Sau một thời gian dài phát triển rất mạnh của ngành thời trang nhanh với sự ra đời của nhiều nhãn hàng giá rẻ trên toàn thế giới, các nhà hoạt động môi trường đang đau đầu với vấn nạn rác thải từ quần áo cũ.
Nếu như trước đây quần áo cũ thường được tập trung để đưa đến các nước kém phát triển dưới danh nghĩa hàng cứu trợ thì nay nhiều nhãn hàng đang có nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn nạn này. Họ tung ra chương trình khuyến mãi “đổi cũ lấy mới” nhằm thu hồi những sản phẩm đã qua sử dụng với các mức chiết khấu khác nhau. Loại hàng hóa như quần áo, giày dép, túi xách… thu hồi được sẽ được các nhãn hàng đưa về các đối tác khác tái chế nhằm thu hồi lại thành phần có thể tái chế như cotton, polyester… Sau đó, các nguyên liệu tái chế này hoặc sẽ được bán dưới dạng nguyên liệu mới hoặc được pha với nguyên liệu gốc để trở lại vòng quay sản xuất.
Tất nhiên, chất lượng và số lượng của loại nguyên liệu tái chế còn phụ thuộc rất nhiều các yếu tố khác nhau như loại sản phẩm thu hồi có tỷ lệ nguyên liệu cần là bao nhiêu, công nghệ xử lý, sản phẩm đầu cuối, đối tượng khách hàng nhắm tới, giá thành nguyên liệu…
Sỡ dĩ việc tái chế quần áo cũ để thu hồi phần nào nguyên liệu cho ngành dệt may đang trở thành vấn đề quan tâm bởi đây là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, rộng, tiêu hao nhiều nước, hóa chất và nước thải từ việc sản xuất gây nguy hại rất lớn cho môi trường.
Động thái thu hồi, tái chế sản phẩm ngành dệt may tại nhiều nước trên thế giới có thể xem như hành động “chuộc lỗi” với môi trường của những ông lớn ngành dệt may dù rằng con số thu hồi là bao nhiêu so với con số hàng hóa đã bán ra chưa thấy các nhãn hàng công bố.
Chưa kể, việc thu hồi và tái chế còn tạo thêm việc làm cho xã hội, tạo ra dòng sản phẩm mới với giá thành tương đối thấp phục vụ cho những mục đích tiêu dùng thấp (như thảm lót nhà tắm, vải vệ sinh máy, lau chùi dầu mỡ…).
Về lâu dài, khi nguyên liệu cho ngành dệt may ngày càng trở nên đắt đỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau thì việc thu hồi – tái chế này sẽ trở thành phổ biến, tất nhiên sẽ tùy vào từng loại nguyên liệu.
Nhìn lại ngành thời trang Việt Nam, có thể nói dường như chúng ta đang đi ngược hướng với sự phát của thế giới khi ngày càng có nhiều thương hiệu mới ra đời với những thiết kế riêng nhưng vẫn na ná những sản phẩm ngoại đang bày bán ở các cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn hay thậm chí là vỉa hè.
Ngoài ra, giá cả của sản phẩm Việt lại có khuynh hướng ngày càng đắt thay vì ngày càng rẻ như khuynh hướng trên thế giới trong khi thời trang là mặt hàng thay đổi rất nhanh, việc mặc đẹp là một chuyện nhưng đúng mốt và giá thành hợp túi tiền với số đông còn quan trọng hơn. Đó có thể là một trong vô vàn lý do khiến ngành thời trang Việt Nam ngày càng đìu hiu.
Việc tái chế quần áo và các loại sản phẩm thời trang khác vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp Việt nhìn nhận là ngành tiềm năng về mặt kinh tế để đầu tư, ngoại trừ một số cơ sở nhỏ vẫn tái chế vải vụn làm chất độn cho các sản phẩm như đệm ghế, lót chân hay độn làm ruột gối… Trong tương lai gần, dân số càng tăng, tiêu thụ sản phẩm dệt may càng lớn cũng đồng nghĩa với việc gia tăng rác thải mà chúng ta đều nhận thấy quỹ đất dành cho việc xử lý rác thải ngày càng thu hẹp.
Nếu thành phố không đưa ra bất kỳ chương trình nào nhằm giảm thiểu rác thải của tất cả các ngành, trong đó có ngành thời trang, thì e rằng không bao lâu nữa chúng ta sẽ bị ngập trong những núi quần áo chất bên lề đường mà không ai đoái hoài tới bởi chúng đã trở nên dư thừa sau những cơn lốc “thời trang nhanh”, bên cạnh những nguồn ô nhiễm khác của như nước thải, khí thải, chất thải rắn… từ ngành dệt may.
Đây cũng có thể xem là cơ hội cho các start-up Việt trong lĩnh vực sản xuất, hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, doanh nghiệp phát triển bền vững bởi nhiều nước trên thế giới đã làm và thành công.
Theo Saigontimes.com