Ngoài việc trang bị kiến thức kinh doanh, hiểu biết về thị trường, mô hình quản trị…, doanh nghiệp khởi nghiệp còn cần một “bà đỡ” chuyên nghiệp.
Năm nay được chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”, điều này cho thấy khởi nghiệp đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Cùng với thành tựu hơn 30 đổi mới, các doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào những thành tựu của đất nước. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 là không hề dễ dàng.
Theo đánh giá chung của nhiều doanh nhân, việc khởi nghiệp (Startup) hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Đó là, đa số doanh nghiệp khởi nghiệp thường non trẻ, nguồn tài chính không có nhiều, đội ngũ nhân sự chỉ là những người làm chuyên môn. Do đó, những kiến thức về thủ tục hành chính, pháp lý…đang khiến những doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều lúng túng.
Ông Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Co-working Space – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp – nêu ra thực tế: doanh nghiệp khởi nghiệp thường có nhiều chi phí không tạo ra giá trị do còn hạn chế trong điều hành, quản trị doanh nghiệp.
“Startup gặp rất nhiều khó khăn như là giá chi phí cho văn phòng, chi phí không liên quan đến con người quá cao lên tới 40 đến 50% chi phí của doanh nghiệp làm cho doanh nghiệp khởi nghiệp giảm tính cạnh tranh. Thêm vào đó, sự cọ sát tiếp xúc kiến thức của các doanh nghiệp khởi nghiệp đang ở mức độ không cao, nếu được cọ sát thì sẽ có những kinh nghiệm, lớp kiến thức giúp việc khởi nghiệp sẽ thành công hơn” ông Nam cho hay.
Cũng như các nước trên thế giới, các doanh nghiệp khởi nghiệp của nước ta hầu hết đều xuất thân là học sinh, sinh viên, có ý tưởng kinh doanh từ khi còn rất trẻ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội thì những sinh viên mới ra trường, khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do kiến thức học trong trường khi áp dụng thực tế còn có khoảng cách rất xa. Ngoài ra, kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, marketing, truyền thông, sản xuất sản phẩm…đều rất hạn chế.
Ông Thiện cho rằng, để khởi nghiệp thành công trước tiên phải biết được nội lực của mình. Từ khi có ý tưởng đến khi thành lập một dự án cần chuẩn bị kế hoạch bài bản gồm: cơ sở, tiền đề để khởi nghiệp, chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp, bộ máy điều hành đảm bảo tinh gọn, nhưng hiệu quả. Tuy nhiên để doanh nghiệp khởi nghiệp đạt kết quả tốt rất cần hỗ trợ của nhà nước về vốn, thủ tục hành chính tinh gọn.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời gian qua, Chính phủ có nhiều nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và xây dựng chính sách hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp sau khi khởi nghiệp. Vấn đề đặt ra là sự phát triển của doanh nghiệp sau khi khởi nghiệp làm thế nào để quy mô lớn lên được, còn như tình trạng hiện nay, các doanh nghiệp sau khi khởi nghiệp rất dễ bị thu nhỏ dần về quy mô.
Do đó, theo bà Hằng, cần có chính sách hỗ trợ cả khi bắt đầu khởi nghiệp và sau khi khởi nghiệp. Chính phủ cần quan tâm đến sự kết nối giữa các doanh khởi nghiệp với nhau và với các nhà đầu tư để doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt nhất.
Việt Nam đang có thế hệ doanh nghiệp khởi nghiệp mới, trẻ trung, sôi nổi và quyết tâm trong việc hiện thực hóa những đam mê của họ với niềm tin kinh doanh. Tuy nhiên, để thành công thì những doanh nghiệp này ngoài việc trang bị kiến thức kinh doanh đầy đủ, hiểu biết về thị trường, mô hình quản trị kinh doanh, ý chí khởi nghiệp của bản thân…còn cần một môi trường – “bà đỡ” khởi nghiệp chuyên nghiệp và lành mạnh. Đó là, Nhà nước phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do sáng tạo; có thể chế chuyên biệt, đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp, để từ đó, hoành thành mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 ./.
Nguyễn Hằng | Theo VOV-Trung tâm Tin