USD và ở công ty thứ 2 tôi chỉ lựa chọn huy động 500.000 USD.
Dưới đây là suy nghĩ của Mark Suster – một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm khởi nghiệp và đầu tư vào các startup tại thung lũng Silicon về những rủi ro các startup có thể gặp phải khi huy động quá nhiều vốn:
1. Dù là 1,5 hay 4 triệu USD thì công ty của bạn cũng sẽ tiêu hết số tiền đó trong cùng 1 khung thời gian
Hiển nhiên khi có nhiều vốn hơn, bạn sẽ tuyển dụng được nhanh hơn, có nguồn lực để làm những việc khác như thuê các công ty bên ngoài hỗ trợ, đẩy mạnh truyền thông, tham gia các sự kiện, làm các công việc pháp lý (nhãn hiệu, bằng sáng chế). Nói chung là khi có tiền thì khi làm bất cứ điều gì bạn cũng thấy dễ dàng hơn.
Nguy hiểm nhất là bạn sẽ tự xây dựng và phát triển những nền tảng sản phẩm cho công ty thậm chí trước cả khi thu thập được những thông tin phản hồi từ thị trường.
Tôi vẫn còn nhớ một người bạn của mình là Justin Kan ở Snapchat đã đưa ra lời khuyên thế này: “Dù huy động được bao nhiêu đi chăng nữa, anh cũng sẽ tiêu hết trong vòng từ 12 – 24 tháng”.
Câu nói đó cực kỳ chính xác, thậm chí theo quan điểm của tôi, khoảng thời gian này chỉ là 12 – 18 tháng. Bạn có tiền trong tay, và bạn tiêu nó. Việc tiêu quá nhiều và quá nhanh đương nhiên sẽ để lại hậu quả.
Tôi có lời khuyên cho việc huy động vốn thế này: “Bất kỳ khi nào có một món ngon được đưa tới, hãy lấy 2 rồi sau đó cất 1 đi. Đừng bao giờ dùng cả 2”. Điều này thật sự đúng với bối cảnh thị trường hiện nay khi mà các startup rất dễ dàng huy động vốn.
Thà huy động được ít hơn nhưng tạo được một ngân sách chi tiêu hợp lý (có thể chỉ tiêu 70% những gì huy động được trong vòng 18 tháng), còn hơn là huy động được cả triệu USD nhưng cũng tiêu hết một cách lãng phí trong từng ấy thời gian.
2. Huy động được bao nhiêu xác định giá trị công ty bạn
Nghe có vẻ điên rồ nhưng ở những vòng huy động đầu, giá trị một công ty thường được xác định thông qua việc họ huy động được bao nhiêu tiền. Có một chỉ dẫn chung cho lượng cổ phần các nhà đầu tư muốn nắm giữ khi đầu tư vào một công ty là từ 15 – 30%. Riêng trong giai đoạn đầu, tỉ lệ lý tưởng thường là từ 20 – 25%.
Vì vậy, nếu nhà đầu tư đồng ý huy động cho bạn 5 triệu USD thì điều này ám chỉ giá trị công ty của bạn là khoảng 20 triệu USD và bạn chịu mất 20% cổ phần công ty. Tương tự như vậy, bạn sẽ mất 25% cổ phần công ty nếu như nhà đầu tư chỉ định giá startup của bạn trị giá 15 triệu USD.
Được định giá 15 – 20 triệu USD dĩ nhiên tốt hơn là 8 triệu USD phải không. Nếu nói công ty của bạn được định giá 8 triệu USD sẽ tốt hơn là 15 hay 20 triệu USD nghe có vẻ ngu ngốc nhưng thực tế không phải vậy.
Khi mới khởi nghiệp, việc công ty được định giá thấp, khoảng 8 triệu USD, bạn có thể dễ dàng huy động được số vốn từ 2 – 3 triệu USD thay vì 5 triệu USD.
