Tới năm 2020 nước ta phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó đoanh nghiệp tư nhân bảo đảm đóng góp khoảng 49% tổng sản phẩm quốc nội. Để thực hiện mục tiêu đó, Nhà nước đã và đang đưa ra nhiều chính sách, giải pháp khuyến khích người dân, nhất là giới trẻ khởi nghiệp (startup).
Phong trào khởi nghiệp đang lan rộng, nhưng cách nay hàng nghìn năm Tôn Tử đã nói: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nghĩa là làm gì thì cũng phải coi chất lượng hơn số lượng. Hãy nhìn tới các startup Việt Nam xem chất lượng thế nào; Làm gì để startup thành nhiều hơn bại?
Dấy lên một phong trào, nhưng …
Tôi email câu hỏi “Làm gì sau khi học xong?” với 3 người cháu: Trần Anh Tú đang là nghiên cứu sinh về kiến trúc quy hoạch ở Melbourne (Úc), Nguyễn Tuấn Dương đang học năm thứ 3 về Tài chính ở Mỹ, Bùi Thu Trang đang học Đại học Tài nguyên và Môi trường, câu trả lời nhận từ các cháu khá tương đồng: “Vào các cơ quan Nhà nước bây giờ khó lắm, có lẽ cháu sẽ làm cho công ty tư nhân, hoặc lập doanh nghiệp, vì nhiều người trẻ là Việt kiều còn đầu tư về quê hương cơ mà”. Nói chuyện với ông Trần Thái – một đồng nghiệp cũ – về chủ đề sinh kế, ông cũng bảo: “Ở khu tập thể Thành Công của tôi, năm vừa rồi có mấy cháu vừa học ra trường, hoặc ra trường không xin được việc cũng mở công ty, ngay cháu tôi cũng mở công ty chuyên làm hàng nông sản, thu mua và xuất khẩu nghệ, quế, hoa hồi… sang các nước như Ấn Độ, Thái Lan. Chẳng biết họ làm ăn thành bại thế nào, nhưng ít ra cũng thấy “máu làm ăn” trong dân, nhất là giới trẻ đang được thổi bùng lên”.
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2016, cả nước có 64.122 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 497 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% về số doanh nghiệp và tăng 54,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có 9.160 doanh nghiệp ra đời. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong cùng thời gian này là 16.706 doanh nghiệp, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo về Chỉ số startup Việt Nam năm 2015/2016, nhận thức về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2013 chỉ có 36,8% người trưởng thành ở Việt Nam nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh thì năm 2014, tỉ lệ này là 39,4%; năm 2015, con số này tăng lên tới 56,8%, xếp thứ 9/60 quốc gia được khảo sát.
Nhưng con số thống kê cũng cho thấy, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 7 tháng 2016 là 6.422 doanh nghiệp, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 5.987 doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 93,2%. Chưa thể thống kê trong số các doanh nghiệp giải thể trên có bao nhiêu doanh nghiệp thuộc loại startup, nhưng chắc chắc là một số không nhỏ, bởi theo các nhà kinh tế, tỷ lệ thành công của các startup Việt Nam chỉ khoảng 10%. Tỷ lệ này chỉ rõ chất lượng các startup Việt Nam còn khá thấp.
Đọc một số bài trên tờ DealstreetAsia – chuyên viết về startup châu Á, các tác giả đều cho rằng: “Nhìn chung số lượng các startup ở Việt Nam khá nhiều, các bạn trẻ có tinh thần doanh nhân, khi vừa mới ra trường, thậm chí chưa ra trường đã làm startup, nên chất lượng so với số lượng chưa tương xứng”. Con đường của các startup rất nghiệt ngã, trong vài trăm doanh nghiệp, chỉ có vài chục doanh nghiệp thành công. Trong vài chục doanh nghiệp thành công chỉ có vài doanh nghiệp bước được vào vòng gọi vốn thứ hai. Điều đáng nói nữa là, trong khi các startup khu vực châu Á đã tiến đến vòng gọi vốn thứ ba, với số tiền lên đến hàng trăm triệu USD thì Việt Nam hầu như chưa có startup nào đạt được con số này, nghĩa là startup của chúng ta đang thua cả về số lượng lẫn chất lượng so với khu vực. Các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đa phần không mang tính đổi mới. Chỉ số đổi mới sáng tạo trong các hoạt động startup ở Việt Nam năm 2015 chỉ đạt tỉ lệ 16,5%, xếp thứ 50/60 quốc gia được khảo sát.
…đừng làm “theo kiểu phong trào”
Khi nhắc tới cụm từ “phong trào khởi nghiệp” tôi vẫn có chút băn khoăn, bởi có nhiều phong trào thi đua mà chúng ta phát động trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội chẳng mấy thành công. Xã hội vẫn cho rằng đã gọi là phong trào thi đua thì nhà nhà, người người tham gia, chỉ có bề nổi, không thực chất, không có tính chuyên nghiệp. Nhưng tìm cụm từ khác thay cho cụm từ trên để phản ánh thực chất ngọn lửa khởi nghiệp đang bùng lên trong xã hội, tôi chưa thể nghĩ ra.
