Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ) cho rằng việc duy trì điều luật này sẽ tạo ra rào cản lớn với sự phát triển của thương mại điện tử và giới startup khởi nghiệp Việt.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bỏ Điều 292 của Bộ luật hình sự 2015 vì lo ngại nhiều hệ luỵ đối với quan hệ kinh tế. Tổ chức này cũng đề nghị phi hình sự hóa các hành vi cung cấp dịch vụ không đúng giấy phép đối với sàn giao dịch thương mại điện tử, trò chơi điện tử trên mạng, trung gian thanh toán và các dịch vụ khác, bao gồm trang thông tin điện tử, mạng xã hội, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông.
Theo phân tích của tổ chức này, điều luật nêu trên tác động rất lớn đến việc kinh doanh các dịch vụ trên mạng tại Việt Nam hiện nay khi hình sự hóa nhiều hành vi vốn chỉ nên xử lý hành chính, ví dụ như cung cấp trò chơi điện tử trên mạng mà không có giấy phép. VCCI cho rằng điều luật này không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mới, các start-up.
Cụ thể với các start-up trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phương pháp kinh doanh thường là làm ra sản phẩm thử nghiệm (có thể là website, ứng dụng, trò chơi…) và nghiên cứu phản hồi của người dùng. Tỷ lệ thành công rất nhỏ, nhưng đổi lại là nếu thành công thì mang lại lợi nhuận lớn.
Sau khi thử nghiệm sản phẩm mà có thành công bước đầu, nhà sáng lập mới bắt đầu tính đến việc đầu tư sâu hơn nhằm thương mại hóa như quảng cáo để thu hút thêm người dùng, bán quảng cáo trên sản phẩm của mình… Trong đó bao gồm cả việc thực hiện các thủ tục pháp lý.
Bộ Luật Hình sự 2015 mới được Quốc hội hoãn thi hành vì có nhiều lỗi sai và gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Trong đó, Điều 292 quy định cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ qua mạng mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi 50-200 triệu đồng hoặc có doanh thu 0,5-2 tỷ đồng sẽ bị phạt tiền 200-500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Bên cạnh kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp thì hoạt động trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng và các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông đều chịu quy định của điều luật này.
Trong lĩnh vực trò chơi điện tử, tổ chức này dẫn Nghị định 72 quản lý trò chơi điện tử qua mạng, theo đó mức phạt hành chính đối với việc không đăng ký trò chơi là 50-70 triệu đồng và phạt 70–100 triệu đồng đối với việc không xin phép dịch vụ trò chơi.”Việc yêu cầu sản phẩm phải đăng ký/cấp phép chính là việc làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường từ đó cản trở đáng kể ngành này. Nếu chi phí gia nhập thị trường tăng cao thì số lượng các sản phẩm được làm ra sẽ giảm mạnh. Không ai bỏ tiền đi đăng ký, xin phép cho một sản phẩm mà có thể sẽ phải vứt bỏ hoàn toàn trong vài tuần tới”, VCCI phân tích và khẳng định các quy định về yêu cầu cấp phép ban đầu không phù hợp để quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trước đây, khi điện thoại thông minh chưa phổ biến như hiện nay, người dùng thường chơi game trên máy vi tính hoặc các thiết bị chơi game đặc chủng. Để có thể phát hành game và có được doanh thu, các doanh nghiệp phải tốn nhiều công sức mua bản quyền. Tuy nhiên, hiện điện thoại thông minh phổ biến, các game được thiết kế cho điện thoại trở nên đơn giản hơn, khối lượng lập trình giảm. Việc quảng bá cũng dễ dàng hơn nhờ các kho ứng dụng khổng lồ. Người phát hành cũng dễ dàng thu tiền thông qua việc cho thuê quảng cáo hoặc mời người chơi mua hàng trong game.
VCCI cho rằng, quy định bắt buộc phải xin phép trước không còn phù hợp với thời đại bởi những cá nhân đơn lẻ cũng có thể sản xuất và phát hành game với chi phí rất thấp.