3. Càng huy động được nhiều, các vòng sau càng khó
Điều tiếp theo tôi muốn nói ở đây là chuyện gì sẽ xảy ra khi ngân quỹ cạn kiệt và bạn cần nhiều tiền hơn? Cảm giác tuyệt vời khi huy động thành công 5 triệu USD (ở mức định giá 20 triệu USD) giống như cái thòng lọng quấn quanh cổ. Để huy động thành công 8-10 triệu USD ở vòng tiếp theo sẽ khó khăn hơn nhiều so với 5 triệu USD.
Tại sao lại như vậy?
Bởi vì các nhà đầu tư luôn kỳ vọng kiếm được gấp 10 lần những gì họ đã bỏ ra. Đặc biệt trong giai đoạn đầu nhiều rủi ro, con số mà họ kỳ vọng có thể cao hơn nhiều lần. Các dữ liệu cho thấy các nhà đầu tư dễ thu về 100 – 200 triệu USD, hơn là 400 – 500 triệu USD.
Nếu bạn huy động thành công 5 triệu USD và không thể nâng số tiền đó lên trong vòng tiếp theo, bạn sẽ ‘khó ăn nói’ với các nhà đầu tư ở vòng huy động đầu. Họ có thể nghĩ rằng xung quanh có rất nhiều dự án hấp dẫn, tại sao mình lại phải mắc kẹt với một startup không tăng trưởng?
4. Những ràng buộc kìm hãm sự sáng tạo
Bất cứ hạn chế nào cũng có thể kìm hãm sự sáng tạo. Mỗi một người trong công ty sẽ cố gắng nhiều hơn để đạt được những kết quả tốt trong một thời gian ngắn.
Và quan trọng hơn – nguồn vốn hạn chế sẽ buộc bạn phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc nên/không nên thực hiện điều gì, tuyển dụng ai và sa thải ai. Nó cũng buộc bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi đàm phán về giá tiền thuê văn phòng hay trả lương cho nhân viên sao cho hợp lý nhất.
Tôi thích câu nói thành ngữ “holding one’s feet to the fire” (có nghĩa là “gây áp lực buộc ai đó phải làm việc gì”) vì nó nhắc nhở tôi có trách nhiệm luôn luôn phải làm tốt hơn trước.
5. Một số nhà sáng lập bỏ qua bước đầu
Một số nhà sáng lập cho rằng họ đã có đủ kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để bắt tay vào huy động vốn ở những vòng thứ 2 và bỏ qua vòng đầu. Một số khác thì nghĩ, thay vì huy động số tiền “cỏn con”, họ muốn bắt đầu huy động với số tiền lớn hơn, đặt cược lớn hơn, một là thành công, hai là thất bại.
Tuy nhiên đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, nó gây ra rủi ro lớn cho cả nhà đầu tư và nhà sáng lập.
6. Lựa chọn sáng suốt
Bên cạnh việc cân nhắc nên huy động bao nhiêu tiền, bạn cũng cần xem xét tới việc nên huy động từ ai.
Các quỹ đầu tư cũng có nhiều loại. Kiểu 1 sẽ suy nghĩ theo hướng “thị trường đã nói lên tất cả”, nếu không rót tiền đầu tư vào công ty này thì không được. Kiểu 2 thì tin rằng họ rõ ràng bị thuyết phục bởi tiềm năng của khoản đầu tư và họ rót tiền bất chấp tình hình thị trường ra sao. Kiểu còn lại có suy nghĩ trung gian giữa 2 kiểu trên.
Việc hiểu rõ đơn vị sẽ rót tiền đầu tư vào công ty bạn, đưa ra lựa chọn sáng suốt sẽ giúp bạn quyết định số tiền đúng đắn cũng như xây dựng nên những mối hợp tác lâu dài sau này với các nhà đầu tư.
Nói tóm lại, huy động vốn là một vấn đề quan trọng đối với các startup và cần phải nhớ rằng, hiện tại bạn có thể huy động được nhiều tiền hơn, nhưng trong tương lai giá trị công ty bạn lại hoàn toàn có thể được định giá thấp hơn. Chính vì vậy, là một nhà sáng lập, bạn cần phải đưa ra quyết định sáng suốt cho vấn đề này.
Vân Đàm (Theo DNSG/TTT)