Trần Nguyễn Lê Văn lên ý tưởng thành lập Vexere từ một lần đọc báo về tình trạng khan vé xe mùa Tết. Nhận thấy đây là một thị trường lớn ở Việt Nam, quy mô khoảng 2 – 3 tỷ USD, anh quyết định bỏ ngang chương trình học ở Mỹ để về nước khởi nghiệp.
3h chiều, Quang Tuấn – một sinh viên xa nhà ra bến xe Mỹ Đình bắt xe về Yên Bái. Như thường lệ, anh lên xe, kiếm một chỗ ngồi tốt, và bắt đầu chờ đợi.
Xe khá vắng nên anh dễ dàng tìm được một chỗ khá ổn. 3 giờ 30 phút, xe bắt đầu lăn bánh. Rất đúng giờ. Thế nhưng, thay vì đi về phía Yên Bái, xe chậm rãi vòng quanh những địa điểm quanh bến xe để bắt khách.
Gần 1 tiếng sau, khi chiếc xe đã nhận được kha khá khách cũng như những lời phàn nàn, lái xe mới quyết định ra đường cao tốc để bắt đầu cuộc hành trình.
Nhận 150.000 đồng từ tay Tuấn, người phụ xe vừa cười vừa giải thích: “Chú thông cảm, xe phải đủ người thì chạy mới có lời, chứ đi xe không thì bọn anh chết”.
Tuấn không tỏ ra khó chịu. Anh đã quá quen với tình trạng này.
Trên thực tế, gần 30 năm sau đổi mới, giao thông của Việt Nam đã khác xưa rất nhiều. Những đường cao tốc trải dài thay thế những con đường đầy ổ gà. Xe cũng đẹp hơn, máy lạnh đầy đủ. Việc “nhồi” khách quá mức cũng không còn thường xuyên.
Thế nhưng cách để bắt một chuyến xe vẫn không có gì thay đổi: Ra bến xe, mua vé và chờ đợi xe chạy vòng quanh đón khách trước khi khởi hành. Thậm chí, đối với cả nhà xe cũng như hành khách, những phiền toái và mất thời gian đã trở thành một phần của văn hóa đi xe khách tại Việt Nam.
Là thị trường có quy mô lên đến hàng tỉ USD, nhưng đa số vé xe khách vẫn được bán theo cách thủ công
Theo ông Trần Nguyễn Lê Văn , đồng sáng lập kiêm CEO của Vexere, bán vé xe trực tuyến là mô hình kinh tế dựa trên quy mô. Muốn tồn tại trong lĩnh vực này, doanh nghiệp phải giải quyết 2 vấn đề lớn.
Thứ nhất là tính phân mảnh trong thị trường này rất cao. Hiện khoảng 2.000 nhà xe hoạt động trên cả nước. Trình độ ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở các tỉnh cũng là chuyện không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Thứ hai là thói quen thanh toán. Ở Việt Nam, chi trả bằng tiền mặt vẫn rất phổ biến. Các doanh nghiệp bán vé xe trực tuyến phải tìm cách giao vé thu tiền hộ ít chi phí hơn so với việc dựa vào đội ngũ giao hàng khi mở rộng sang các tỉnh.
Việc cùng lúc đẩy cả 3 mảng là đối tác, mở rộng mạng lưới và thu hút khách hàng sử dụng đã làm thị trường khá sôi động lúc ban đầu… Tuy nhiên, do khó khăn, đến nay chỉ còn vài cái tên hoạt động. Trong đó, Vexere.com tạm thời dẫn đầu thị trường này.
Trong năm 2017, mỗi ngày có gần 150.000 vé xe được đăng bán thông qua của hệ thống Vexere, tương đương 20% tổng lượng vé bán ra trên thị trường. Công ty đang đặt mục tiêu đạt tỉ lệ 40% vào cuối năm 2018.
Cuộc cách mạng Vexere
Trần Nguyễn Lê Văn lên ý tưởng thành lập Vexere từ một lần đọc báo về tình trạng khan vé xe mùa Tết. Nhận thấy đây là một thị trường lớn ở Việt Nam, quy mô khoảng 2 – 3 tỷ USD, anh quyết định bỏ ngang chương trình học ở Mỹ để về nước khởi nghiệp.
