Bắt đầu khởi nghiệp – đâu chỉ cần ý tưởng
Mức tăng trưởng tương đối cao của nền kinh tế, tốc độ mở cửa nhanh của thị trường nhờ quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết và quan trọng nhất là sự bùng nổ về công nghệ, đang mang đến “cơ hội vàng” cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.
- Khởi nghiệp kinh doanh online và 10 điều cần tránh / 7 lý do khiến khởi nghiệp thất bại và cách khắc phục
Theo báo cáo của Topica Founder Institue (TFI) – một trong những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, năm vừa qua chứng kiến ít nhất khoảng 70 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực này với nguồn vốn huy động từ các quỹ đầu tư nước ngoài lên đến hàng chục triệu USD, trong khi con số các thương vụ vào thời điểm cách đây năm năm chỉ tính trên đầu ngón tay.
Những thành công này càng là động lực thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam tiếp tục lớn mạnh và phát triển. Trong đó, nổi bật là đội ngũ những người trẻ được đào tạo tương đối bài bản, tràn đầy khát khao và quyết tâm vươn tới thành công. Tuy nhiên, dường như một số bạn trẻ mới chỉ “giàu” đam mê, còn vẫn “nghèo” các kiến thức cơ bản, cần thiết cho khởi nghiệp. Có vẻ như họ đang ngộ nhận “ý tưởng” mới là mấu chốt quan trọng nhất để thành công. Điều này không hẳn sai, nhưng rõ ràng chưa đầy đủ. Thế giới đã đi qua giai đoạn “phẳng” để tiến vào một không gian đa chiều hơn nhờ sự bùng nổ của công nghệ với đầy ắp thông tin, tri thức được cập nhật, phổ cập rộng rãi,… giúp các bạn trẻ ngày càng nắm bắt rõ hơn về cuộc sống chung quanh và “nảy” ra hàng chục, hàng trăm ý tưởng để khởi nghiệp mỗi ngày. Khi cho rằng ý tưởng của mình đã hoàn hảo, chắc chắn sẽ luôn có hàng nghìn ý tưởng khác tốt hơn của bạn. Khi ý tưởng trở nên “rẻ” như vậy, vấn đề cốt lõi là mỗi người phải đủ khả năng biến ý tưởng thành hiện thực, vì một ý tưởng thiếu giá trị thực tiễn sẽ chỉ là “ảo tưởng”.
Vì vậy, muốn thành công khi khởi nghiệp ở một lĩnh vực nào đó, trước hết, bạn trẻ cần phải có trình độ và sự hiểu biết sâu về lĩnh vực đó cũng như sự bươn chải để hiểu rõ từng “chân tơ, kẽ tóc”, từ đó tìm ra những mảng, miếng hợp lý để phát triển ý tưởng. Những kiến thức để khởi động doanh nghiệp, cách thức tìm kiếm nhà đầu tư,… cũng là những công cụ không thể thiếu giúp khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, có thể nhận định về khả năng thành công cũng như những rủi ro phát sinh; gom góp kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để hiện thực hóa được ý tưởng. Trước khi xác định mình muốn làm gì, hãy tự hỏi mình thật sự giỏi việc gì và sẽ làm việc đó như thế nào. Tiếp tục trên con đường phát triển ý tưởng, người trẻ cũng phải biết được mình không giỏi việc gì, cần thêm kỹ năng gì và khắc phục những điểm yếu như thế nào.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thay vì tìm tòi, sáng tạo để khẳng định mình, lại đang có xu hướng “sao chép” lại các ý tưởng sẵn có. Tuy có thể thành công và có thu nhập ban đầu, song đã vi phạm thuộc tính cơ bản nhất của khởi nghiệp là sự sáng tạo. Nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới G. Ka-oa-sa-ki đã từng nhận xét: “Nếu chỉ nghĩ đến tiền, bạn đừng nên làm doanh nghiệp khởi nghiệp. Không phải tiền không quan trọng, mà nếu chỉ nghĩ đến tiền, bạn sẽ gặp những khó khăn không thể vượt qua được, bởi có những lúc bạn sẽ chẳng còn gì trên người”. Như ở nhiều quốc gia khác, mọi người trẻ khi khởi nghiệp đều nung nấu ước mơ làm giàu, nhưng vượt lên tất cả, họ đều sở hữu một “tinh thần khởi nghiệp” rất cao thượng, chính là lý tưởng mong muốn được khẳng định “Tôi là số 1”. Vì vậy, đừng quan tâm quá nhiều vào việc sẽ kiếm được bao nhiêu tiền, mà hãy để khát khao sáng tạo được phát huy, chắp đôi cánh cho ước mơ của mình bay cao, bay xa, chinh phục những đỉnh cao mới.
THÁI LINH / Theo Nhandan.com.vn
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra