Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Chinh phục trời Tây bằng nông sản thuần Việt

Chinh phục trời Tây bằng nông sản thuần Việt

Gặp cô gái Nguyễn Ngọc Hương, ai cũng ấn tượng bởi cô gái nhỏ nhắn nhưng sự kiên trì không ai sánh kịp. Nguyễn Ngọc Hương từng mang dự án bột rau sấy lạnh của mình tham gia khá nhiều cuộc thi khởi nghiệp tại Việt Nam. Năm 2016, cô từng đến thi thố ở Vietnam Startup Wheel nhưng không gây được ấn tượng do dự án chỉ mới ở giai đoạn sơ khai và phải 3 năm sau, Nguyễn Ngọc Hương mới hái được trái ngọt, khi về nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019.

Và cũng phải mất 4 năm chờ đợi và chuẩn bị đầy đủ nhiều thứ: từ vùng trồng, công suất sản xuất, các loại giấy chứng nhận, bao bì sản phẩm…startup Thiên Nhiên Việt mới có cơ hội đưa sản phẩm Việt Nam chinh phục trời Âu.

Làm startup nông nghiệp khó khăn trăm bề

Làm startup nông nghiệp có muôn vàn cái khó khăn phải đối mặt. Đầu tiên là vấn đề nguồn nguyên liêu, đây là vấn đề khó khăn lớn nhất và dài hơi nhất để có được long tin của khách hàng. Nhiều startup chạy theo lợi nhuận thả nổi đầu vào không có quy trình kiểm soát cây trồng chặt chẽ nên thất bại.

Năm 2015, khi bắt đầu sản xuất bột rau, chúng tôi đã bắt tay vào việc xây dựng trang trại vì muốn kiểm soát đầu vào. Chúng tôi muốn hiểu tất cả đặc tính của rau, như: nó sinh trưởng như thế nào, độ ngọt đắng ra sao, những lúc rau bệnh hoạn hay khoẻ mạnh… Bởi theo quan điểm của chúng tôi, muốn cho ra một sản phẩm chất lượng, chúng tôi phải hiểu nguyên liệu như chính hiểu bản thân mình“, Nguyễn Ngọc Hương chia sẻ.

Bởi chỉ khi có được vùng nguyên liệu tốt và đủ chuẩn, thì chúng ta mới có thể sản xuất các sản phẩm chất lượng tốt và an toàn, đáp ứng nhu cầu không chỉ trong nước mà còn quốc tế; nâng giá trị nông sản Việt Nam lên.

Khó khăn thứ 2 trong quá trình chuẩn bị là làm sao tăng quy mô nhanh, để khi khách hàng thấy sản phẩm tốt mình tốt, quay lại với đơn hàng lớn hơn, mình vẫn có khả năng đáp ứng ngay lập tức. Thường chúng ta làm đơn hàng nhỏ tốt, nhưng đơn lớn lại không thế. Nguyên do là bởi các startup thường không đủ vốn để mở rộng sản xuất ngay, nên chúng ta dễ bị sốc!

Tiêu biểu như tình cảnh của chúng tôi từng gặp phải, lần đầu người ta đặt 10.000 sản phẩm, lần sau họ đặt tới 20.000. Nên nếu chúng ta không có sự chuẩn bị, thì mình dễ bỏ qua cơ hội”, chị Nguyễn Ngọc Hương kể tiếp.

Vấn đề nữa, làm sao dù tăng quy mô nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng. Khi hợp tác, cả hai bên phải có cảm giác cùng thắng (win – win), họ bán sản phẩm kiếm lời và việc hợp tác với họ khiến mình tăng nội lực. Khi chúng ta có thể làm được những điều trên, các nhà nhập khẩu đánh giá rất cao những đối tác như vậy.

Là người trẻ, ngay từ đầu sáng tạo những sản phẩm có tính đổi mới sáng tạo theo chuẩn quốc tế, đừng làm theo cách cũ, kể cả đó là sản phẩm nông nghiệp cũng không nên làm theo kiểu thủ công handmade.

Chúng ta muốn bắt kịp và vượt qua các nước trong khu vực như Thái Lan, thì ngay từ đầu phải làm theo chuẩn quốc tế, tức phải cải tiến liên tục từ cái nền chuẩn quốc tế chứ không phải chuẩn Việt Nam. Chị Ngọc Hương tin rằng, nếu chúng ta nhìn xa ngay từ đầu, đoàn kết – không phá giá khi xuất khẩu, sẽ tạo dựng được cộng đồng xuất khẩu vững mạnh; lúc đó thương hiệu lẫn mức giá của nông sản Việt Nam sẽ không thua gì Thái Lan cũng như các nước trong châu Á.

Đưa nông sản thuần Việt chinh phục thế giới

Ít ai nghĩ là các sản phẩm thuần Việt như: bột rau má, tía tô, diếp cá…lại có thể xuất khẩu. Thế nhưng, các sản phẩm này đã có mặt tại nhiều nước Châu Á trước khi sang Châu Âu.

“4 năm qua, chúng tôi luôn tích cực tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại, như đến các hội chợ, triển lãm. Đặc biệt, chúng tôi ít bỏ qua các cơ hội tương tác trực tiếp với khách, nhằm nhận được phản hồi nhanh từ họ. Ngoài ra, chúng tôi luôn liên tục nâng cấp sản phẩm: hoàn thiện bao bì, nâng cao chất lượng, thay đổi theo thị hiếu…

Nhờ luôn lắng nghe khách hàng, thay đổi nhanh chóng và liên tục bám sát nhu cầu thị trường, khách hàng đánh giá những sản phẩm sau của chúng tôi càng tốt hơn sản phẩm trước”, chị Nguyễn Ngọc Hương kể về quá trình mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Những khách hàng lớn đa phần đến từ khách hàng nhỏ. Những khách hàng nhỏ dùng sản phẩm của startup này, thấy chất lượng sản phẩm tốt, sản xuất minh bạch và đạt các chứng chỉ về an toàn vệ sinh thực phẩm; họ sẽ giới thiệu với những khách hàng lớn. Khác hàng lớn sau khi thử nghiệm thấy ổn, sẽ đặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, công ty sẵn sàng tăng quy mô sản xuất khi có đơn hàng xuất khẩu lớn; nên khi có những đơn hàng đến, họ rất dễ dàng đi luôn.

Nhiều người hay hỏi chị Ngọc Hương là công ty chị mất thời gian bao lâu để hoàn thành các tiêu chuẩn, chứng nhận hoặc làm các loại giấy tờ xuất khẩu như đối tác yêu cầu?! Thật ra, công ty chị đã đầy đủ các giấy tờ đăng ký, kiểm định, chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu từ lâu; nên chỉ cần có đơn hàng, sau 1 tuần giao dịch qua lại, hàng có thể lên container 2 hoặc 3 tuần sau đó.

Thông qua một người bạn, chị Ngọc Hương kết nối được với đối tác Hà Lan, rồi đối tác này bán sản phẩm của họ khắp châu Âu cũng từ những lời giới thiệu của một bên thứ 3.

Đây cũng là bất ngờ thú vị đối với chính bản thân chị Ngọc Hương. Ban đầu chị nghĩ đối tác có 30 năm kinh nghiệm này chỉ phân phối ở Hà Lan, nhưng bây giờ họ nói là đã phân phối cho 28 nước châu Âu. Tức sản phẩm rau má Việt Nam đã đi khắp châu Âu.

Trước khi muốn tạo ra sản phẩm gì, hiểu thị trường là điều kiện tiên quyết. Nếu không có điều kiện đi xa như tham gia các sự kiện quốc tế, hãy quan sát thị trường nội địa trước. Biết đâu, đối tác hoặc bạn bè trong thị trường nội địa sẽ giới thiệu công ty của bạn đi xa – như cách Thiên Nhiên Việt có hợp đồng mua hàng của đối tác Hà Lan.

Nguồn khoinghiepsangtao

Xem thêm: Tại sao Startup tuyển dụng của Việt Nam lại có sức hút mãnh liệt với nhà đầu tư nước ngoài?

Back to top button