Áp lực công việc đôi khi chính là nguyên nhân làm bạn mất tập trung để hoàn thành theo đúng tiến độ đã đặt ra. Thử xem bạn đã và đang rơi vào trường hợp nào trong những trường hợp dưới đây.
Phương tiện truyền thông
Khi đang làm việc, thỉnh thoảng bạn kiểm tra tin nhắn hoặc các ứng dụng xã hội khác như Facebook, Zalo….Tuy chỉ mất vài phút nhưng khi quay lại với công việc đang dang dở, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để nối lại mạch suy nghĩ, thậm chí sẽ phải quay trở lại công việc từ bước khởi đầu. Vì vậy, trong khi làm việc nên hạn chế tối đa sử dụng các phương tiện truyền thông, nếu cần thiết hãy kết nối vào giờ nghỉ giải lao. Hoặc tốt nhất là bạn hãy làm việc trên máy tính ở nơi không có kết nối internet trong vòng vài tiếng đồng hồ.
Quá tải email
Trong một ngày hòm thư của bạn sẽ có rất nhiều email được gửi tới từ quảng cáo, thư từ cá nhân và đa số chúng có liên quan tới một công việc nào đó. Tuy nhiên, có quá nhiều email sẽ khiến bạn khó tập trung vào công việc khi liên tục phải kiểm tra xem có email nào mới tới hay không. Thay vào đó, bạn hãy thiết lập chế độ nhận email mới trong khoảng thời gian nhất định và chỉ mở, trả lời những email liên quan đến công việc hiện tại. Sau khi đã trả lời xong những email quan trọng, bạn nên đóng hòm thư của mình lại và chỉ mở khi nào cần thiết.
Điện thoại di động
Tiếng chuông điện thoại trên thực tế còn ảnh hưởng nhiều tới sự tập trung của bạn hơn là âm thanh báo có email mới đến. Nghe điện thoại không chỉ khiến bạn tốn nhiều thời gian mà còn ảnh hưởng rất lớn tới sự tập trung cao độ cho công việc bạn đang xử lý. Thay vào đó, khi đang cần tập trung, bạn hãy thiết lập chế độ chuyển cuộc gọi vào hòm thư thoại và kiểm tra hộp thư thoại vào một thời điểm phù hợp. Bạn nên để điện thoại ở chế độ im lặng khi thấy không cần thiết phải nghe trong khi đang làm việc.
Đảm nhận quá nhiều công việc cùng một lúc
Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi bạn thực hiện ba công việc cùng lúc sẽ tốn thời gian hơn nhiều so với việc chỉ hoàn thành từng công việc một. Khi làm nhiều công việc cùng một lúc, bạn sẽ luôn phải tất bật để hoàn thành, có khi công việc thứ nhất chưa xong đã lại chuyển sang nghiên cứu những vấn đề khác để phục vụ cho công việc thứ 2 và rồi lại lo lắng không biết có kịp để làm công việc thứ 3 hay không. Vì vậy, cách tốt nhất là hãy tập trung vào một công việc, hãy dành hết toàn bộ thời gian suy nghĩ cho công việc đó, đặc biệt là khi bạn đang phụ trách một dự án quan trọng.
Nhàm chán trong công việc
Khi chỉ làm một công việc rập khuôn ngày qua ngày mà không có gì phát sinh mới mẻ hay đặc biệt, bạn rất dễ cảm thấy nhàm chán và thường phân tâm vào những thứ khác như internet, điện thoại, các phương tiện truyền hông. Để tránh việc này xảy ra, bạn hãy thử tự đề ra quy tắc cho chính bản thân: nếu tập trung làm việc trong một khoảng thời gian nhất định thì sẽ thưởng cho mình 10 phút nghỉ ngơi hoàn toàn. Sau đó, bạn có thể đi uống cà phê, đi bộ thư giãn, nghe nhạc, gọi điện thoại… để tinh thần sảng khoải, hiệu quả làm việc sẽ cao hơn rất nhiều.
Stress, mệt mỏi
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra stress, mệt mỏi. Có thể do công việc quá nhiều, do vấn đề gia đình, bạn bè, các mối quan hệ xã hội khác khiến bạn cảm thấy tinh thần uể oải, không thể tập trung làm việc. Trước tiên, nếu stress nặng phải uống thuốc, bạn hãy uống thuốc và làm theo chỉ định của bác sĩ. Sau đó, hãy luôn lạc quan, cố gắng giải quyết các vấn đề thật nhanh gọn và làm những việc bạn thấy thích để giảm stress. Khi cơ thể bạn mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi đầy đủ, có thể nhắm mắt lại thư giãn hoặc ngủ một giấc ngắn 15 phút để cảm thấy khỏe khoắn hơn.
Khi bạn đói
Các tế bào não cũng không thể hoạt động được khi thiếu năng lượng, bỏ bữa khiến bạn đói là một trong những nguyên nhân chính gây mất tập trung. Vì vậy, bạn đừng nên bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng và nên dự trữ những thức ăn có hàm lượng protein cao như phô mai, các loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân để dễ dàng lấy lại năng lượng làm việc.
Chứng rối loạn tăng động
Chứng rối loạn tăng động (ADHD) thường được chẩn đoán ở trẻ em nhưng thực tế chứng bệnh này cũng ảnh hưởng đến người lớn. Người trưởng thành khi mắc chứng ADHD thường hay quên, luôn cảm thấy khó tập trung, không thể ngồi yên, lo âu và trầm cảm. Nếu bạn bị ADHD, hãy uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, hãy sắp xếp lại cuộc sống hằng ngày bằng cách sử dụng một tờ lịch lớn dán ở nơi sẽ nhìn thấy vào buổi sáng, sổ ngày tháng, danh sách hay tờ nhắc nhở ghi chú về công việc, sinh hoạt. Nên có một nơi đặc biệt để giữ chìa khóa, hóa đơn, giấy tờ công việc mỗi ngày. Chia công việc thành những phần nhỏ, hoàn thành từng phần có thể đem lại cho bạn cảm giác thoải mái.
Dương Quán Hạ | Theo Doanh Nhân Sài Gòn