Ngoài ra, doanh thu từ game cũng biến động rất lớn, đặc biệt là đến từ quảng cáo. Các bên trung gian phát hành game cũng đã có các chính sách loại bỏ những game có nội dung không lành mạnh dựa vào phản hồi của người dùng và tự kiểm duyệt.
Về quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, VCCI cho biết Nghị định 52 của Chính phủ yêu cầu tất các website thương mại điện tử đều phải đăng ký. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này là Nghị định 124 với mức phạt 20-30 triệu đồng.
Các sàn giao dịch thương mại điện tử rất đa dạng trong đó có 3 loại chính. Thứ nhất là cho phép người tham gia đăng tin mua bán hoặc trưng bày giới thiệu sản phẩm. Thứ hai là sàn giao dịch trợ giúp các bên thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng. Cao cấp hơn là một số sàn cho phép người tham gia nộp tiền vào một tài khoản có sẵn, thực hiện mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua tài khoản đó và có thể rút tiền ra.
VCCI khẳng định trong các loại hình trên chỉ có loại thứ ba có thể lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Chẳng hạn, hành vi lợi dụng website thương mại điện tử để đánh cắp tiền từ tài khoản ngân hàng của người dùng đã được quy định tại Điều 290 của Bộ luật Hình sự. Hành vi cung cấp hàng cấm, hàng giả, hàng nhái hoặc các hành vi gian lận khác để lừa dối người dùng cũng đã được quy định tại nhiều tội danh khác. Do đó, cần phân biệt rõ các loại sàn giao dịch thương mại điện tử và có chính sách hình sự áp dụng khác nhau.
Ngoài ra, VCCI còn cho biết Điều 292 còn xác định yếu tố địa điểm, phương pháp, công cụ phạm tội là trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
“Đây có lẽ là tội danh rất đặc biệt của Bộ luật Hình sự do yếu tố không gian phạm tội được coi là yếu tố chính để phân biệt với các tội khác”, VCCI nêu và cho rằng trong 6 hành vi được liệt kê tại Điều 292, nhiều việc chỉ có thể thực hiện trên nền tảng mạng máy tính, mạng viễn thông như thương mại điện tử, trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng, các dịch vụ khác trên mạng. Song, vẫn có 2 hành vi có thể được thực hiện không nhất thiết trên mạng là kinh doanh đa cấp và kinh doanh vàng tài khoản. Do đó, việc phân biệt này sẽ khiến các doanh nghiệp nảy sinh câu hỏi: Vì sao chính sách hình sự của Nhà nước lại phân biệt đối xử giữa kinh doanh trên mạng và kinh doanh không trên mạng.
Tổ chức này cũng nhấn mạnh lĩnh vực công nghệ thông tin đang là hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam bởi không yêu cầu vốn đầu tư lớn về cơ sở vật chất, mà chủ yếu là các yếu tố về nguồn nhân lực. Trên thực tế, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực này như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…
“Điều 292 đã tạo không ít tâm lý lo lắng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng như nhiều doanh nghiệp khác có sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính trong hoạt động kinh doanh của mình”, VCCI nhận định.
Cùng với VCCI, Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam – VINASA cũng vừa gửi kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành bãi bỏ Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015. Theo nhận định của tổ chức này, điều luật đang gây tâm lý hoang mang, lo lắng và tạo thành một làn sóng phản đối mạnh mẽ đặc biệt là từ cộng đồng khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Theo đó, việc hình sự hoá hoạt động kinh doanh trên mạng đã đi ngược lại với chủ trương không hình sự hoá quan hệ kinh tế của Chính phủ trong Nghị quyết số 35 mới ban hành. Việc này cũng vi phạm quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp năm 2013.
Hiệp hội còn nhấn mạnh Điều 292 đã đi ngược lại chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng và Chính phủ về thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của không chỉ ngành này mà còn của tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế. Điều luật cũng được đánh giá là không phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển trong thời đại số.
Bạch Dương | Theo Vnexpress