Chấp nhận cụm từ “phong trào khởi nghiệp”, nhưng xin nhấn mạnh khi thực hiện đừng “làm theo kiểu phong trào”, tức là làm ào ào, mạnh ai nấy làm, không có hướng dẫn, đào tạo, mà phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực startup. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở một vài điểm: sự chuyên môn hoá, mọi cơ chế và hệ thống quản lý, tác nghiệp được cụ thể hoá một cách rõ ràng, sự chuyên nghiệp còn thể hiện thông qua việc áp dụng nhiều tiến bộ của khoa học công nghệ vào công việc.
Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025″ vừa được Chính phủ phê duyệt là cách làm khá chuyên nghiệp. Startup nói chung là phương án đầu tư, lập nghiệp của những người mong muốn hình thành các doanh nghiệp, còn startup theo Đề án trên là mong muốn khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo. Tức là chọn lọc những kết quả nghiên cứu và hình thành các công nghệ để đưa vào sản xuất kinh doanh. Nếu doanh nghiệp được hình thành trên các ý tưởng đổi mới sáng tạo công nghệ thì có khả năng đưa ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, có chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành thực chất, không biến thành phong trào còn rất nhiều việc phải làm như: Hoàn thiện hệ thống luật pháp, vì hiện nước ta còn thiếu khá nhiều quy định đối với những người khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, người khởi nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như thế nào, khi thất bại sẽ ra sao; vấn đề tài chính trong và ngoài nước khi nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào các startup Việt…
Các startup trong diện đổi mới sáng tạo được nhà nước chăm lo, hướng dẫn bài bản, còn các startup nói chung họ được nhà nước quan tâm thế nào? Nhân đây xin có đề xuất nhỏ: Hiện nay tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, có tỉnh đã lấp đầy nhưng nhiều tỉnh chỉ được 30%, nên dành một phần đất trong những khu này làm ” vườn ươm” cho các startup. Ở đó họ cần được những chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, khoa học, thị trường, pháp luật… giảng dạy, hướng dẫn, được học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nghiệp lớn thành công trên thương trường.
Một người làm việc được coi là “chuyên nghiệp” thường mang những phẩm chất: Có niềm đam mê cháy bỏng một lĩnh vực nào đó rồi đặt ra những mục tiêu rõ ràng và biến chúng thành các kế hoạch hành động; Kiên trì, bền bỉ lạc quan ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. Nếu là một người có đầu óc chuyên nghiệp thì luôn thấu hiểu yếu tố con người đóng vai trò quan trọng hơn vật chất và tiền bạc. Tôi nhớ lần gặp Nguyễn Tử Quảng khi mới thành lập BKAV, anh nói: “Hãy theo đuổi tầm nhìn, đừng theo đuổi tiền bạc; Hãy làm việc hết mình mọi điều tốt đẹp sẽ đến; đừng đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu, hãy tự hỏi, mình làm việc này, việc kia đóng góp được gì cho xã hội. Tiền kiếm được là hệ quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ”. Bây giờ anh trở thành CEO của Tập đoàn công nghệ BKAV, câu nói “Hãy làm việc hết mình mọi điều tốt đẹp sẽ đến” trở thành khẩu hiệu hành động của BKAV.
Các chuyên gia nước ngoài và những người thành đạt là Việt kiều có chung một nhận xét: “Nhiều bạn trẻ Việt Nam coi startup là để kiếm tiền, tìm một không gian làm việc tự do, không phụ thuộc vào người khác, thích làm gì thì làm”. Quan niệm ấy chứa đựng tính không chuyên nghiệp rồi. Khởi nghiệp là phải lao vào công việc hết mình, không có “tự do” như các bạn hiểu. Đã khởi nghiệp không có chuyện “không làm được” mà là “chưa làm được”, phải bền bỉ theo đuổi đến cùng. Ở nước ta có những bạn trẻ thực sự giỏi, nhưng làm kinh doanh phải tìm được những co-founder cùng mình đi suốt cuộc hành trình gian khó này. Là một startup thành công và cũng là một nhà đầu tư cho các startup, ông Đỗ Hoài Nam, Việt kiều Mỹ, đã từng chia sẻ: “Có một luật bất thành văn của một doanh nghiệp thành công là không bao giờ đầu tư cho một cá nhân mà phải có một nhóm. Cần tìm được những cộng sự cùng mình thực thi ý tưởng. Việc tìm được người cộng tác cũng cần có duyên như đi tìm người yêu. Tìm được những người đồng chí hướng mới tạo nên một sức mạnh lớn”.
Lộ trình để một startup thành công thật là nghiệt ngã! cứ 100 người nhận được hỗ trợ khởi nghiệp, chỉ có 5-10 người thành công. Người khởi nghiệp phải luôn sẵn sàng chấp nhận thất bại, nhưng thất bại lại là mẹ của thành công. Thực tế cũng cho thấy, nhiều nhà đầu tư thích đầu tư vào những người đã từng thất bại, vì thất bại sẽ có thêm kinh nghiệm làm startup.
Startup là một trong những lĩnh vực đột phá nhằm thúc đẩy tiềm năng kinh doanh trong giới trẻ, đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước. Startup là “mồi lửa” châm ngòi cho sức sáng tạo. Đã là sáng tạo thì phải làm theo cách chuyên nghiệp. Có như vậy thì cùng với sự phát triển về số lượng thì chất lượng startup Việt mới được nâng cao.
Đ. Ngọc | Theo Vnreview