Nếu như việc quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi còn nhiều ý kiến thì việc bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng (điều 292) đã được các đại biểu tham dự phiên họp TVQH sáng 20/2 tán thành.
Băn khoăn tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Thảo luận về Bộ luật hình sự năm 2015, Thượng tướng Lê Quý Vương (Thứ trưởng Bộ CA) cho rằng còn nhiều điều còn băn khoăn. Trong đó có điều khoản quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người tủ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Quan điểm của Bộ Công an là người từ 14- 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội rất nghiêm trọng với lỗi cố ý và đặc biệt nghiêm trọng theo tinh thần của BLHS năm 1999.
“Ủy ban Tư pháp lý giải về việc liệt kê 28 tội danh mà người đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên tôi chưa hiểu kỹ. Ví dụ điều 169, quy định tội ít nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chưa rõ như thế nào.
Tôi đề nghị tuổi chịu trách nhiệm hình sự phải xem xét cho kỹ. Theo tôi phải đối chiếu lại BLHS năm 1999, để so sánh với BLHS năm 2015 đến bây giờ sửa đổi xem cái gì đạt được, chưa đạt được, cái gì vướng mắc”- Thượng tướng Lê Quý Vương nói.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình băn khoăn việc xử lý hình sự đối với trẻ từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.
Theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình thì đại biểu Quốc hội, nhiều đồng chí đồng tình với quy định này song ông Bình cho rằng Luật trẻ em vừa thông qua, và công ước LHQ quy định 16 tuổi thậm chí dưới 18 tuổi vẫn trong độ tuổi trẻ em.
“UNICEF cũng làm việc với Ủy ban chúng ta rất nhiều lần khi cho biết, hiện nay hình thể trẻ em có thể đã lớn hơn, trưởng thành hơn nhưng nhận thức, hành vi chưa thể trưởng thành.
Việc giáo dục trẻ em của chúng ta chưa tốt, chúng ta cũng phải làm gương. Còn trong môi trường trại giam, các em có tốt hơn không hay sau khi giam các em vài tháng, vài năm về rồi “đi luôn”. Môi trường đó rất khó để chỉnh các em, vì môi trường bình thường đã khó chỉnh rồi.
Với các em có vi phạm hình sự, thực tế hiện nay rất cao, tuổi vi phạm càng ngày càng trẻ, vậy chúng ta có thông kê hay chưa, có bao nhiêu vi phạm nặng…trước khi chúng ta quyết định xem có nên xử lý không và xử lý ở 14 tuổi hay 16 tuổi?”- ông Bình nêu.
Với đề nghị xử lý với hành vi rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ông Bình cho biết, Ủy ban bảo lưu phương án 2. Đó là giữ như dự thảo Chỉnh phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do có ý và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng đối với 3 tội danh (cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác; tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng).
Giữ quan điểm bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, khi thảo luận tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc bỏ điều 292 Bộ luật hình sự về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, có ý kiến đề nghị vẫn giữ quy định tại điều 292 nhưng điều chỉnh lại theo hướng bỏ quy định về doanh thu và thay tình tiết “không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép” bằng “chưa được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.
Ý kiến khác cho rằng, hiện nay việc cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông trong một số trường hợp như quy định tại điều 292 đang diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để kinh doanh vàng trái phép, kinh doanh đa cấp trái phép… thì cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, do khách thể bảo vệ có sự khác nhau nên cần thiết phải quy định ở các chương tương ứng cho phù hợp.
Theo Uỷ ban Tư pháp, việc bỏ điều 292 như ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và với những lý do như Chính phủ đã trình là phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn các hoạt động kinh tế hiện nay.
Để giải đáp băn khoăn của một số đại biểu, bà Nga khẳng định các hành vi vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng trong các hoạt động kinh doanh vàng, kinh doanh đa cấp… hay các tội danh khác thì đã có các điều khác để làm căn cứ xử lý hình sự. Ví dụ như, hành vi kinh doanh vàng thì xử lý về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng tại điều 206. Hành vi kinh doanh đa cấp thì xử lý về tội vi phạm quy định về cạnh tranh tại điều 217…
“Còn nếu lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thì xử lý về tội sử dụng mạng máy tính, viễn thông phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại điều 290”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội hôm nay, lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ngân hàng Nhà nước đều không có ý kiến khác về điều 292.
Trong khi đó, không đề cập cụ thể điều 292, nhưng Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, với những nội dung đã được lấy ý kiến đại biểu mà được đa số đồng tình thì nên được tôn trọng, bởi nếu làm khác thì rất khó giải trình ở kỳ họp tới.
N Huyền | Theo ICTnews