Thanh toán đơn hàng – trở ngại cho thương mại điện tử Việt Nam
Mặc dù thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ “chóng mặt” nhưng hầu hết các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp đều thừa nhận, khó khăn lớn nhất của thương mại điện tử Việt Nam là việc thanh toán.
Khó khăn trong thanh toán trực tuyến
Tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2016 với chủ đề: “Thương mại điện tử, công nghệ di động với ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam” diễn ra ngày 8/12, ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển nhanh nhưng mới chỉ ở mức độ phổ cập, ai cũng tham gia, “ngó nghiêng”, quy mô không lớn.
Mặc dù năm 2015, doanh thu từ thương mại điện tử đạt 4,07 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2012 nhưng nếu so với doanh thu của các nước khác thì con số này không thấm vào đâu. Ví dụ, doanh thu bán lẻ của Mỹ từ thương mại điện tử là 355 tỷ USD, Hàn Quốc là 38 tỷ USD, Trung Quốc là 637 tỷ USD.
Một trong những khó khăn lớn nhất đối với thương mại điện tử ở Việt Nam được bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chỉ ra là việc thanh toán. Hầu hết ở Việt Nam, dù mua hàng trực tuyến nhưng vẫn sử dụng phương pháp nhận hàng rồi trả tiền tại chỗ.
Cụ thể, hình thức người mua thanh toán sau khi nhận hàng chiếm 90% tổng doanh thu; thanh toán qua Internetbanking/thẻ tín dụng/thẻ ATM chiếm 15% và phương pháp giao hàng phổ biến nhất hiện nay vẫn chủ yếu bằng phương tiện xe máy.
Điều này xuất phát từ niềm tin của người tiêu dùng đối với việc mua hàng trực tuyến, mua hàng online. Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng đã phải “ăn quả đắng” khi mua hàng qua mạng bởi hàng khi nhận về không giống như quảng cáo trên mạng.
Ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, khó khăn của thương mại điện tử đến từ vấn đề pháp lý. Cụ thể, Việt Nam hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định về các hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động, nên chưa có cơ sở để xác định mô hình hoạt động cụ thể, cũng như chưa xác định được phương hướng quản lý phù hợp đối với các mô hình hoạt động này.
Bên cạnh đó, mức độ trung thành của khách hàng thấp, họ có thể mua sắm tại trang này nhưng cũng dễ dàng chuyển sang các trang khác và đây cũng đang là vấn đề khó khăn cho nhiều doanh nghiệp khi phát triển thương mại điện tử.
Thay đổi nhận thức người tiêu dùng
Bà Đinh Thị Mỹ Loan chia sẻ, sự phổ cập của internet, kỹ thuật số và công nghệ di động đã tăng thêm “sức mạnh” cho thương mại điện tử và tạo ra những cơ hội, những bước phát triển ngoạn mục cho ngành dịch vụ bán lẻ trong tương lai.
“Mua sắm qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber đã trở thành nơi phát triển cho các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến. Tuy nhiên, muốn phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam, mấu chốt là phải thay đổi được nhận thức của người tiêu dùng, của doanh nghiệp”, bà Loan đưa ra ý kiến.
Ông Phạm Thành Công – Trưởng phòng cấp cao của Công ty Nielsen cho rằng, mặc dù thương mại điện tử là bước tiến lớn nhưng con đường khai thác thương mại di động không hẳn là luôn bằng phẳng. Trên thị trường có quá nhiều loại thiết bị di động được điều hành bởi những nền tảng công nghệ khác nhau nên các nhà bán lẻ buộc phải lựa chọn các giải pháp thích ứng chung.
Khả năng kết nối internet cũng như sự phổ biến của băng thông rộng trong một vùng địa lý cũng đáng được quan tâm để bảo đảm cho doanh nghiệp có được lượng khách hàng đông đảo.
Do đó, doanh nghiệp phải chọn các giải pháp công nghệ bán lẻ sao cho khách hàng sử dụng các nền tảng hay hệ điều hành khác nhau mà vẫn có thể tiếp cận với kho hàng, mặt khác phải luôn theo dõi các dữ liệu phân tích để biết hành vi mua sắm của người tiêu dùng thông qua hình thức thương mại mới nhiều triển vọng này.
Bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, sự ra đời của thương mại điện tử tạo nên cuộc chuyển hướng đầu tiên trong cách mua bán, cho phép người tiêu dùng có thể mua hàng ở bất cứ nơi đâu chỉ với chiếc máy tính có kết nối internet. Điều này cho phép khách hàng vượt qua các ranh giới để tiếp cận thị trường toàn cầu.
“Tuy nhiên, sự xuất hiện của thiết bị di động cùng với sự chuyển đổi từ việc sử dụng điện thoại thông thường sang điện thoại thông minh và máy tính bảng cũng như sự xuất hiện của những kho phần mềm ứng dụng di động đang làm cho trật tự của ngành bán lẻ một lần nữa bị đảo lộn”, Thứ trưởng nhận xét.
Theo Quyết định 1563 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam phải đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tỷ trọng tổng mức bán lẻ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tham gia phát triển thương mại điện tử chưa nhiều, chưa có các doanh nghiệp quy mô lớn nên theo Thứ trưởng Thoa, mục tiêu Chính phủ đề ra “phấn đấu rất khó”.
“Chúng ta đang vướng nhiều ở phần thanh toán nhưng trong Ngày Mua sắm trực tuyến vừa qua đã có 19 ngân hàng tham gia hỗ trợ thanh toán. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp đã dần ý thức được sự quan trọng của thương mại điện tử. Bộ Công Thương đang phối hợp với các địa phương thực hiện chương trình tháng khuyến mại để đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử đồng bộ trên toàn quốc”, Thứ trưởng cho biết.
Phan Trang | Theo VGP News
Xem thêm: Vì sao thanh toán trực tuyến chưa phổ biến?
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra