Câu chuyện khởi nghiệp vẫn là một chủ đề rất nóng, không chỉ đối với những người trẻ mà còn đối với nhiều người quan tâm đến vấn đề này.
- Việt Nam Quốc Gia Khởi nghiệp, cần thêm những gì?
- Muốn khởi nghiệp thành công, hãy trả lời 5 câu hỏi sau
Muốn khởi nghiệm, điểm bắt đầu nên từ đâu? Tâm thế khi khởi nghiệp nên như thế nào? Đâu là chìa khóa để đi đến cùng của đam mê? Khởi nghiệp ngày nay có những hậu thuẫn lớn nào từ công nghệ, mạng xã hội?
TTO tìm câu trả lời từ các chuyên gia, những nhà kinh doanh thành công.
Giữ lửa đam mê, chấp nhận đương đầu và làm đến cùng
Là một người trẻ mới khởi nghiệp, Nguyễn Vũ Nhật Long (TP.HCM) chia sẻ điều khó khăn nhất đối với bạn cũng như rất nhiều người trẻ mới khởi nghiệp khác chính là làm sao giữ được niềm đam mê, vững tâm thế trước rất nhiều khó khăn thử thách mà người mới khởi nghiệp sẽ gặp phải.
“Niềm đam mê của mình là mở cửa hàng kinh doanh giày thể thao. Mình từng thất bại và nản lòng. Với mình, quãng thời gian khó khăn nhất là lúc phải tìm lại ngọn lửa đam mê để bắt đầu lại một lần nữa” – Nhật Long chia sẻ.
Theo Nhật Long, nếu đã quyết tâm thì việc gì cũng làm được, quan trọng là có niềm tin và lòng đam mê với công việc mình đang làm hay không.
Là một người đã có nhiều năm lăn lộn trong thường trường kinh doanh, ông Văn Đức Mười – Tổng Giám đốc công ty Vissan cho rằng người khởi nghiệp luôn tiềm ẩn những yếu tố mạo hiểm.
Vì vậy, yêu cầu đầu tiên dành cho những người trẻ là phải giữ được năng lượng, giữ được ngọn lửa của mình để đối đầu với những mạo hiểm, thách thức ấy.
“Để biến ước mơ thành hiện thực cần phải có kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng. Và đừng ngần ngại gì, đừng chần chừ dừng lại quá lâu ở bước lập kế hoạch mà hãy bước ngay vào hành động để thực hiện những kế hoạch đó.
Bên cạnh đó cũng phải thường xuyên trau dồi hiểu biết về công nghệ hiện đại. Không có tri thức sẽ không làm được gì, nhưng nếu chỉ có tri thức mà không quyết tâm hành động thì cũng không làm được” – ông Văn Đức Mười đưa ra lời khuyên.
Ông Văn Đức Mười cho rằng khi cống hiến cho xã hội thì người trẻ sẽ nhận lại được nhiều điều, trong đó có cả vị trí mà họ muốn trở thành.
“Hãy đặt sự cống hiến của bản thân lên trước những “cái ghế” mà mình muốn ngồi”, ông Mười đúc kết.
Đừng quá lo lắng về việc bạn sẽ trở thành ai, hãy tập trung hơn vào việc bạn sẽ làm gì. Khi một người thật sự đam mê công việc của mình, một cách tự nhiên, họ sẽ tự vươn lên và được mọi người tôn trọng, ngưỡng mộ vì những gì họ đã làm…
Tổng thống Obama phát biểu nhân chuyến đến thăm Việt Nam
Đừng bắt chước, phải biết mình là ai, năng lực mình đến đâu
Chia sẻ những trải nghiệm của mình sau hơn 20 năm tham gia thương trường, ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Bảo hiểm Bảo Long cho rằng nhiều bạn trẻ thường có tâm lý bắt chước thần tượng.
Đó không phải là điều xấu. Tuy nhiên, phải thận trọng vì đôi khi năng lực của mình không phù hợp với người mà mình mong muốn trở thành. Nên biết tự lượng sức và đừng gò ép bản thân, đừng chỉ chạy theo tâm lý bắt chước mà không thực sự biết mình muốn gì.
Đưa ra lời khuyên dành cho những người khởi nghiệp trẻ, ông Nguyễn Thành Long cho rằng bạn trẻ cần có lý tưởng lành mạnh, định hướng phù hợp với sự phát triển xã hội, phù hợp với năng lực bản thân và dám đeo đuổi đến cùng.
“Bên cạnh đó, người muốn khởi nghiệp cũng nên nghiên cứu, tìm tòi những phân khúc thị trường mới bởi trong khởi nghiệp thì sự mới lạ và sáng tạo rất quan trọng. Đôi khi chỉ cần là những sáng kiến nhỏ, nhưng nếu biết bắt đầu thì sẽ làm nên được chuyện lớn” – ông Nguyễn Thành Long nói.
Mặt khác, ông Nguyễn Thành Long cũng hy vọng sẽ có nhiều hơn những quỹ đầu tư chú trọng vào việc khởi nghiệp, tạo điều kiện cho các bạn trẻ xây dựng tương lai của mình.
Tư duy thời kinh tế số
Không thể bắt đầu nếu không hướng tầm tư duy khởi nghiệp trong tư duy kinh tế số. Đó là chia sẻ của ông Lê Văn Hiểu, phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, chủ tịch HHĐQT Công ty Máy và thiết bị phụ tùng SEATECH.
Ông Hiểu cho rằng người khởi nghiệp trong không gian kinh doanh mới, hiện đại, cần lưu ý bốn vấn đề chính, đó là: tầm nhìn và tư duy, công cụ và nguồn lực, chiến lược và cách khởi đầu mới.
Theo ông Hiểu, thế giới ngày một phẳng hơn nhờ vào các phương tiện thông tin kỹ thuật số hiện đại mở ra không gian kinh doanh mới – nơi sản xuất, tiêu dùng và trao đổi đột biến, yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về cả chất lượng và tốc độ.
Mặt khác, những công cụ số đa dạng như Google, Facebook, Twitter, công cụ tìm kiếm, SEO… hỗ trợ người khởi nghiệp về nhiều mặt. Các công cụ như điện toán đám mây tiết kiệm đến hơn 50% chi phí nghiên cứu nhà tiêu dùng, nghiên cứu thị trường. Cách huy động nguồn lực trong khởi nghiệp hiện đại cũng khác xưa rất nhiều: nhân viên part time, outsourcing… rất phong phú, đa dạng.
“Người khởi nghiệp trong thời đại này chịu ảnh hưởng rất lớn từ kinh tế số. Không gian kinh doanh cũng được số hóa, “ảo hóa”. Không giống như quan niệm ngày xưa, khởi nghiệp bây giờ không chỉ để trường tồn (build to last) mà còn để bán lại (build to sell) cho những tập đoàn lớn hơn. Quá trình số hóa đã tăng tốc độ mọi việc và thay đồi mọi chiến lược kinh doanh. Khởi nghiệp ngày nay có thể trong thời gian ngắn, có khi chỉ tính bằng ngày”, ông Lê Văn Hiểu chia sẻ kinh nghiệm”, ông Hiểu nói.
Chiến lược phải mở ra phạm vi khu vực, toàn cầu
Ông Lê Văn Hiểu cho rằng chiếc lược của các công ty trong thời đại này không nên đặt trong phạm vi của một thành phố, một đất nước, mà chiến lược phải nhìn nhận trong một khu vực, hướng đến phạm vi toàn cầu.
Người khởi nghiệp phải có tư duy hướng ra bên ngoài nhiều hơn, phải giao tiếp bằng ngôn ngữ quốc tế. Bên cạnh đó là sự nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới để phát triển.
Mặt khác, theo ông Lê Văn Hiểu, văn hóa khởi nghiệp trong thời đại này cũng có nhiều khác biệt so với trước đây. Mối quan hệ giữa các thành viên không còn là chỉ thị, quyết định mà là đồng hợp, dung hòa, cùng hướng đến một mục tiêu. Văn hóa doanh nghiệp khác cũng dẫn tới văn hóa khởi nghiệp khác, buộc phải mở rộng, chia sẻ hơn.
VÕ HƯƠNG – AN NHIÊN – MAI NGUYỄN | Theo TTO