Kiếm tiền và tiết kiệm có thể rất đơn giản với người này, nhưng lại là một bài toán khó với rất nhiều người khác, nhất là khi bạn không giỏi trong việc quản lý tài chính và phải cố gắng để trả hết nợ nần.
- Làm việc chỉ để kiếm tiền???
- 9 lời khuyên tài chính của chuyên gia viết về tiền tệ
- Bí quyết bán quà vặt online kiếm 30 triệu đồng mỗi tháng
Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn có thể kiếm tiền và tiết kiệm tiền một cách hiệu quả.
Kiếm tiền
Tìm công việc có thu nhập ổn định
Trước khi nói đến tiết kiệm, bạn cần đảm bảo cho những nhu cầu tiêu dùng trong cuộc sống được đủ đầy, vì vậy bạn nên có một nguồn thu nhập ổn định hằng tháng. Một trong những cách tạo ra nguồn thu nhập này là tìm cho mình một công việc, có thể là toàn thời gian cố định hoặc là công việc bán thời gian, nhưng bạn nên cân nhắc đến mức lương mà bạn nhận được từ công việc đó sao cho đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của mình. Đây cũng chính là bước đầu tiên trong việc lên kế hoạch tiết kiệm tiền cho tương lai.
Tạo thêm nguồn thu nhập phụ
Hãy luôn luôn tìm kiếm cơ hội để có được những khoản thu nhập phụ từ nhiều nguồn khác nhau. Có rất nhiều ý tưởng cho việc này tùy thuộc vào khả năng của bạn. Nếu có thể viết lách, bạn nên cân nhắc việc làm cộng tác với nhiều báo khác. Nếu có hoa tay và năng khiếu, bạn có thể khởi nghiệp với việc làm và bán những món đồ handmade độc và lạ. Nếu muốn kinh doanh, bạn có thể mở cửa hàng hoặc bán hàng online…
Tất cả những điều này cho phép bạn được làm điều mình thích và tạo ra được nguồn thu nhập phụ mà đôi lúc nguồn thu nhập này còn gấp nhiều lần thu nhập từ công việc cố định của bạn. Rất nhiều doanh nhân cũng bắt đầu sự nghiệp của mình từ những công việc nhỏ như vậy.
Tiết kiệm tiền
Thanh toán hết các khoản nợ nần
Việc vay nợ không phải là xấu, nhất là khi bạn buộc phải vay tiền để làm một số việc quan trọng hoặc lấy vốn kinh doanh. Tuy nhiên trước khi bắt đầu tiết kiệm, bạn cần phải thanh toán hết các khoản nợ nần, có như vậy việc tiết kiệm tiền của bạn mới đạt hiệu quả. Thậm chí kể cả khi bạn đang nợ người quen và không hề bị tính lãi, bạn cũng nên trả nợ nhanh nhất có thể tránh việc mất chữ tín và danh dự bản thân khi họ nghĩ bạn đang lần lữa trả nợ.
Tạo tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng
Một khi bạn đã trả hết nợ, bạn nên bắt đầu tiết kiệm tiền bằng cách mở một tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng, có rất nhiều loại hình mở thẻ tiết kiệm mà bạn có thể chọn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn cách chuyển khoản trực tiếp một phần lương của mình vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng, hoặc chuyển toàn bộ tiền lương vào thẻ tiết kiệm, sau đó mới tiến hành thanh toán cho những hóa đơn hay những khoản chi phí khác. Điều này sẽ giúp bạn chắc chắn rằng bạn không bỏ bê tài khoản tiết kiệm của mình và không sử dụng tài khoản tiết kiệm để chi trả cho những nhu cầu không thực sự cần thiết.
Chi tiêu có kế hoạch và cam kết tiết kiệm một số tiền nhất định hằng tháng
Có rất nhiều người có đủ khả năng để có “của ăn, của để” nhưng vì thường xuyên “vung tay quá trán” cho những khoản chi tiêu không cần thiết nên không thể dành dụm được. Vì vậy, điều quan trọng giúp bạn tiết kiệm tiền hiệu quả là phải có kế hoạch chi tiêu rõ ràng và cam kết sẽ tiết kiệm một số tiền nhất định dù khoản tiết kiệm này có thể nhỏ, chỉ vài trăm nghìn một tháng. Sau đó, hãy cố gắng gia tăng khoản tiền tiết kiệm lên bằng cách kiếm thêm thu nhập và cắt giảm những khoản chi không cần thiết.
Ngoài việc tiết kiệm tiền vào tài khoản ngân hàng, bạn cũng nên tham gia chế độ bảo hiểm tại công ty nơi bạn làm việc để có lương hưu sau này, đồng thời gia tăng khoản tiết kiệm mà bạn có thể có cho tương lai.
- Xem thêm: Mẹo tài chính cho người 20 tuổi
Tiết kiệm tiền có mục đích
Việc tiết kiệm tiền hằng tháng có thể sẽ rất khó khăn khi bạn phát sinh những khoản chi bất ngờ, ví dụ như trên đường đi làm về thấy một bộ quần áo rất đẹp và muốn mua nó, hoặc khi bạn dạo phố và tình cờ nhìn thấy món đồ mình đã muốn mua từ lâu. Vì vậy, để tiết kiệm tiền thành công, hãy tập trung vào việc tiết kiệm có mục đích, khi mà mỗi đồng bạn tiết kiệm được sẽ như một khoản đầu tư cho tương lai, như mua nhà, du học, hoặc để có những chuyến du lịch dài ngày ở nước ngoài giúp bạn có thêm nhiều trải nghiệm.
Thiết lập những thói quen tốt
Nếu bạn vẫn chưa có một bảng ngân sách chi tiêu thì hãy nhanh chóng lên kế hoạch ngân sách chi tiêu và cam kết giữ các nguyên tắc của mình. Ngân sách chi tiêu của bạn nên bao gồm: chi phí cho nhà cửa, chi phí sinh hoạt, chi phí dự phòng cho những phát sinh bất ngờ (đau ốm, mừng cưới, mừng tân gia…), chi phí giáo dục, chi phí trả nợ…
Bên cạnh đó, cần lên danh sách vật dụng, đồ dùng cần mua trước khi đi mua sắm. Rất nhiều người có thói quen mua sắm tràn lan, dư thừa thực phẩm hay đồ dùng trong nhà. Để tránh việc này, bạn hãy viết ra những món mà bạn dự định nấu, những nhu yếu phẩm và những món hàng khác bạn cần mua và lên danh sách cho chúng.
Một lưu ý khác nữa, đó là bạn chỉ nên mua những thứ mình cần. Các siêu thị hay cửa hàng rất biết cách đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và đặt những mặt hàng đó ở nơi dễ thấy để thu hút khách hàng. Nhưng nếu bạn đã có danh sách những gì cần mua, bạn sẽ tránh được việc mua những món hàng này về để rồi bỏ không một chỗ.
Bạn cũng cần phải nghĩ kỹ trước khi quyết định mua những món hàng đắt tiền. Hãy cân nhắc xem sản phẩm đó có thật sự cần thiết và đáng để đầu tư không, điều này sẽ giúp bạn không phải hối hận vì bỏ ra một số tiền lớn để mua về những gì không cần thiết.
Đặc biệt, không dùng thẻ tín dụng để thanh toán. Điều này giúp bạn không chi tiêu vượt quá số tiền mà mình đang có, từ đó bạn sẽ không sợ phải “mắc nợ” nếu chi tiêu quá tay như khi dùng thẻ tín dụng.
Theo VnExpress
Xem thêm: