Khởi Nghiệp | StartupKiến thức khởi nghiệp

Vỡ mộng của người trẻ khởi nghiệp: “Cái bẫy của ham mê làm chủ”

Start-up giờ đã là một từ khóa thông thuộc với cả xã hội, đặc biệt người trẻ. Môi trường tự do, trẻ trung và được trải nghiệm đa dạng khiến nhiều 9X, 2000 có ham muốn làm việc tại những công ty khởi nghiệp. Nhưng thực tế làm việc tại start-up không hề dễ.

Vỡ Mộng Của Người Trẻ Khởi Nghiệp: “Cái Bẫy Của Ham Mê Làm Chủ”

Start-up ngày nay đã là một trào lưu của toàn xã hội. Trước kia, người trẻ ra trường chỉ tập trung mong muốn thi vào những công ty lớn, công ty nhà nước để có sự ổn định lâu dài.

Còn bây giờ, họ muốn thử sức mình với những công ty nhỏ, công ty khởi nghiệp nơi mang lại cho họ nhiều sự trải nghiệm công việc và dễ dàng lên cấp quản lý. Đồng thời đây là môi trường được biết tới với sự thoải mái trong công việc và giờ giấc.

Start-up có thể ví như bước đệm để nhiều người trẻ tiến tới thành công. Nhưng không phải công ty khởi nghiệp nào cũng mang lại cho chúng ta những giá trị thiết thực và hỗ trợ bước đường phát triển sau này. Trên thực tế, thời gian để một nhân viên làm tại các start-up chỉ rơi vào khoảng 3-6 tháng. Đây là một môi trường khắc nghiệt người đến thì nhiều nhưng người ra đi cũng không ít. Môi trường khởi nghiệp đã khiến không ít bạn trẻ vỡ mộng phải chuyển hướng công việc.

Làm start-up kiếm tiền nhanh chóng – Thu nhập rủng rỉnh?

Một lời quảng cáo thường thấy trên các bài viết tuyển dụng của các start-up. Các công ty này đánh vào tâm lý ham làm giàu nhanh chóng của người trẻ để chiêu dụ nhân tài. Đồng thời, sự hứa hẹn môi trường khởi nghiệp sẽ cho họ nhiều sự thăng tiến và thu nhập vượt trội trong tương lai khiến cho người trẻ dễ dàng thấy được sự hấp dẫn và sẵn sàng làm việc cật lực cho công ty.

Nhưng rồi, bạn cũng biết rằng, muốn start-up được thì người chủ doanh nghiệp phải có một số vốn nhất định và cũng phải kêu gọi nhà đầu tư để phát triển hoạt động và tăng trưởng quy mô. Do vậy, có một sự thật là đa số các công ty này đều chịu lỗ trong một thời gian dài. Thậm chí, có những công ty đã có thương hiệu chục năm trên thị trường nhưng chưa từng có năm nào hòa vốn chứ đừng nói là có lãi. Những doanh nghiệp này sống chủ yếu nhờ tiền của quỹ đầu tư. Chuyện nợ lương nhân viên tại các công ty khởi nghiệp là việc rất bình thường. Và rồi, bạn biết đấy, có thể một ngày đẹp trời bạn nghe tin nhà đầu tư rút vốn, bạn bị sa thải hay công ty phá sản là điều không quá xa lạ.

Đồng thời, tại các start-up, đa phần nhân viên đều chịu cảnh mức thu nhập và đãi ngộ thấp hơn mặt bằng chung. Điều đó chính xác bởi công ty khởi nghiệp sẽ giành chi phí ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh doanh lõi và hạn chế tối đa chi phí nhân sự. Những nhân sự có mức lương cao, thu nhập khủng chủ yếu những nhân sự giàu kinh nghiệm, nhân sự lõi không thể thay thế. Còn lại, đa phần mức đãi ngộ cho người trẻ thấp, và đây là lớp nhân viên thường xuyên thay thế.

Nếu là người thường xuyên để ý đến thông tin tuyển dụng bạn sẽ nhận thấy rằng, có những công ty họ quanh năm tuyển 1 vị trí mãi không hết. Phổ biến là những vị trí như sale hay CTV. Ở những công ty trẻ, việc nhân sự đến và đi quá nhanh, thay đổi nhân sự là điều diễn ra mỗi ngày.

Do vậy, người trẻ muốn làm start-up cần tìm hiểu rất rõ vị trí cũng như công ty mình muốn làm. Làm start-up muốn phát triển, muốn tăng thu nhập bạn phải học được tính kiên trì, thiện chiến và phải có đầu óc tỉnh táo. Đừng vội vã với những lời mật ngọt về thu nhập khi bản thân bạn đang mông lung chưa hiểu rõ bản chất công việc cũng như doanh nghiệp bạn làm việc.

Vỡ Mộng Của Người Trẻ Khởi Nghiệp: “Cái Bẫy Của Ham Mê Làm Chủ”

Sếp trẻ, môi trường mở, nhiều trải nghiệm

Hiện nay, các công ty khởi nghiệp chủ yếu là những người trẻ. Đa phần là những bạn 9X thậm chí có cả những người sinh năm 2000 đổ lên. Thế hệ trẻ ngày nay là thế hệ tự chủ, họ đã sớm xác định được định hướng tương lai cho bản thân để theo đuổi. Do vậy, start-up là môi trường phù hợp giúp họ có những trải nghiệm hữu ích trong công việc và phát triển mình.

Thêm một điều nữa khiến giới trẻ yêu thích các công ty khởi nghiệp đó chính là sự gần gũi. Phải nói rằng, môi trường start-up giống hệt như một lớp học thu nhỏ với những người bạn cùng nhau học, cùng nhau làm việc hằng ngày. Gió tầng nào gặp mây tầng đấy, cùng người trẻ tất nhiên dễ dàng hiểu nhau hơn trong công việc. Trái ngược với các công ty lớn với những nhân viên đa thế hệ, người trẻ dễ thấy mình lạc lõng giữa những ông bố, bà mẹ bỉm sữa.

Đồng thời, tư duy làm việc trong những môi trường này cũng khá thoáng và thoải mái từ giờ giấc đến phong cách làm việc. Có công ty cho nhân viên thoải mái ăn mặc giờ giấc đến chỗ làm. Và là nơi cho nhân viên thoải mái trong giao tiếp, bàn bạc mà không cần câu nệ. Đó thật sự là nơi làm việc lý tưởng cho người trẻ tự do thể hiện cá tính.

Vỡ Mộng Của Người Trẻ Khởi Nghiệp: “Cái Bẫy Của Ham Mê Làm Chủ”

Nhưng rồi, mọi việc đều có hai mặt của nó. Cùng một môi trường trẻ nhiều khi những người trẻ với nhau lại hạn chế việc học hỏi kinh nghiệm. Môi trường thoải mái quá đâm ra nhân viên lại nhờn. Sếp tầm tầm tuổi lại chẳng định hướng được công việc và thăng tiến cho nhân viên, lắm khi sếp còn ham chơi hơn cả nhân viên khiến cho người ngoài nhìn vào chỉ thấy sự thiếu chuyên nghiệp.

Ở đâu cũng vậy, muốn làm việc hiệu quả cao thì nguyên tắc vẫn là “Thượng tôn kỷ luật”. Môi trường trẻ trung có thể vui vẻ, hòa đồng nhưng trong công việc cần sự chuyên nghiệp. Nhiều công ty khởi nghiệp lại khó rạch ròi được vấn đề này mà chỉ chú trọng thu hút nhân tài từ những yếu tố phụ khiến cho người trẻ làm ở start-up nhiều khi đã chẳng học được gì lại còn cuốn theo những thứ vô ích. Để rồi, khi sang những công ty khác nhiều người dễ bị “shock” văn hóa, khó thích nghi.

Nhiều người nghĩ rằng, làm start-up thì cũng được làm điều mình thích cũng như làm những cái mới mẻ. Nhưng rồi, thực tế lại khó khăn hơn rất nhiều. Khởi nghiệp vốn ngân sách đã ít, nên làm gì đều phải tính toán chi li đến hiệu quả. Do vậy, muốn làm gì cũng phải cân lên đặt xuống biết bao lần. Mặt khác, sếp trẻ, lại ít kinh nghiệm nhiều khi cũng chẳng dám liều mà chỉ muốn từ từ tầm tầm quay vòng vốn đã. Để rồi, nhiều bạn làm start-up chỉ làm có 2, 3 tháng đã thấy không còn gì để học hỏi thêm.

Đa phần môi trường khởi nghiệp hội tụ là người trẻ, họ mới ra trường hay thậm chí vẫn còn là sinh viên; do đó, ở họ cũng thiếu mối quan hệ và kinh nghiệm để kết nối và phát triển công việc. Đây là một trong những khó khăn khiến mà những bạn trẻ làm tại start-up đối mặt.

Vỡ Mộng Của Người Trẻ Khởi Nghiệp: “Cái Bẫy Của Ham Mê Làm Chủ”

Truyền thông và con dao hai lưỡi

Phải nói rằng giai đoạn 2015 – 2017 là khoảng thời gian hoàng kim của khởi nghiệp tại Việt Nam. Chính phủ liên tục đưa ra những ưu đãi hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp mới. Quốc Gia Khởi Nghiệp mà một trong những từ khóa được nhiều báo, đài và truyền thông nói đến. Những chương trình thúc đẩy khởi nghiệp như Shark Tank, Chìa khóa CEO… khơi dậy đam mê tìm tòi sáng tạo và thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh của người trẻ. Những start-up kỳ lân gọi vốn triệu USD như Wefit, The KAfe… là niềm ao ước khiến giới khởi nghiệp ngưỡng mộ.

Nhưng rồi, thật đáng buồn, càng đi thì nhiều startup khởi nghiệp lại càng đuối. Nhiều công ty phá sản, chuyển nhượng hay đổi chủ trước sự ngỡ ngàng của dư luận. Bắt đầu bằng việc Đào Chi Anh rời khỏi vị trí CEO của The KAfe khi mâu thuẫn với nhà đầu tư. Và rồi tiếp tục là câu chuyện thay đổi mô hình kinh doanh của WeFit khi công nợ của start này lên quá cao. Để rồi sau thời gian “cách ly xã hội” do dịch Covid 19, WeFit đã chính thức phá sản. Các chuyên gia dự đoán đây là cú vỡ đầu tiên cho những bong bóng start-up tại Việt Nam. Đó cũng khiến dư luận có cái nhìn chính xác hơn về khởi nghiệp, không phải một bức tranh màu hồng mà truyền thông đã vẽ ra ở giai đoạn trước đây.

Chúng ta thường hay thấy được những hình đẹp, cơ hội rộng mở nơi những cánh cửa start-up thông qua truyền thông, báo đài để rồi ôm ước mơ và kỳ vọng với start-up khi bản thân còn chưa hiểu rằng start-up là gì. Đến khi tỉnh mộng, người trẻ đã lạc lối, đã vấp ngã và phải bắt đầu lại từ những bước đầu tiên. Sai lầm của tuổi trẻ luôn đánh đổi lại bằng thời gian và tiền bạc. Nếu không có những bước đi vững chãi ngay từ đầu thì khi biến cố xảy đến sẽ là những cú trượt dài trong sự nghiệp khiến ta khó đứng lên.

Ở đâu cũng vậy, nhìn từ truyền thông bên ngoài ta luôn thấy được vẻ đẹp đẽ và hào nhoáng. Chỉ đến khi trực tiếp làm việc mới thấy được bao khó khăn, gian khổ cần phải nỗ lực gấp trăm, gấp ngàn lần mới vượt qua. Điều đó, khiến cho người trẻ cần phải có tư duy tỉnh táo và nhạy bén trước truyền thông. Đồng thời, cũng cần có một khả năng thích nghi cao độ để làm chủ cuộc chơi trước mọi vấn đề trong công việc.

Vỡ Mộng Của Người Trẻ Khởi Nghiệp: “Cái Bẫy Của Ham Mê Làm Chủ”

Trong bước đường sự nghiệp của mỗi người, start-up sẽ là một kỷ niệm khó quên nhất. Với tinh thần làm chủ, vượt lên chính mình, những công ty khởi nghiệp là nơi thực hiện hóa ước mơ của mỗi chúng ta. Nhưng con đường thành công không rải cánh hoa hồng mà ở đó có cả những chông gai, cám dỗ, thất vọng và cả những sa ngã. Vậy nên, hãy thực sự tỉnh táo, thức thời và nỗ lực nếu bạn đang muốn đầu quân cho start-up. Bởi nếu không, chính bạn cũng sẽ lạc lối trước ngưỡng cửa sự nghiệp của chính mình.

Nguồn khoinghiepsangtao.vn

BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ

Đăng ký thành công

Có lỗi xảy ra

DMCA.com Protection Status
Back to top button

BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ - STARTUP VIỆT NAM

Đăng ký thành công

Có lỗi xảy ra