Thời gian đầu, Vexere bị từ chối vì nhiều chủ xe không quan tâm. Họ đã quen với việc quản lý thủ công và rất ngại thay đổi. Tuy nhiên, sau thời gian dài thuyết phục, các đối tác này phải thừa nhận, quản lý truyền thống thất thoát rất nhiều và là bài toán chưa có lời giải. Nhiều yếu tố minh bạch đồng nghĩa doanh thu của họ giảm đi.
“Chúng tôi thuyết phục họ rằng phần mềm vẫn có thể cân đối quyền lợi của đôi bên. Khi nhà xe kiểm soát được thất thoát, họ sẽ trả lương theo thị trường. Trước đây, do không kiểm soát được thất thoát nên họ thường trả lương rất thấp”, Văn cho biết.
Những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho “cuộc cách mạng” Vexere là nhà xe Sao Việt đi Sapa, Hà Linh đi Nha Trang, Gia Phúc đi Cam Ranh. Càng về sau này, càng nhiều doanh nghiệp bắt tay với Trần Nguyễn Lê Văn. Khách hàng từ đây có thêm nhiều lựa chọn, và trở nên trung thành với nền tảng Vexere.
Nhờ vậy, trong 3 năm trở lại đây, công ty duy trì mức tăng trưởng doanh thu 300 – 500%/năm dù rất ít đầu tư cho hoạt động quảng bá, tiếp thị.
Và đây cũng là yếu tố giúp VeXeRe hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Tháng 1/2018, công ty nhận đầu tư mới từ Quỹ Spiral Ventures (Singapore). Trước đó, Công ty đã nhận đầu tư từ CyberAgent Ventures (Nhật) và Pix Vine Capital (Singapore) lần lượt vào năm 2013 và 2015.
Khi cuộc chơi tăng tốc
CEO Vexere cho rằng, đây là thời cơ thích hợp để người Việt Nam có một cuộc cách mạng trong ngành giao thông vận tải, cũng như du lịch. Cách mà Vexere tham gia thị trường không đơn thuần là bán sản phẩm, mà còn giúp phía nhà xe phát triển hơn, trở nên hiện đại hóa hơn.
“Nhờ áp dụng công nghệ, các nhà xe tiết kiệm được tới 40% chi phí. Trước kia, nhà xe vận hành thủ công nên không biết lúc nào trống ghế, báo cáo sổ sách thống kê không nhìn ra vấn đề. Các đầu văn phòng không có nhiều kết nối, không có quy trình rõ ràng, thông tin chưa đầy đủ. Hệ thống Vexere ra đời, họ sẽ biết được đầu cầu này bán được bao nhiêu vé, từ đó gia tăng doanh thu cho chính nhà xe”, ông Văn nói.
Trong ngành vận tải hành khách, bài toán mang tên “trống ghế” luôn tồn tại. Mấu chốt để giải quyết vấn đề này là việc hiểu quy luật cung cầu thị trường.
Tỷ lệ lấp đầy của xe khách nói chung luôn là 70%, trong khi chi phí cho một lượt xe luôn cố định. Thông qua các nhà xe, Vexere biến 30% vé thừa này thành vé giá rẻ – tương tự như cách các hãng hàng không giá rẻ ở Việt Nam hoạt động.
Với tỉ lệ chiết khấu khoảng 10-15%, hoạt động bán vé xe đóng góp rất lớn vào doanh thu chung của công ty, bên cạnh việc bán phần mềm quản lí trực tuyến cho các nhà xe – theo hình thức thu phí hàng tháng.
Nói về những mục tiêu sắp tới, Trần Nguyễn Lê Văn cho biết, Vexere đang gấp rút ra mắt ứng dụng riêng, có cả phiên bản cho hành khách và tài xế. Nhiệm vụ của ứng dụng là cố gắng đơn giản hóa việc đi xe, thuận tiện trong thanh toán, cũng như đặt vé.
Sau xe khách, Vexere đang cân nhắc tập trung thêm một số mảng như xe lửa, máy bay. Bên cạnh đó, công ty còn có ý định đưa nền tảng của mình sang một số quốc gia trong khu vực. Với tiềm lực hiện tại, Văn tiết lộ rằng các chuyên gia định giá Vexere là 8 chữ số (hàng chục triệu USD).
NĐH