Lĩnh vực nông nghiệp Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn do chính phủ cắt trợ cấp, nguyên nhân là do khu vực công nghệ và cộng đồng startup của nước này lại nhận được nhiều ưu đãi từ chính quyền Bangkok.
Hiện chính phủ Thái Lan đang cố chuyển hướng nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng Thái Lan 4.0, nghĩa là tập trung vào phát triển công nghệ kỹ thuật, qua đó làm bàn đạp cho nấc thang tăng trưởng mới.
Với kế hoạch này, chính quyền Bangkok đã cam kết sẽ biến tỉnh đảo Phuket trở thành trung tâm công nghệ và startup, đồng thời biến nơi này thành một thành phố thông minh (Smart City).
Trong tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã chủ trì lễ khai mạc hội chợ startup và công nghệ Thái Lan năm 2016 tại Phuket do Bộ Khoa học Công nghệ Thái Lan và Bộ Kinh tế Kỹ thuật cao (mới được thành lập) tổ chức.
Theo đó, Thủ tướng Prayuth nhấn mạnh việc các ngành kinh tế hỗ trợ nhau để cùng phát triển và qua đó hỗ trợ cho đời sống xã hội của người dân Thái Lan. Những tập đoàn lớn cần chung tay giúp đỡ khoảng 1 triệu công ty vừa và nhỏ, nhằm không để doanh nghiệp nào của nước này bị tụt lại phía sau.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Pichet Durongkaveroj cũng tuyên bố chính phủ Thái Lan sẽ tập trung phát triển các startup tại nước này và coi đây là trung tâm của giai đoạn phát triển kinh tế mới.
Thành phố thông minh Phuket
Chính quyền Bangkok đã coi Phuket là nơi đầy tiềm năng để phát triển thành một thành phố thông minh.
Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật cao Songporn Komolsuradej cho biết cùng với Chiangmai, Phuket được Thái Lan chọn là nơi để định hướng phát triển siêu công nghệ kỹ thuật số trong tương lai, nhằm gia tăng số startup tại đây.
Hiện Phuket đã có hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như mạng lưới Internet để thu hút các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư. Những dự án cải thiện hệ thống CCTV cho giao thông, đăng ký lao động thông qua hệ thống điện tử hay cải thiện mạng Wifi trên toàn thành phố đã được thông qua.
Ngoài ra, chính phủ cũng quyết định tập trung các cụm nhà máy chế biến thực phẩm, dịch vụ y tế và công nghệ cao tại Phuket và Chiang Mai.
Theo ngân hàng Siam Commercial Bank, cộng đồng startup tại Thái Lan vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển và thị trường khởi nghiệp của nước này vẫn còn non trẻ.
Năm 2015, đầu tư vào startup tại Thái Lan mới chỉ đạt 32 triệu USD và hầu hết tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử.
Dẫu vậy, chính quyền Bangkok đang có kế hoạch nâng tổng số startup mới thành lập tại nước này lên ít nhất 10.000 vào năm 2018.
Rất nhiều chính sách sẽ được Thái Lan thông qua, bao gồm giảm thuế và quỹ hỗ trợ 10 tỷ Bath để phát triển công nghệ và cộng đồng startup. Chính quyền Bangkok cũng đang xem xét các chính sách ưu đãi nhằm phát triển giáo dục và thu hút nhân tài trên cả nước tập trung vào Phuket cũng như Chiang Mai.
10 năm phát triển
Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng nhiều chuyên gia cho rằng sự bùng nổ startup của Thái Lan bắt đầu từ bong bóng dotcom giai đoạn thập niên 90 và 2000.
Trong vòng 1 thập niên, Thái Lan xuất hiện hàng loạt những trung tâm phát triển công nghệ, qua đó cho ra đời nhiều startup công nghệ nghệ cao sau này. Riêng tại Phuket, trung tâm phát triển công nghệ được ra đời vào năm 2008.
Đây cũng là thời kỳ diễn ra nhiều cuộc tranh luận tại Thái Lan về việc có nên nới rộng các điều khoản hộ chiếu nhằm thu hút nhân tài nước ngoài vào phát triển công nghệ trong nước hay không.
Khi đó, rất nhiều chuyên gia cho rằng những startup thành công trên thế giới nảy sinh từ những cá nhân bình thường, muốn theo đuổi đam mê chứ không phải từ những quỹ đầu tư khổng lồ hay phòng nghiên cứu của các tập đoàn lớn.
Dẫu vậy, những ý kiến trái chiều lại cho rằng các kỹ sư nước ngoài đang ăn cắp việc làm ở Thái Lan, qua đó khiến nhiều lao động trong nước bị thất nghiệp.
Hiện Thái Lan đang cố gắng chuyến hướng thành một quốc gia công nghệ, xây dựng nhiều thành phố thông minh và rất có thể chinh quyền Bangkok sẽ nới lỏng chính sách hộ chiếu để thực hiện mục tiêu này.
Băng Tâm | Theo Cafebiz